“Nếu mua số lượng lớn thì phải đặt cọc, vì bảng giá có thể thay đổi bất cứ lúc nào trong ngày. Hàng lên rất mạnh, ngay như đêm hôm qua tôi nhập kho đã nhảy sang giá mới rồi, trung bình các loại tăng khoảng 500 nghìn đ/tấn từ đầu tháng đến nay”, bà Trần Thị Thuý, chủ đại lý của Cty CP Thương mại Kim khí An Khánh nói. Dựa vào lý do giá xăng dầu và nguồn phôi thép nhập khẩu tăng, các DN trong nước vừa qua lại tiếp tục “điệp khúc” nâng giá thép. Hiện nay, tại một số đại lý VLXD ở Q.Ba Đình và Q.Cầu Giấy (Hà Nội) thép Việt Úc 16 có giá 214 nghìn đ/cây; sắt cây phi 18 của Vina Kyoei và thép Pomina bán từ 500 – 502 nghìn đ/cây so với mức giá 495 – 497 nghìn đ/cây vào cuối tháng 8/2009. Hầu hết các đại lý sắt thép đều tăng thêm 500 – 700 nghìn đ/tấn. Một nhân viên của đại lý sắt thép Lan Sơn, 177 La Thành cho biết, cứ mỗi lần giá xăng dầu tăng là giá thép cũng lên theo. Sắt V7 từ 11,5 triệu đồng tăng lên 12 triệu đ/tấn. Các loại sắt I, tròn, ống hộp từ 14 triệu đồng lên 14,5 triệu đ/tấn. Nhiều chủ đại lý ở Q.Đống Đa khẳng định, với tình trạng phụ thuộc vào giá dầu thế giới và nguyên liệu nhập khẩu hiện nay, giá thép sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Trong khi đó, giá thép của một số quốc gia như Trung Quốc đã giảm giá 7 – 10% so với đầu quý I và đang tìm cách giảm thuế, giảm giá để xuất khẩu. Sự chênh lệch trên đã làm cho các chủ đầu tư vốn ít chuyển sang dùng thép ngoại có giá rẻ hơn.
Tạo cơ hội cho thép ngoại vào Rút kinh nghiệm từ những lần biến động trước, một số công trình nhỏ lẻ đã kịp tích trữ ngay từ khi biết tin giá xăng dầu sắp lên. Ông Trần Vinh Ngọc, chủ thầu xây dựng tại làng Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình tiết lộ: “Cũng may mà tháng trước nhà tôi đã chuẩn bị sẵn vật liệu dồn vào trong kho. Mấy hôm nay tôi phải thuê thêm thợ để sớm hoàn thiện cho giảm chi phí”. Theo dự đoán của các chủ đại lý VLXD, một lượng lớn sắt thép sẽ được tiêu thụ trong thời gian tới. Bởi hiện tại đang là thời điểm thích hợp để xây nhà, cùng với đó là tâm lý muốn hoàn thành công trình vào trước tết của người dân. Chưa kể nạn đầu cơ tích trữ có thể dễ dàng xảy ra, không chỉ đối với các DN lớn mà có thể diễn ra ngay tại các đại lý phân phối. Bà Nguyễn Thanh Hà, chủ cửa hàng sắt thép tại 58 đường La Thành cho biết, mấy hôm nay lượng khách ra vào không hề giảm. Đối tượng chính vẫn là người dân và chủ đầu tư các công trình nhà ở dân dụng. Thường thì họ mua với số lượng lớn, cho cả công trình luôn. Với việc liên tiếp đẩy giá sản phẩm lên cao của các DN sản xuất thép trong nước hiện nay, có ý kiến cho rằng sẽ tạo cơ hội cho thép ngoại chiếm lĩnh thị trường. Đơn cử như thép cuộn từ ASEAN được hưởng thuế ưu đãi 0%, nhập về Việt Nam ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, nhiều DN Trung Quốc đã tiếp cận với một số đối tác ở nước ta để mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Đây thực sự là vấn đề mà ngành thép và các cơ quan chức năng cần phải xem xét.
|