Cứu hộ đường thủy lúng túng “đòi” tiền công











Nhiều đơn vị cứu hộ đường thủy lúng túng trong việc “đòi” tiền thù lao



KTĐT – Năm 2009 là năm đầu tiên các trường hợp được cứu hộ đường thuỷ không còn được Nhà nước bao cấp, mà phải trả tiền chi phí cho bên cứu hộ. Những tưởng sự cởi mở này sẽ giúp cho cả bên cứu hộ và bên được cứu hộ cảm thấy thoải mái. Thế nhưng trái với dự đoán, hiện các đơn vị làm công tác cứu hộ lại đang cảm thấy rất lúng túng trong việc “đòi” tiền các chủ phương tiện đã được cứu hộ, nhất là thời điểm mùa bão lũ đang đến gần.



Cứu hộ rồi nhưng khó lấy tiền công


Một ngày trung tuần tháng 7/2009, trên sông Hồng đoạn qua cầu Long Biên (thuộc địa phận phường Long Biên, Hà Nội), trời mưa to, nước sông chảy xiết, khiến chiếc tàu chở đầy cát vàng PT-1432 khi đi từ phía thượng lưu xuống cách cầu khoảng 100m thì bất ngờ bị nước đánh dạt vào trụ chống va, làm đổ trụ chống và quay ngang.


Dù thuyền trưởng đã cố gắng lái tàu đi vào sát bờ, nhưng do một mạn tàu bị rách đã khiến nước tràn vào khoang chở, khiến một phần của con tàu bị nhấn chìm… Không còn cách nào khác, những thành viên trên tàu đành phải gọi phương tiện cứu hộ.


Chỉ ít phút sau, đơn vị quản lý tuyến là Công ty cổ phần Quản lý đường thủy số 6 đã huy động hàng chục nhân lực, phương tiện của đơn vị, cùng với huy động phương tiện bên ngoài ra cứu người, cũng như chống chìm tàu, cùng đó mất khá nhiều công sức mới đưa được phương tiện vào bờ an toàn.


Nỗ lực là thế, nhưng đến nay sau hơn một tháng kể từ ngày cứu hộ thành công con tàu cũng như các thành viên trên tàu, đơn vị cứu hộ vẫn chưa nhận được một đồng kinh phí cứu hộ nào từ chủ phương tiện. Đây không chỉ là trường hợp đầu tiên khiến đơn vị làm công tác cứu hộ cảm thấy khó xử.


Thiếu hướng dẫn cụ thể, nhiều đơn vị vừa làm, vừa sợ sai


Ông Cao Văn Định, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường thủy số 6 cho biết, theo Quyết định số 118/2008/QĐ-TTg ngày 27/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ “ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động tìm kiếm cứu hạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai” thì hoạt động cứu hộ đường thủy không còn được Nhà nước bao cấp, mà do tổ chức, cá nhân được cứu hộ thanh toán, dựa trên cơ sở hợp đồng, hoặc thỏa thuận giữa các bên.


Tuy nhiên, như ở trường hợp trên, tai nạn đã khiến chủ phương tiện mất toàn bộ giấy tờ, thiệt hại nặng về tài sản nên không biết bao giờ mới thanh toán các chi phí cứu hộ cho đơn vị.


Mặt khác, nếu người được cứu hộ khi thanh toán không đồng ý thanh toán các chi phí thực tế để phục vụ cứu hộ, thì đơn vị cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, bởi tai nạn xảy ra nhanh khiến người làm công tác cứu hộ tự thấy có trách nhiệm tham gia cứu hộ, mà không kịp lập hợp đồng, thỏa thuận trước.


Chưa kể, quy định mới về quản lý tài chính trong hoạt động này lại không có những hướng dẫn cụ thể, như xác định về đơn giá, hình thức thanh toán, biên lai, biểu mẫu thu chi, chứng từ…


“Đơn vị đã chuyển sang doanh nghiệp cổ phần nên việc thu chi trong hoạt động cứu hộ cần được tính đúng, tính đủ và rõ ràng. Nhưng vì không có hướng dẫn cụ thể nên chúng tôi không dám thu khoản nào khác ngoài tiền dầu máy, vì rất “sợ” thu sai – ông Cao Văn Định băn khoăn.


Tương tự, ông Nguyễn Bá Nhuần, Phó Giám đốc Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 7 (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) cho biết, trên đoạn tuyến do đơn vị quản lý có hai vị trí trên sông Kinh Thầy đoạn qua Hải Dương là cầu Bình và vị trí cong cua Km 25+500 thường xảy ra tai nạn, nên phải chú trọng công tác cứu hộ, cứu nạn.


Nhưng năm nay, đơn vị vẫn không biết nên thu chi, quản lý tài chính trong hoạt động cứu hộ thế nào cho đúng. Vì Đoạn là đơn vị quản lý Nhà nước nên vấn đề này càng cần phải cụ thể, rõ ràng; và hiện đơn vị mới tạm chấp nhận phương án thu chi do bộ phận trực tiếp thực hiện công tác cứu hộ đề xuất. Trong đó, đơn vị cũng nhấn mạnh là bộ phận trực tiếp thực hiện phải tự chịu trách nhiệm về quản lý tài chính từ nguồn này.


Trước vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, ngành Tài chính cần sớm có hướng dẫn cụ thể về quản lý tài chính trong lĩnh vực cứu hộ đường thủy nội địa, tránh tình trạng như hiện nay.



Theo CAND

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *