KTĐT – Do số lượng các hộ dân cần di dời lớn (gần 2.000 hộ), Ban quản lý dự án sẽ áp dụng phương châm “đất sạch đến đâu xây dựng đến đấy”.
Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Bùi Đức Hưng cho biết dự án đầu tư xây dựng Đại học quốc gia tại huyện Thạch Thất, Hà Nội đang “tăng tốc”.
Theo ông Hưng, thời điểm này, công tác trọng tâm là giải phóng mặt bằng và tái định cư. Việc áp dụng Nghị định 69/CP và nhiều cơ chế thông thoáng khác trong giải phóng mặt bằng sẽ là những điều kiện tốt dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng đúng tiến độ.
Do số lượng các hộ dân cần di dời lớn (gần 2.000 hộ), Ban quản lý dự án sẽ áp dụng phương châm “đất sạch đến đâu xây dựng đến đấy”. Trong năm 2009 sẽ phấn đấu xong phần kiểm đếm, đền bù để sang năm 2010 tăng tốc xây dựng nhà tạm cư cho các hộ dân trước khi tái định cư.
Ban quản lý dự án đã cùng Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất làm chủ đầu tư thứ cấp và Bộ Xây dựng quản lý; đồng thời điều chỉnh lại dự án với 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ nay đến 2015 và giai đoạn 2 là những năm tiếp theo.
Dự án Đại học Quốc gia là dự án “khổng lồ” có quy mô 1.000ha được xây dựng tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội với 12 dự án thành phần; với số học sinh – sinh viên dự tính lên đến 40.000 – 50.000, số giáo viên phục vụ khoảng 60.000. Như vậy, quy mô diện tích tương đương với một quận nội thành, quy mô dân số tương đương với đô thị loại 4.
Trong điều kiện như hiện nay, công trình không thể hoàn thành vào năm 2015 như kế hoạch đã duyệt trước đó. Theo dự kiến, thời gian hoàn thành công trình sẽ phải kéo dài thêm từ 7 đến 10 năm so với kế hoạch ban đầu.
Hiện, dự án đang điều chỉnh lại, thay đổi về quy mô do một số trường, khoa của Đại học Quốc gia được thành lập mới nên phải đầu tư thêm; đồng thời bổ sung một số công trình về hạng mục xã hội trong khu đô thị Hòa Lạc mà dự án cũ chưa đề cập tới. Để có thể rút ngắn thời gian thực hiện, Chính phủ đã cho phép dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù như ưu đãi cho các nhà thầu, chỉ định thầu, cơ chế huy động vốn… và chuyển Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư dự án./.
Theo TTXVN/VietNam+