Xây “nhà lầu” chống lũ cho… gia súc



Xã Đại Cường (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nằm giữa hai sông lớn là Thu Bồn và Vu Gia, nên năm nào cũng bị lũ lớn đe dọa. Để tồn tại trước thiên nhiên khắc nghiệt, người dân vùng “rốn lũ” đã nghĩ ra cách xây “nhà lầu” cho gia súc.


Nhà chống lũ cho gia súc có dầm móng và bốn cột bêtông, cách mặt đất khoảng 2,5 – 3m (trên mức đỉnh lũ năm 1999), đổ một sàn bêtông diện tích khoảng 10 – 12m2. Từ mặt đất lên sàn có đổ tấm bêtông làm đường lên xuống. Phía trên sàn đổ trụ cao thêm 2 – 2,5m, mái lợp tôn. Bốn bên dùng cây gỗ, tre và phên liếp che chắn. Kinh phí xây “nhà lầu” này khoảng 10 triệu đồng.








Một “nhà lầu” chống lũ cho bò ở xóm Bàu ven sông Vu Gia của xã Đại Cường


Mùa nắng, “tầng trệt” làm chuồng, trên “lầu” để củi. Khi nước lũ lên cao, tầng lầu trở thành nơi cư trú của bò, heo, gà… Bên cạnh “nhà lầu”, các gia đình chất thêm cây rơm cao để trâu bò có thể thò đầu ra nhấm nháp.


Gia đình Nguyễn Văn Lắm (ở thôn Quảng Đại, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) ở bên sông Vu Gia, mỗi năm ít nhất cũng ba, bốn lần nước lũ tấn công. Trước đây, mỗi lần như thế, Lắm và nhiều gia đình khác trong xóm phải dắt cả đàn bò… chạy lũ. Nhờ xây nhà cao cho bò, nên mấy mùa lũ gần đây Lắm rất yên tâm, khỏi phải bơi ghe đưa chúng đến vùng cao.


Cũng như gia đình Lắm, nhà Điểu và nhiều hộ dân ở các thôn vùng “rốn lũ” Đại Cường đều xây nhà tránh lũ cho bò, heo, gà… Người dân ở đây chủ yếu làm nông, chăn nuôi bò đem lại thu nhập đáng kể nên họ quan tâm cứu lũ cho “đầu cơ nghiệp” của gia đình mình.


Ông Lê Đức Cơ, chủ tịch UBND xã Đại Cường cho biết phong trào xây “nhà lầu” chống lũ cho gia súc xuất phát từ kinh nghiệm thường xuyên phải ứng phó với lũ của bà con. Trên địa bàn xã hiện có trên 350 nhà chống lũ cho gia súc, nhiều căn rất kiên cố. Từ khi có chuồng chống lũ, chăn nuôi trên địa bàn xã phát triển mạnh so với trước. Chỉ tính riêng đội 6 thôn Thanh Vân đã có trên 250 con bò lai Sind. Nhiều hộ gia đình trong xã có thu nhập 7 – 10 triệu đồng mỗi năm.


Theo HOÀNG LAN NHI – Sài Gòn tiếp thị

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *