Từ Liêm trước áp lực đô thị hóa và bài toán trong quản lý nhà nước


KTĐT – Theo số liệu thống kê mới nhất, huyện Từ Liêm là nơi có dân số đông nhất thành phố (371.247 người) và trở thành địa phương đông dân nhất của Hà Nội. Xã Cổ Nhuế có số dân lên tới 56 nghìn người và trở thành xã đông dân nhất huyện Từ Liêm. Dân số cơ học tăng nhanh cộng với đô thị hóa mạnh đã tác động sâu sắc tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, nhưng cũng đang nảy sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý dân cư ở huyện ven đô này.

Cơ hội

Không thể phủ nhận một điều, việc gia tăng dân số cơ học đang ngày càng tạo diện mạo đô thị rõ nét cho huyện Từ Liêm. Từ một huyện thuần nông, sau khi tách để thành lập các quận mới Cầu Giấy và Thanh Xuân với số dân khoảng 17 vạn người, đến nay sau 12 năm, dân số của huyện đã tăng hơn gấp đôi. Nhiều xã như Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế, Mỹ Đình, Mễ Trì, Phú Diễn… đã thành lập các tổ dân phố cho phù hợp với đặc điểm của các khu dân cư mới. Theo thống kê, hiện có tới hơn 2 vạn hộ là gia đình trẻ (sinh viên ở lại) cư trú lại trên địa bàn huyện. Việc tăng dân số cơ học tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở các khu dân cư và hình thành các tụ điểm thương mại dịch vụ, tạo việc làm tại chỗ cho người dân ở các vùng mất đất nông nghiệp. Đời sống của người dân cũng ngày càng được cải thiện nâng cao hơn. Nói như ông bí thư đảng ủy xã Phú Diễn Vũ Đức Ngọc, tính bình quân mỗi người ngoại cư ở Phú Diễn (1,3 vạn người tạm trú) bỏ ra 500 nghìn/tháng để chi phí cho sinh hoạt thì bình quân mỗi tháng giá trị hàng hóa, dịch vụ cần lưu thông tại địa bàn cũng lên tới 6,5 tỷ đồng và sô tiền này đủ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.



Ông Nguyễn Chí Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, dân số cơ học tăng nhanh có những thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, thuận lợi cho tiến bộ của quá trình đô thị hóa. Và thời gian qua, bộ mặt nông thôn ở Từ Liêm đã có nhiều thay đổi, hệ thống đường làng, ngõ xóm được nâng cấp, đời sống sinh hoạt đô thị dần thay thế thói quen của người nông dân…



Và những thách thức



Tuynhiên, ông Tuân cũng thừa nhận, bên cạnh những tích cực mà tăng dân số cơ học mang lại thì hệ lụy do nó gây ra cũng đang tạo những áp lực không nhỏ cho chính quyền cơ sở, nhất là những vùng ven đô. Sự gia tăng dân số một cách nhanh chóng đã đẩy cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, đường, bệnh viện, trường học..) vào tình trạng quá tải. Đặc biệt sự du nhập lối sống buông thả của một bộ phận lớp trẻ đã làm cho môi trường sống ở những vùng quê vốn yên bình ngày càng bị đảo lộn. Tệ nạn xã hội gia tăng, giá trị đạo đức truyền thống trong nhiều gia đình bị lung lay…



Chỉ riêng ở lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, mặc dù công tác y tế của Từ Liêm đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia ở cả 16 xã, thị trấn; thời gian qua, huyện đã đầu tư khoảng 60 tỷ đồng cho nâng cấp các trạm y tế, bổ sung thay mới trang thiết bị khám chữa bệnh cho người dân nhưng cũng không thể đáp ứng được vì số dân quá đông. Nhất là ở những xã có số dân cơ học lớn như Cổ Nhuế, Minh Khai , Mễ Trì, Phú Diễn, Tây Tựu, Trung Văn…



Ngay cả trong giáo dục, 5 năm qua, huyện đầu tư cho giáo dục công lập tới 300 tỷ đồng và đã có tới gần 30 trường học ở ba cấp THCS, Tiểu học và Mầm non của huyện đạt chuẩn quốc gia. Song vấn đề giáo dục của Từ Liêm vẫn đang chịu sức ép quá tải ở các khu đô thị và những xã đô thị hóa nhanh.Nhiều trường công lập cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu đến trường của trẻ vì quá đông. Ngược lại, những trường dân lập tư thục trên địa bàn tuy cơ sở tốt nhưng chỉ đáp ứng được cho một bộ phận gia đình có thu nhập cao mà không đáp ứng được mặt bằng chung của xã hội.



Băn khoăn của lãnh đạo huyện Từ Liêm hiện nay là với tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dân cư quá đông, nhưng cơ chế quản lý nhà nước lại là mô hình cấp huyện nên rất khó đáp ứng được yêu cầu. Từ thực tế của địa phương, huyện cũng đã đề xuất với thành phố nghiên cứu báo cáo Trung ương để nâng cấp chuyển, tách huyện Từ Liêm thành hai đơn vị hành chính cấp quận. Vừa bảo đảm công tác quản lý nhà nước ở địa phương, đồng thời cũng phù hợp với thực tế của khu vực, tạo điều kiện phát triển vùng đô thị mới phía Tây của Thủ đô.


 



B.Châu

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *