Kiên quyết sắp xếp, thu hồi lại để khai thác có hiệu quả













KTĐT – Trên địa bàn Hà Nội có 70 bộ, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội và 21 tổng công ty Nhà nước đang quản lý và sử dụng diện tích đất gần 26,3 triệu m2, với diện tích sàn sử dụng khoảng 6,35 triệu m2. Kết quả kiểm tra cho thấy, có rất nhiều đơn vị vi phạm trong quá trình sử dụng đất như cho thuê, cho mượn, để hoang hóa…


 


Sử dụng sai mục đích hàng trăm nghìn m2


 


Qua thống kê rà soát, các cơ sở nhà đất do tập đoàn, tổng công ty Nhà nước quản lý sử dụng (17 đơn vị với 407 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích đất gần 1,7 triệu m2, diện tích nhà là gần 666 nghìn m2). Cũng có tới 135 cơ sở nhà đất sử dụng không đúng quy định, khai thác không hiệu quả, cho thuê, liên doanh liên kết (thuộc Trung ương 17; thuộc thành phố 118) bị đề nghị xử lý thu hồi (tổng diện tích 32.415 m2 đất, 20.929 m2 nhà) để bán đấu giá, sắp xếp lại. Thành phố cũng đã xử lý thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng (trường học, nhà trẻ, cơ sở y tế, văn hóa thể thao, cây xanh, đường giao thông) 108.600 m2 đất của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Dệt 8/3 tại Minh Khai, quận Hai Bà Trưng… TP Hà Nội đã đề nghị xử lý thu hồi 32.415 m2 đất, gần 21 nghìn m2 nhà, 13 cơ sở sử dụng không phù hợp với quy hoạch, đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất hơn 155 nghìn m2, xử lý thu hồi để sử dụng mục đích công cộng gần 110 nghìn m2.


 


Kết quả giám sát tại 5 tổng công ty là Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng, Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội, Tổng công ty cơ khí Xây dựng (COMA), Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Đoàn giám sát thống kê được tổng số có trên 4 triệu m2 đất đang được các đơn vị này quản lý và sử dụng, trong đó gần 2,5 triệu m2 được giao, còn lại là thuê. Kết quả giám sát cho biết, mặc dù báo cáo của 5 tổng công ty kể trên đều khẳng định đang quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ nhà, đất hiện có, nhưng trên thực tế “còn nhiều thửa đất chưa hoàn thành thủ tục, hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật, còn để trống hoặc mới xây dựng công trình tạm.”


 


Không ít cơ quan, đơn vị sử dụng cơ sở nhà đất không đúng mục đích như cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở không đúng quy định, để hoang hóa, không sử dụng bị lấn chiếm còn chưa tập trung làm rõ, báo cáo đầy đủ, chưa thực hiện triệt để việc chấm dứt hợp đồng cho thuê, mượn. Tiêu biểu cho trường hợp này có thể kể đến dự án làm nhà ở sai quy định cho cán bộ công nhân viên trên khu đất diện tích 7.520 m2 ở phường Thượng Thanh (Long Biên), hay khu tập thể Đông Ngạc (Từ Liêm) đều thuộc các công ty con của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội…


 


Do buông lỏng quản lý


 


Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, mặc dù có nhiều sai phạm trong việc sử dụng đất tại các tập đoàn, tổng công ty, song hiện nay việc xử lý vẫn chưa được thực hiện quyết liệt. Bởi việc quản lý sử dụng cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước gắn liền với quyền lợi cục bộ của các cơ quan, đơn vị nên việc tổ chức triển khai sắp xếp lại, đề xuất xử lý các cơ sở nhà, đất đang được sử dụng của các cơ quan, đơn vị còn chậm, có tình trạng đối phó, đòi hỏi cần nhiều thời gian kiểm tra, thẩm định phương án của các cơ quan, đơn vị.


 


Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội – Vũ Hồng Khanh, nguyên nhân khiến cho việc sử dụng đất sai mục đích diễn ra phổ biến là do hiện nay khối lượng nhà đất trên địa bàn rất lớn, do nhiều đầu mối, nhiều cấp quản lý, do lịch sử để lại hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, hồ sơ, giấy tờ pháp lý không đầy đủ, thực trạng quản lý sử dụng nhà đất còn lãng phí, không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn. Thêm vào đó, công tác quản lý ở một số đơn vị bị buông lỏng trong một thời gian dài nên việc rà soát, kiểm tra, đề xuất phương án sắp xếp, xử lý nhà đất phải mất nhiều thời gian, tiến độ thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra.


 


Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội -Vũ Hồng Khanh, thành phố đã ra quyết định cho phép thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 8 cơ sở nhà đất, với tổng số tiền sử dụng đất nộp ngân sách 982,2 tỷ đồng. UBND TP đã chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện và giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban ngành để đẩy nhanh tiến độ, kịp thời phát hiện các vi phạm để xử lý, thu hồi, rà soát phê duyệt phương án tổng thể của một số đơn vị trọng tâm, cần xử lý dứt điểm, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Thành phố, tập trung xử lý các cơ sở nhà đất thực hiện thu hồi, chuyển giao nhà ở, điều chuyển, bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng, di dời do ô nhiễm môi trường.


 



Nguyên Đào

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *