Bình minh hé lên, tàu cặp bến Côn Đảo sau khi đã vượt qua 97 hải lý (180km). Côn Đảo sừng sững hiện ra trấn giữ vùng biển Đông Nam Tổ quốc với những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng tiềm năng giàu có của rừng, của biển. 16 hòn đảo với tổng diện tích 76,71km2 quây quần bên nhau giống như một hạm đội tiền tiêu canh giữ vùng biển, vùng trời đất nước. Những bãi tắm ở đây vẫn mang đầy vẻ hoang sơ, không khí trong lành, nước trong xanh, bơi ra xa vẫn còn nhìn thấu đáy.
Địa ngục trần gian Côn Đảo – nơi thực dân Pháp đã xây dựng một nhà tù đầu tiên, một nhà tù quy mô nhất Đông Dương và nổi tiếng là “địa ngục trần gian”. Suốt 113 năm tồn tại (từ tháng 2/1862 đến tháng 4/1975), kẻ thù đã đày ra Côn Đảo hàng vạn người yêu nước, từ lớp nghĩa quân Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương chống Pháp ở Nam bộ cho đến lớp nghĩa quân chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương, các sĩ phu trong phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa Thục… và các thế hệ người Việt Nam cầm súng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Rất nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đã từng bị giam cầm nơi đây. Hướng dẫn viên du lịch Khu di tích Côn Đảo Nguyễn Quốc Khai đưa chúng tôi đến thăm khu chuồng cọp, những địa danh mà ai nghe thấy cũng phải rùng mình, ghê sợ về sự dã man, tàn bạo của kẻ thù. Nơi đây cũng gắn liền với các phong trào đấu tranh bảo vệ khí tiết của tù chính trị, những chiến sĩ trung kiên như Lê Duẩn, Ngô Gia Tự, Trần Trung Tín, Lưu Chí Hiếu, Nguyễn Đức Thuận… Mãi mãi không thể quên hình ảnh người thiếu nữ Võ Thị Sáu ung dung bước ra pháp trường Côn Đảo và từ chối rửa tội với lời tuyên bố hùng hồn: “Tôi không có tội. Chính bọn thực dân Pháp xâm lược mới là kẻ có tội”. Chúng tôi đến viếng mộ Liệt sĩ Võ Thị Sáu, người con gái đất đỏ vào một buổi chiều hè. Mộ chị nằm ở khu B của nghĩa trang Hàng Dương giữa tiếng thông reo vi vu và cả một rừng hoa tím mà người dân trên đảo gọi là hoa đào tây. Mộ chị Sáu nghi ngút hương thơm và đầy hoa trắng, phía trước là cây dương già, ngọn đã khô, chỉ còn lại một cành lớn xanh tươi vươn thẳng về hướng bắc. Giờ đây, tên chị đã trở thành tên sách, tên trường, tên đường, tên đoàn, tên đội ở khắp mọi miền đất nước. Chị vẫn sống cùng đất nước, cùng thế hệ trẻ Việt Nam. Tự nhiên, lời bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” lại ùa về trong tôi: “Mùa hoa lêkima nở, màu xanh vẫn còn nhắc nhở…”. Hàng Dương chỉ là một trong nhiều nghĩa trang trên đảo là nơi an nghỉ của hơn 20.000 người con yêu nước. Hòn đảo ngọc Với chiếc xe đạp thuê của một người dân, chúng tôi thong dong dạo dọc theo bờ biển, dưới tán của những cây bàng cổ thụ và bằng lăng tím đỏ. Mùa đông, con đường này lắng đọng trong âm sắc xao xác của những cành bàng gầy guộc lẫn trong tiếng sóng vỗ ầm ào. Côn Đảo đã trở thành một huyện đảo không có xã, phường với gần 5.600 dân của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Với bờ biển dài 200km, hàng chục bãi tắm đẹp, Côn Đảo không chỉ có thế mạnh để phát triển du lịch, khai thác chế biến hải sản mà còn có tiềm năng để phát triển cảng biển, dịch vụ dầu khí và hàng hải. Thêm vào đó là Vườn Quốc gia Côn Đảo với diện tích gần 6.000ha trên đất liền và 14.000ha mặt biển với nhiều loại cây và thú quý hiếm. Theo ông Trần Ngọc Thới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Từ khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế – xã hội huyện Côn Đảo đến năm 2020, hàng loạt các dự án về năng lượng, cấp thoát nước, sân bay, tu sửa đường sá, du lịch sinh thái, xử lý nước thải đã được triển khai, nhiều biệt thư, khu nghỉ mát, resort cao cấp đang mọc lên. Trong đó phải kể đến Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại Bãi Nhát, Bãi ông Đụng do Cty TNHH Hồng Bàng Phương Đông làm chủ đầu tư với số vốn 19 triệu đô-la; Dự án xây dựng nhà máy điện gió, công suất 6MW của Tập đoàn Aerogie Plus (Thuỵ Sĩ) với số vốn đầu tư gần 20 triệu đô-la. Tập đoàn Aerogie còn có ý định lắp những tháp gió tạo ra cảnh quan đẹp nhằm thu hút khách du lịch và tận dụng năng lượng dư thừa trong mùa gió mạnh vào việc xử lý nước tinh khiết, xử lý nước thải, rác thải. Ông Dominik Reiner, Chủ tịch Tập đoàn Aerogie Plus cho biết: “Giá bán điện gió hoàn toàn có thể cạnh tranh được với điện diesel tại đảo”. Ngồi dưới giàn hoa ti-gôn tím trong khu resort cao cấp của Nhà nghỉ Công đoàn (thuộc LĐLĐ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), nhâm nhi ly cà phê thơm phức, ông Bùi Lương Dân, Giám đốc Nhà nghỉ Côn Đảo tự hào kể với chúng tôi về số lượng khách trong nước và quốc tế đến với nhà nghỉ hàng năm lên đến gần 10.000 lượt. Lượng khách ấy nhân lên với hàng chục resort khác đã đem lại nguồn thu khá lớn cho hòn đảo ngọc này. Ngoài những người dân trên đảo, những năm gần đây, ngư dân miền Trung, miền Tây đổ về đây làm ăn, ngư trường Côn Đảo sôi động hẳn lên. Dân đảo có thêm một nghề: Dịch vụ nghề cá. Có lúc, ghe các tỉnh cặp vào Côn Đảo gần ngàn chiếc. Cty Thuỷ sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo khai thác ngày càng có hiệu quả trên chính vùng biển này và mở rộng ngư trường đến tận Trường Sa. Cảng cá Bến Đầm với kinh phí đầu tư hơn 27 tỷ đồng do Cty làm chủ đầu tư cũng đã được xây dựng và hoạt động khá hiệu quả… Hơn 30 năm qua, người dân trên đảo luôn đặt lên hàng đầu nhiệm vụ gìn giữ, tôn tạo khu di tích lịch sử mang tầm vóc quốc gia và ra sức xây dựng Côn Đảo trở thành hòn đảo ngọc và là thiên đường của du lịch. |
Côn Đảo – Mùa hoa lêkima nở
53
Bài trước