Những ai chưa từng đặt chân đến Côn Đảo thì chắc ít nhất một lần trong đời cũng đã đọc, đã nghe về những chuồng cọp, xà lim, hầm xay lúa…rùng rợn với tù nhân một thời. Nay, Côn Đảo đẹp trong hoang sơ, đẹp trong từng cánh rừng, bãi biển. Vùng đất ấy không cô đơn bởi những chuyến tàu, những chuyến bay đưa khách vượt trùng dương đến với Côn Đảo.
Trạm phong điện trên đảo Côn Đảo luôn được nhắc đến là một vùng đất thiêng liêng không chỉ của Bà Rịa-Vũng Tàu mà của cả Việt Nam. Trong hai cuộc chiến, máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã nhuộm đỏ từng tấc đất Côn Đảo. Chế độ lao tù khắc nghiệt không làm nhụt chí khí của những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Sau chiến tranh, Côn Đảo trở thành huyền thoại bất tử mà mới chỉ nghe tên, hẳn người Việt Nam nào cũng ao ước được một lần đặt chân đến thăm. Chiến tranh lùi xa đã hơn 30 năm, “địa ngục trần gian” năm xưa nay đã trở thành “thiên đường” du lịch. Dạo bước dưới những tán bàng xanh trên đường Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Nguyễn An Ninh… của mảnh đất Côn Đảo, chúng tôi vẫn thấy đâu đó còn vẹn nguyên nét rêu phong, tĩnh lặng của những dãy nhà cổ. Thị trấn Côn Sơn, trung tâm của huyện đảo hiện còn khoảng 50 ngôi nhà được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có kiến trúc vững chắc, hài hoà với bức tranh lãng mạn và cổ xưa của Côn Đảo. Đi trên những khu phố cổ này ta có thể dễ dàng nhận ra toàn thể cấu trúc quy hoạch chung ở khu trung tâm Côn Đảo. Đó là một cơ cấu hoàn chỉnh của hệ thống cai trị, điều hành, vận hành của một nơi giam giữ, gồm nhà tù, các công sở phục vụ bộ máy cai trị và nuôi tù nhân, nhà ở của người cai trị và cai tù. Những con đường với hai hàng cây, khu phố cổ, hệ thống nhà ở của các chức sắc, những dãy nhà trệt nền cao, với bậc thềm duyên dáng và dãy hành lang phía trước, mái ngói dốc, mang vẻ đẹp tinh tế của kiến trúc Pháp nhưng lại rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Côn Đảo. Ra Côn Đảo, chúng tôi cũng nhận được tin vui mới: hiện đang có một số dự án đầu tư làm điện bằng sức gió tại Côn Đảo. Đó là dự án của Cty CP Đầu tư Địa ốc Dịch vụ Thương mại Sỹ Cát xin đầu tư tổ hợp phong điện xây dựng tại Bãi Nhát – Bãi Đá Trắng trên diện tích 45ha, trong thời gian 3 năm. Quy mô giai đoạn 1 là 10MW, sau đó sẽ nâng công suất lên theo nhu cầu thực tế. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 445 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 30 năm kể từ ngày được cấp phép đầu tư. Một dự án phong điện khác đã được cấp phép tại Côn Đảo do Cty TNHH Aerogie.Plus Việt Nam đang triển khai. Ông Lê Simon Hoàng, Giám đốc Cty TNHH Aerogie.Plus Việt Nam cho biết, Dự án vừa được thỏa thuận địa điểm và đang triển khai tiếp các phần việc khác như: Lắp đặt thiết bị đo gió, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật… Phát triển theo 6 loại hình sử dụng đất Ông Trần Minh Sanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Côn Đảo đến năm 2020. Theo đó, Côn Đảo phát triển theo 6 loại hình sử dụng đất chính, gồm: đất ở đô thị, đất thương mại – du lịch – giải trí, đất công cộng và hạ tầng xã hội, đất dịch vụ hạ tầng và hậu cần kinh tế biển, khu đất cây xanh, đất bảo tồn di tích. Tổng diện tích quy hoạch các khu chức năng tại trung tâm Côn Sơn khoảng 550 ha, quy mô dân số dự báo đến năm 2030 là 13.500 người. Các khu đô thị có quy mô khoảng 120ha. Trong tương lai nền kinh tế Côn Đảo phát triển, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, kéo theo nhu cầu giao lưu ngày càng tăng. Vì vậy Côn Đảo cần sớm đầu tư cải tạo nâng cấp và xây dựng các đầu mối tiếp nhận hành khách như cảng hàng không, sân bay, cảng hành khách cho tàu 50.000 GRT – 70.000 GRT cập bến. Được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể đầu tư phát triển Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn 2009-2020. Theo đó, phần diện tích bảo tồn rừng trên các hòn đảo gồm 5.990,7 ha; diện tích bảo tồn biển gồm 14.000 ha. Dự án tập trung vào các nhiệm vụ: bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái rừng, biển; bảo tồn sự đa dạng sinh học các loài thực vật bản địa, các sinh cảnh tự nhiên; phát triển diện tích rừng để gia tăng độ che phủ rừng đầu nguồn; sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái… Đến năm 2020, Vườn quốc gia Côn Đảo thực hiện hoàn chỉnh 10 chương trình: Quản lý và bảo vệ tài nguyên; phục hồi hệ sinh thái rừng – biển; xây dựng vườn sưu tập thực vật; nghiên cứu khoa học; phòng chống cháy rừng; phát triển du lịch sinh thái; tuyên truyền, giáo dục ý thức-nhận thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở hạ tầng. Tổng vốn quy hoạch đầu tư dự án là 320 tỷ đồng, huy động từ các nguồn ngân sách trung ương (58,6%), ngân sách địa phương (14,9%), vốn vay (5,4%) và vốn huy động từ các nhà đầu tư (22,1%).
|
Côn Đảo – vùng đất không cô đơn
2
Bài trước