Đê tả – hữu sông Đáy kêu cứu











Đất canh tác sạt lở, nhà dân nứt nẻ, hai đê tả – hữu sông Đáy đang có nguy cơ cuốn theo dòng nước.

KTĐT – Cuộc sống của gần 60 hộ dân thôn Phúc Khê, xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đang bị đảo lộn bởi tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đáy. Đất canh tác sạt lở, nhà dân nứt nẻ, hai đê tả – hữu sông Đáy đang có nguy cơ cuốn theo dòng nước.

Công trường trên sông


Từ nhiều năm nay, khúc sông dài gần 1km đoạn thôn Phúc Khê luôn có từ 10-15 thuyền lớn – nhỏ hút cát liên tục từ sáng sớm đến tối. Ước tính, mỗi ngày khoảng 1.000 mét khối cát được khai thác trái phép. Tình trạng này đã và đang gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông và chân đê sông Đáy.
 
Theo ước tính của ban địa chính xã Bột Xuyên năm 2007, diện tích đất canh tác bị mất trên 1ha. Bờ bên kia sông, đất lở dựng thành vách đứng. Đặc biệt nghiêm trọng hơn, việc khai thác cát ở đây đã khiến hàng chục ngôi nhà của dân thôn Phúc Khê bị lún nứt, có thể sập bất cứ lúc nào.


“Gia đình anh Nguyễn Văn Sơn, vừa khánh thành ngôi nhà 2 tầng được ít hôm thì thấy nhà nứt nẻ. Trước đó, ngôi nhà cũ của anh cũng đã bị nứt toác – ông Nguyễn Hữu Liêm – Trưởng thôn Phúc Khê – cho biết. Ơ đây, lớp đất thịt rất ít, dưới lòng đất chỉ sâu hơn 1m đã là cát. Giờ đất bãi chỉ còn cách chân đê vài chục mét. Trước đây, ở khúc sông này, mọi người có thể lội qua sông, nhưng giờ thì nước ngập tận đầu.


Người dân Phúc Khê rất bức xúc trước tình trạng nêu trên. Nơi đây, nhà nào cũng có vài chiếc súng caosu sẵn sàng đem ra bắn đá để đuổi thuyền hút cát. Dọc bờ sông có rất nhiều những đống gạch, đá được tập kết, sẵn sàng “bay lên thuyền cát”.


“Sáng kiến” chống “cát tặc”


Ông Lê Ngọc Thực – Phó Chủ tịch xã Bột Xuyên – cho biết, địa phương đã kiến nghị với huyện Mỹ Đức phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, ổn định đời sống nhân dân. Năm 2007, xã đã mượn xuồng máy của CA huyện Mỹ Đức tổ chức vây bắt và tịch thu 3 thuyền hút cát trái phép trên địa bàn xã, gửi huyện giải quyết.
 
Ông Thực cũng cho biết, trong nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân địa phương đã bắt và xử phạt hành chính trên – dưới 100 vụ. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép quá lớn, các chủ thuyền sẵn sàng nộp phạt vài trăm ngàn đồng để rồi tiếp tục hút trộm.


Được biết, mỗi ngày trung bình một người làm thuê cho chủ thuyền được trả công từ 200.000-300.000 đồng. Đa số các đối tượng làm thuê đều thuộc thành phần bất hảo. Chúng sẵn sàng tấn công những người vây đuổi thuyền chúng, kể cả với công an. Năm 2007, đồng chí Nguyễn Văn Khích (công an xã Bột Xuyên) đã bị các đối tượng này chém đứt gót chân, mất sức lao động 35%; một người dân cũng đã bị “cát tặc” đánh gây chấn thương sọ não.


Tại thôn, ông Nguyễn Văn Hưởng – một sĩ quan quân đội về hưu – là người đấu tranh mạnh mẽ nhất với nạn “cát tặc”. Ông có sáng kiến phá hoại máy hút cát của chúng bằng cách cắt những mẩu sắt 8, sắt 10 khoảng 10cm một, cắt nhỏ bao tải quấn vào những viên gạch vỡ để lại một phần dây dài, rải dọc sông để khi hút cát, những mẩu sắt này theo lên và phá, làm kẹt máy nổ. Tuy nhiên, sau đó, phe “cát tặc” đã đối phó được.


Nhân dân và chính quyền xã Bột Xuyên cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị UBND huyện Mỹ Đức giải quyết dứt điểm tình trạng này. Và gần đây nhất là lá đơn có chữ ký của 57 hộ dân thôn Phúc Khê gửi Sở TNMT Hà Nội.


 



Theo LĐ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *