Trang chủ » Dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài ở TP.HCM: Không thể nói Thủ tướng chưa phê duyệt!

Dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài ở TP.HCM: Không thể nói Thủ tướng chưa phê duyệt!
















Trong văn bản 5002 giải trình về việc thay đổi hướng tuyến trái quy hoạch tại dự án Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài (TSN – BL – VĐN) mới đây, UBND TP.HCM cho rằng vào năm 1997, Thủ tướng “chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư chứ không phê duyệt quy hoạch”!



Hướng tuyến điều chỉnh đi qua tổ dân cư 82, 89 (P.2, Q.Tân Bình) sống ổn định hơn 20 năm nay sẽ làm xáo trộn cuộc sống người dân và tăng chi phí giải tỏa             Ảnh: P.Thanh




Thế nhưng trên thực tế, văn bản 4557 năm 1997 của Thủ tướng về phê duyệt tiền khả thi dự án TSN – BL – VĐN là trên cơ sở có thuyết trình chi tiết phương án thiết kế tỷ lệ 1/2.000 (kèm bản đồ hướng tuyến A-K-C-D) do Công ty tư vấn thiết kế GTVT phía Nam lập. Phương án này trước đó đã được Chủ tịch UBND TP lúc bấy giờ là ông Võ Viết Thanh chọn bằng thông báo 731 (ngày 27.7.1996) trên cơ sở tham khảo qua nhiều kỳ họp các ban ngành TP. Nhiều ý kiến của các lãnh đạo ngay từ thời ấy đã không tán thành việc lấy đất Công viên Gia Định làm đường nên thống nhất chọn phương án tuyến theo hướng đường thẳng rộng 60m để trình Thủ tướng phê duyệt.



Bộ GTVT và Bộ KH-ĐT cũng ra nhiều văn bản đồng ý với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, làm cơ sở cho Thủ tướng phê duyệt. Hơn nữa, nếu cho rằng Thủ tướng chỉ chấp thuận chủ trương chứ không phê duyệt quy hoạch, thì tại sao đến ngày 27.11.2007, UBND TP lại có văn bản 8145 đề nghị Thủ tướng xóa bỏ quy hoạch hướng tuyến của đường TSN – BL – VĐN, đoạn từ nút giao Trường Sơn đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn?



Điều đáng nói là dù đến tận năm 2007 TP mới có văn bản đề nghị xóa quy hoạch tuyến (và đến nay vẫn chưa được chấp thuận), nhưng từ năm 2005, TP đã tự ý bẻ cong hướng tuyến thành 2 nhánh rẽ Hồng Hà và Bạch Đằng (mỗi nhánh rộng 20m).



Văn bản giải trình cho rằng việc điều chỉnh hướng tuyến đã được Bộ Xây dựng thông qua trong văn bản số 2774 (ngày 20.12.2006) về thẩm định thiết kế cơ sở dự án. Tuy nhiên, kết quả thẩm định chỉ xác định điểm đầu, điểm cuối, chiều dài, chiều rộng tuyến, chứ hoàn toàn không thể hiện hướng tuyến của dự án và do đó, cũng không nêu lên quan điểm của Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh hướng tuyến của TP.



Bên cạnh đó, văn bản 2774 cũng dựa trên quyết định 4557 về phê duyệt báo cáo tiền khả thi, cho nên rất khó có chuyện Bộ Xây dựng thẩm định sai lệch đi hướng tuyến đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 1997. Thực tế, Bộ Xây dựng cũng từng có các văn bản 250 (ngày 25.6.2005) và 254 (25.2.2009) liên quan đến dự án này nhưng tất cả đều không có nội dung chấp thuận điều chỉnh hướng tuyến đường TSN – BL – VĐN đoạn qua Q.Tân Bình. Trái lại còn nhắc TP rằng muốn thay đổi thiết kế kỹ thuật so với thiết kế cơ sở đã được phê duyệt, TP phải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.



Trong kết quả thẩm định, Bộ Xây dựng còn đưa ra 4 vấn đề lớn mà TP cần nghiên cứu và hoàn thiện trước khi triển khai các công việc tiếp theo cho phù hợp với quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Trong đó, yêu cầu về điều kiện năng lực hoạt động của nhà thầu thiết kế nêu rõ: Nhà thầu thiết kế cơ sở và lập dự án là Công ty KCI (Hàn Quốc) chưa được cấp giấy phép thầu tại VN, vì vậy phải xin cấp giấy phép thầu theo Quy chế quản lý hoạt động của nhà thầu nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng tại VN và tuân thủ nội dung giấy phép được cấp.



Văn bản giải trình cho rằng ngày 31.12.2007, Văn phòng Chính phủ có thông báo số 278 về kết luận của Thủ tướng cho phép cắt giảm đoạn vành đai số 1 từ sân bay Tân Sơn Nhất qua địa bàn quận Tân Bình và Tân Phú đến đại lộ Nguyễn Văn Linh; hợp nhất vành đai số 1 và vành đai số 2 thành một tuyến; đoạn còn lại của vành đai số 1 chính là tuyến TSN – BL – VĐN, không còn chức năng đường vành đai nữa mà trở thành tuyến trục đô thị của TP. Và điều này đồng nghĩa với việc điều chỉnh dự án (đường đô thị) thuộc thẩm quyền của TP. Tuy nhiên, trên thực tế, thông báo 278 hoàn toàn không có nội dung công nhận đường TSN – BL – VĐN trở thành đường đô thị như UBND TP nêu. Hơn nữa, dù là đường đô thị thì việc điều chỉnh hướng tuyến, theo Luật Giao thông đường bộ, vẫn phải được sự chấp thuận của các bộ liên quan.







Các văn bản “đá” nhau


– Ngày 27.7.1996, UBND TP có thông báo 731 chọn phương án tuyến đường thẳng 60m (được Thủ tướng phê duyệt sau đó trong quyết định 4557), thì đến ngày 10.6.2005, UBND TP lại ra thông báo 357 chọn phương án bẻ thành 2 nhánh đường cong.


– Ngày 27.11.2007, UBND TP có văn bản 8145 xin Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch hướng tuyến đường TSN – BL – VĐN (đoạn nút giao Trường Sơn – ngã năm Nguyễn Thái Sơn), thì ngày 28.9.2009 UBND TP lại trả lời Bộ Xây dựng bằng công văn 5002 cho rằng Thủ tướng chưa duyệt quy hoạch và thẩm quyền điều chỉnh là do TP quyết định.


– Ngày 7.10.2002, ông Trần Quang Phượng – Phó giám đốc Sở GTCC –  khẳng định bằng văn bản 1119 rằng TP.HCM sẽ thực hiện theo hướng đường 60m mà Thủ tướng đã phê duyệt vì có nhiều ưu điểm, thì ngày 30.8.2008 cũng chính ông Phượng – đã là Giám đốc Sở GTVT – lại ra văn bản 5495 lý giải phương án 2 nhánh đường cong có nhiều ưu điểm.


– Từ năm 2005, TP đã điều chỉnh hướng tuyến và lộ giới đoạn qua Q.Tân Bình, nhưng đến ngày 27.11.2007 UBND TP mới có văn bản 8145 xin Thủ tướng cho phép điều chỉnh hướng tuyến và lộ giới đoạn đường này.

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.