Cơ sở sản xuất phải đăng ký mặt hàng và thương hiệu


KTĐT – Theo báo cáo của Sở Thông tin Truyền thông thì Hà Nội là nơi tập trung nhiều cơ sở in vàng mã nhất khu vực miền bắc. Hoạt động in ở đây diễn ra sôi động, ngày càng phức tạp nên rất cần sự phối hợp và tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Làm gì để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động in vàng mã trên đia bàn thành phố Hà Nội là chủ đề được bàn thảo tại cuộc họp cuối tuần qua do Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội chủ trì.

Vào các ngày từ mùng 10 âm lịch, trên các đường phố Hà Nội xuất hiện nhiều gánh hàng rong bán quần áo, mũ thần linh. Các điểm chuyên bán hàng mã như phố Hàng Mã, chợ Đồng Xuân… lượng khách lúc nào cũng tấp nập. Đặc biệt các ngày rằm tháng 7 – xá tội vong nhân, rằm tháng 8 – Tết trung thu và từ 23 tháng Chạp đến 30 Tết âm lịch… phố Hàng Mã đông nghịt người mua với cả rừng đồ hàng mã được bày bán. Đồ hàng mã mà nhiều người lựa chọn không đơn giản như trước mà bây gió có thể là nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh, máy giặt, ti-vi, điện thoại, tiền vàng, quần áo… Với quan niệm trần sao âm vậy, việc mua đồ hàng mã để đốt hòng bù đắp cho cuộc sống thiếu thốn của những người ở thế giới bên kia… Theo con số thống kê chưa thật đầy đủ, có hơn 40.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội đã tiêu thụ trên 400 tỉ đồng cho việc đốt vàng mã.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Dương – Viện trưởng viện nghiên cứu Tôn giáo còn đưa ra một thực tế đó là không ít người sử dụng thái quá vàng mã để đốt như hình nhân, trinh nữ, … Số vàng mã đốt này giá trị tới cả triệu đồng tiền thật. Trong khi ngày xưa việc đốt vàng mã phần nhiều mang tính tượng trưng và đơn giản.

Theo nghị định 31/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa thông tin, nếu hành vi đốt vàng mã nơi công cộng, sản xuất hàng mã trái phép, tuyên truyền mê tín dị đoan và tiêu thụ hàng mã phạt từ 150 – 500 nghìn đồng. Nhưng theo quan sát, hầu như ít thấy có việc xử phạt và đó là một nguyên nhân làm cho vấn đề đốt vàng mã ngày càng trở nên nghiêm trọng, không thể kiểm soát.

Với thực tế trên cho thấy sự cần thiết của công tác quản lý khâu in vàng mã. Nhưng ông Dương Kỳ Lân, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông cho biết, theo quy định Sở Thông tin Truyền thông chịu trách nhiệm xác nhận việc đăng ký loại vàng mã được in. Tuy nhiên, Bộ Thông tin Truyền Thông chưa có hướng dẫn cụ thể về việc đăng ký và xác nhận việc đăng ký loại vàng mã được in (loại vàng mã nào được phép in, in gia công cho nước ngoài, mẫu đơn đăng ký, mẫu giấy xác nhận đăng ký, thời hạn xác nhận đăng ký…). Khó khăn ở công tác quản lý cộng với khó khăn về mặt tâm linh, truyền thống đó là việc đốt vàng mã đã trở thành niềm tin của nhiều người…đang làm cho nhà quản lý phải đau đầu.

Theo PGS, TS Nguyễn Hồng Dương: Vấn đề đốt vàng mã cho thần linh, cho vong hồn người chết thuộc về niềm tin của con người vào thế giới tâm linh. Việc ngăn cấm là không thể và không nên. Biện pháp chủ yếu là thuyết phục người dân không nên lạm dụng việc đốt vàng mã, tốn tiền của. Ngoài ra, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải có bảng nội quyyêu cầu người đến lễ không được lạm dụng việc đốt mà nên xem vàng mã như một lễ phẩm mang tính tượng trưng để bày tỏ lòng thành với tâm linh và linh hồn người đã khuất. Đặc biệt, chính quyền các cấp phải quản lý chặt việc sản xuất vàng mã. Cơ sở sản xuất phải đăng ký mặt hàng và thương hiệu như bất kỳ một cơ sở sản xuất hàng hóa nào khác…

Để khép lại bài viết, chúng tôi muốn dẫn dụ triệt lý của Đạo Phật đã từng khuyên dạy: Phật  bốn phương, tám  hướng chỉ cần có tâm, ở đâu cũng có Phật.


 



Thành Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *