Từ 10/8, nhà thầu phải triển khai chống thấm hầm xe cơ giới nút giao thông Kim Liên












KTĐT – Kể từ lúc hầm đường bộ Kim Liên được thông xe đến nay, sau những trận mưa liên tiếp các khớp nối của đường hầm đã xuất hiện tình trạng bị thấm dột. Để tìm hiểu nguyên nhân của việc thấm dột, cũng như cách khắc phục trong ngày5/8, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội.


Ông Nguyễn Sĩ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cho biết: “Bước đầu đã xác định, hiện tượng lún cục bộ tại mấu nối là nguyên nhân gây ra hiện tượng rò rỉ, thấm ở các đốt hầm. Sau khi xuất hiện các vết rò rỉ đầu tiên tại điểm nối giữa đốt hầm 8-9 vào khoảng trung tuần tháng 7, tiếp tục khảo sát thì thấy, tại hầm cơ giới Kim Liên tiếp tục xuất hiện thêm 7 điểm rò rỉ nước, nâng tổng số lên 8 điểm rò rỉ, thấm dột”.



Quan sát tại điểm nối giữa đốt hầm 8 – 9, nước thấm có màu đen sẫm của chất phụ gia. Một cán bộ kỹ thuật của Ban quản lý cho biết, đó là nhựa tràn ra ở khe co giãn nên tạo thành những vệt màu ố sẫm kéo dài theo chiều nước mưa. Tại mấu nốingay chính giữa trần hầm cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Còn phía dưới, ngay trên dải phân cách hai làn hầm, xuất hiện tình trạng nước thấm dột vào lan can, thậm chí tràn ra mặt đường nhựa. Ngoài ra, phía làn đường Đào Duy Anh sang Đại Cồ Việt cũng xuất hiện những vệt ố vàng tại các khe nối.



Ông Nguyễn Sĩ Bảo còn cho biết, sau những trận mưa vừa qua, hầm cơ giới bắt đầu có hiện tượng thấm nhỏ giọt tại khe co giãn. Nước thấm trong, không có hiện tượng rửa trôi vật liệu. Qua 4 lần quan trắc (từ tháng 4 đến tháng 7) của tư vấn và nhà thầu báo cáo cho chủ đầu tư cho thấy, đã có hiện tượng lún cục bộ với độ lún từ 1mm-2mm tại mấu nối. “Trước tình trạng này, nhà thầu Taisei đã đề xuất phương án chống thấm và đã được tư vấn JBSI (Viện Kết cấu và cầu Nhật Bản) phê duyệt” – ông bảo cho biết.



Về phương án chống thấm, Ban đã có sự thống nhất giữa tư vấn, nhà thầu với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam như Viện Bê tông – Viện Khoa học kỹ thuật xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện Thủy công – Viện khoa học thuỷ lợi… Ngoài ra, Ban cũng thành lập một Hội đồng tư vấn độc lập gồm các chuyên gia của Cục giám định, Viện Khoa học thuỷ lợi…cũng như những tổ chức có đủ tư cách pháp nhân, năng lực để đánh giá, kiểm định kết quả xử lý thấm sắp tới và quan trắc lún phục vụ cho công tác nghiệm thu về sau.



Do đây là công trình trọng điểm, Ban đã yêu cầu Tư vấn và nhà thầu phải hoàn chỉnh báo cáo biện pháp tổ chức thi công xử lý thấm triệt để, báo cáo tính chất cơ lý của vật liệu. Tư vấn cần kiểm tra, đánh giá kết quả thí nghiệm vật liệu mà nhà thầu đưa vào xử lý thấm, hoàn công các điểm xử lý, theo dõi thường xuyên kết quả sau xử lý. Riêng các khu vực xử lý thấm, nhà thầu phải tạm ngưng công tác hoàn thiện mặt đường. Theo kế hoạch, từ 10/8, nhà thầu sẽ chính tức triển khai phương án chống thấm.



Liên quan đến công tác phòng chống úng ngập trong mùa bão lũ, MPMU cho biết, nhà thầu vẫn đang gấp rút thi công để hoàn thiện những hạng mục còn lại của hầm đường bộ Kim Liên và có kế hoạch phân luồng, đảm bảo ATGT khi hầm bị úng ngập. Hiện 2/4 máy bơm của hầm đường bộ Kim Liên đã được đưa vào sử dụng. Theo tiến độ của nhà thầu, đến ngày 10/8 sẽ hoàn tất toàn bộ trạm bơm (với 4 máy bơm, trong đó có 1 máy dự phòng); đảm bảo theo đúng thiết kế, hút được toàn bộ nước mưa rơi vào hầm với cường độ 175mm/h. Tuy nhiên, vướng mắc chủ yếu nằm ở hệ thống chống tràn ở cửa đường hầm phía Đào Duy Anh do thi công chưa xong nên nếu lượng mưa lớn, nước vẫn có thể tràn vào hầm gây úng ngập. Tại cửa hầm này, mới đây do phải thay đổi cao độ thiết kế hệ thống chống tràn nên nhà thầu đang phải triển khai công tác phê duyệt lại thiết kế bản vẽ thi công. Những vướng mắc của dự án này sẽ được xử lý trước khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng.


 



Trần Quý

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *