Làm thủy điện, tiết kiệm phải từ thực tiễn công trường






Đó là tổng kết của hầu hết các nhà quản lý doanh nghiệp, các giám đốc công trường xây dựng thủy điện khi được hỏi làm gì để tránh lãng phí trên các công trường thủy điện. Chúng tôi đã ghi lại ý kiến, kinh nghiệm của các nhà quản lý, các giám đốc điều hành công trường để bạn đọc nhìn nhận đầy đủ hơn về tấm lòng và trách nhiệm của những người đi làm thủy điện.



Ông Nguyễn Thăng Long, Tổng giám đốc Cty CP thủy điện Việt – Là Tổ chức bộ máy gọn nhẹ, khoa học…




So với các công trình thủy điện ở trong nước thì việc thi công các công trình thủy điện ở Lào khó khăn hơn nhiều. Ngoài khó khăn về địa hình, địa lý hiểm trở, cách xa các đô thị, ngôn ngữ bất đồng, một khó khăn nữa là Lào mới xây dựng được 280 bộ luật, trong khi Việt Nam đã có hơn 600 bộ luật nên khi triển khai các dự án thủy điện, chúng tôi phải xin phép các cơ quan Trung ương và địa phương của nước bạn.



Vì công trường ở xa, đi lại khó khăn, tốn kém nên bộ máy tổ chức nhân lực trên công trường của chúng tôi rất gọn nhẹ. Tổng thầu xây dựng ở dự án Xêkamản 1 chỉ có 30 người, chủ đầu tư (bao gồm cả giám sát, tư vấn…) tổng cộng gần 70 người. Hơn thế, để tiết kiệm chi phí, ăn ở, tận dụng tối đa nguồn nhân lực, một người ở đây có thể kiêm nhiệm việc của nhiều người. Tất nhiên thu nhập của họ sẽ cao hơn và chính điều ấy đã giúp họ làm việc có trách nhiệm hơn và gắn lâu dài với nghề làm thủy điện.



Chúng tôi cũng thành lập các đội tổng hợp, giao khoán từng hạng mục công trình cho các đội. Các đội sẽ hoàn toàn tự chủ trong công việc, tự quyết định các phương án thi công, tự trả lương, thưởng cho người lao động. Điều đó bắt buộc các đội phải tính toán kỹ lượng việc bố trí nhân lực, thiết bị xe máy thi công, khi nào thật cần thiết mới đưa xe máy, thiết bị, công nhân sang. Vì vậy tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu tư, vận chuyển, nhiên liệu, tránh thất thoát. Đây là hình làm thủy điện rất hiệu quả, có nhiều ưu việt hơn khi làm ở Việt Nam.



Ông Trần Văn Nhu, Giám đốc điều hành dự án thủy điện Buôn Kuốp: Các nhà thầu đoàn kết, hỗ trợ nhau…



Đây là dự án thủy điện đầu tiên do Vinaconex thực hiện theo cơ chế 797, nghĩa là Vinaconex được giao làm lãnh đạo tổ hợp nhà thầu bao gồm 5 nhà thầu. Vì vậy, người lãnh đạo tổ hợp nhà thầu phải sâu sát, am hiểu công việc và là trung tâm đoàn kết, công minh để các nhà thầu hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng mục tiêu đưa dự án vào hoạt động đúng tiến độ.



Khác với nhiều dự án thủy điện, thủy điện Buôn Kuốp có địa hình, địa chất rất phức tạp, chỉ riêng việc đào hai đường hầm dẫn nước có chiều dài gần 10km, đường kính rộng 7m trong điều kiện phức tạp, độ rủi ro lớn đã cho thấy sự cố gắng rất lớn của những người làm thủy điện tại đây. Mới đây, chúng tôi đã đưa tổ máy 1 của nhà máy công suất 140MW vào vận hành. Sau 4 tháng, nhà máy đã vận hành thương mại hết công suất, không phải dừng lại sửa chữa như các nhà máy khác. Hiện tổ máy 2 có cùng công suất như trên đang cân chỉnh để thể phát điện vào tháng 9 này. Việc đưa hai tổ máy vào vận hành ổn định là do Lilama 45-3 (đơn vị đảm nhận việc lắp đặt thiết bị nhà máy) có kinh nghiệm, uy tín và đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề cao, kỹ năng quản lý điều hành giỏi của kỹ sư Viên, Hải, Dũng…



Theo tôi, nếu các nhà thầu trên công trường phối hợp tốt, có trách nhiệm, có kinh nghiệm, chăm lo tốt đời sống công nhân thì không chỉ tiết kiệm nhiều về kinh tế và còn là mô hình mẫu cho các dự án thủy điện khác.



Ông Nguyễn Thế Trinh, Chỉ huy trưởng công trình thủy điện Sơn La của Lilama 10: Chậm một mùa là mất cả năm… 



Đây là dự án thủy điện lớn nhất mà chúng tôi thi công. Vì vậy, hiện các đơn vị của Lilama đã đưa về đây gần 2.000 kỹ sư, công nhân, thiết bị xe máy hiện đại. Trong 3 năm, ngoài nhiệm vụ lắp đặt 73.000 tấn thiết bị của 6 tổ máy, Lilama còn chế tạo gần 5.000 tấn thiết bị thủy công cho dự án bao gồm 1.800 tấn thiết bị xả sâu, 2.500 tấn thiết bị van hạ lưu và nhiều thiết bị thủy công khác (chiếm 30% khối lượng thiết bị của dự án). Vì vậy, tuần nào trên công trường cũng diễn ra ba, bốn cuộc họp quan trọng với sự tham gia của các đơn vị thi công. Tiến độ công trường phải được kiểm soát từng ngày, từng giờ. Nếu ngày đó, giờ đó chậm, hôm sau phải làm bù ngay.



Việc đưa ra các biện pháp thi công tối ưu, cẩn trọng, khoa học cũng rất quan trọng. Ngoài ra làm cái gì trước,  cái gì sau, việc gì làm mùa khô, việc gì làm mùa đông cũng phải tính toán cụ thể, kỹ lưỡng. Tính toán thiếu khoa học, thiếu tính tổ chức lũ về là chậm cả một năm. Vì thế, việc đưa nhà máy vào vận hành đúng tiến độ là vô cùng quan trọng vì vốn vay ngân hàng làm thủy điện rất lớn. Chậm phát điện một ngày là mất hàng tỷ đồng. Với uy tín và kinh nghiệm đã thi công hàng chục công trình thủy điện trên cả nước, chúng tôi sẽ đưa nhà máy vào hoạt động theo kế hoạch.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *