TT (Cần Thơ) – Quốc lộ 1A từ TP Cần Thơ đến Năm Căn (Cà Mau) đã hoàn thành từ rất lâu nhưng các doanh nghiệp vẫn còn gánh mãi chi phí vận chuyển quá cao do phải “xé lẻ” hàng hóa để chở xe nhỏ vì tải trọng cho phép của cầu và đường chưa đồng bộ.
Cầu Đất Sét trên quốc lộ 1A chỉ cho phép xe 16 tấn đi qua – Ảnh: D.KH. |
Một trong những chốt giao thông làm nhiều tài xế xe tải ngán nhất là cầu Đất Sét (thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, Hậu Giang). Từ khi quốc lộ 1A hoàn thành, các doanh nghiệp ở ĐBSCL mạnh dạn đầu tư xe tải lớn để vận chuyển hàng hóa về một số cảng ở TP.HCM nhưng tất cả đều “kẹt” bởi cầu Đất Sét chỉ cho xe có tổng trọng tải 16 tấn đi qua.
Một tài xế xe đông lạnh ở TP Cà Mau cho biết công ty anh phải điều thêm một xe tải nhỏ thường xuyên túc trực ở Cái Tắc để trung chuyển hàng qua cầu Đất Sét. Với cách làm này, doanh nghiệp không chỉ tốn rất nhiều thời gian để đưa một xe tôm đông lạnh về TP.HCM mà còn tốn thêm nhân công và nhiên liệu cho xe trung chuyển.
Ở huyện Năm Căn (Cà Mau) có dự án nhà máy đóng tàu và cảng Năm Căn nhưng không xe tải lớn nào có thể đi trên quốc lộ 1A từ Đầm Cùng đến Năm Căn. Hiện trên đoạn đường này có sáu cầu đang thi công, cầu tạm chỉ cho phép xe 5-6 tấn chạy qua, suốt cả một thời gian dài hầu hết doanh nghiệp đều phải vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện đường thủy.
Không riêng gì quốc lộ 1A, nhiều tuyến đường liên tỉnh ở ĐBSCL cũng có hàng loạt đoạn cầu và đường “vênh” nhau về tải trọng. Trong đó có đường huyết mạch từ quốc lộ 1A về cảng Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) dài gần 30km nhưng đoạn từ ngã ba Long Điền tới cảng Gành Hào chỉ cho phép xe qua cầu có tải trọng… 5 tấn. Ở Sóc Trăng, tỉnh lộ 8 đi từ TP Sóc Trăng về cảng Trần Đề đường cho phép xe 15 tấn, còn cầu Kinh Ba trên tuyến này chỉ cho xe có tổng trọng tải 7 tấn đi qua.
DUY KHANG