|
KTĐT – Hơn 3 năm qua, kể từ khi khởi công cầu Vĩnh Tuy đến nay, hàng ngàn người dân sống gần khu vực chân cầu, thuộc phường Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng) phải đi lại trên một con đường rất lầy lội, nguy hiểm.
Chính trên con đường khổ ải này, hằng ngày không những xảy ra ùn tắc giao thông, mà những chuyện như va quệt xe, bị ngã, bị té nước bẩn… cũng xảy ra thường xuyên, khiến người dân rất bức xúc.
Con đường khổ ải
Quanh khu vực chân cầu Vĩnh Tuy, có đến 8 tổ dân phố với hơn 500 hộ, phía bên trong còn có Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cùng một số xí nghiệp khác. Tất cả đều phải đi lại trên con đường “độc đạo” là ngõ 122 và 124 phố Vĩnh Tuy nối thông với nhau.
Bạn Nguyễn Thị Nhài (SV năm thứ ba khoa Quản trị doanh nghiệp – ĐH Kinh doanh và Công nghệ) cho biết: “Để vào trong trường, sinh viên phải trải qua đoạn đường khổ ải gần 1km, qua đại công trường. Hầu như ngày nào cũng gặp vài trường hợp giáo viên, sinh viên đi bị trượt ngã trên đoạn đường này. Nhiều bạn đi bộ đã cố men sát bờ đường, nhưng khi gặp xe ôtô chạy qua vẫn bị bắn bùn, nước bẩn vào người”.
Ông Chu Giao Hưởng – Tổ trưởng tổ 124 (Vĩnh Tuy) – cho biết: Trước khi thi công cầu Vĩnh Tuy, khu vực này đường sá tử tế, đi lại thuận tiện. Kể từ khi thành đại công trường, việc thi công lấp hết hệ thống cống rãnh, trời không mưa nhưng đường vẫn bị ngập do nước thải sinh hoạt của người dân, các xí nghiệp chảy tràn ra mặt đường. Khi mưa, con đường bị biến thành sông, ngập suốt cả tuần.
Do lưu lượng người và phương tiện đi lại đông, đặc biệt là không ít các xe tải trọng lớn thường xuyên chạy qua, khiến mặt đường bị tàn phá, xuống cấp nghiêm trọng. Những “ổ trâu”, “ổ voi” xuất hiện nhan nhản. Cùng thời gian đó, lợi dụng công trường đang thi công ban đêm liên tục xuất hiện nhiều xe tải từ khắp nơi về đổ trộm phế thải.
Ông Vũ Xuân Thi (tổ 123 Vĩnh Tuy) nói: “Có dạo, sáng nào người dân cũng thấy từng đống đất lớn đổ dọc khắp đường đi. Sau đó, đơn vị thi công cầu phải dùng xe ủi gạt những đống đất đó lấp vào “ổ voi”, hoặc rải luôn trên đường”.
Con đường vốn là bêtông, nay bị đổ thêm đất thải, phế liệu xây dựng nên trở nên nhấp nhô, lổm nhổm đi lại rất khó khăn. Nắng bụi mù mịt, mưa thì chẳng khác ao bùn.
Sửa xong lại hỏng
Theo lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết: Từ ngày chuyển trường về đây, để đảm bảo hơn cho việc đi lại của hàng ngàn sinh viên, giáo viên, nhà trường đã 3 lần tự bỏ tiền ra thuê người đổ bêtông, sửa chữa lại cống thoát nước cho đoạn đường rẽ vào trường. Nhưng do lưu lượng người đi lại quá lớn, lại thêm hàng trăm lượt xe tải trọng nặng mỗi ngày chạy qua nên chẳng mấy chốc đường lại bị phá.
Để đảm bảo việc đi lại an toàn, thuận lợi hơn, người dân trong khu vực và Ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần gửi kiến nghị lên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng mong được giúp đỡ. Đã có lần lãnh đạo quận xuống xem xét, sau đó chỉ thị cho phường Vĩnh Tuy tổ chức người dân tham gia lao động sửa chữa con đường, mỗi tháng làm một lần. Tuy nhiên, giải pháp trên tỏ ra không hữu hiệu, kiểu sửa chữa thủ công, chắp vá tạm thời không thể giải quyết sự xuống cấp của cả đoạn đường.
Mới đây, cây cầu Vĩnh Tuy đã được thông xe kỹ thuật và bắt đầu khai thác, mặc dù vậy một số hạng mục khác của công trình vẫn trong giai đoạn thi công, trong đó có đoạn dưới chân cầu. Điều khiến người dân bất bình là tiến độ thi công quá chậm.
Ông Chu Giao Hưởng nói: “Hôm cây cầu thông xe, dân chúng tôi ở quanh đây lên tham dự đông lắm, mình được hòa chung niềm vui của nhân dân thủ đô. Nhưng khi nhìn xuống phía chân cầu lại thấy buồn, nơi “xóm gầm cầu” chúng tôi đang sống không biết đến bao giờ mới có được con đường tử tế để dân đi lại?”.
Theo LĐ