Theo chủ trương đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước theo hướng hình thành một số Tập đoàn kinh tế mạnh của Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam, trong đó Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) được chọn làm nòng cốt để xây dựng Tập đoàn.
HUD – Thương hiệu mạnh Với 20 năm kinh nghiệm, Tổng công ty HUD đã không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp đáng kể cho công cuộc đô thị hóa và chương trình phát triển nhà ở tại nhiều địa phương. Tổng công ty đã khởi xướng và không ngừng nhân rộng mô hình phát triển nhà ở theo dự án Khu đô thị mới trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác trên cả nước. Mô hình này đã được các Bộ, ngành và chính quyền địa phương cũng như các tổ chức nghề nghiệp đánh giá là xu hướng chủ đạo phát triển đô thị và nhà ở tại Việt Nam. Đặc biệt, Khu đô thị mới Linh Đàm do Tổng công ty HUD làm chủ đầu tư đã được Bộ Xây dựng công nhận là Khu đô thị kiểu mẫu và được UBND thành phố Hà Nội lựa chọn gắn biển “Công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Đến nay, Tổng công ty đã và đang triển khai 22 dự án khu đô thị mới với tổng diện tích đất khoảng 2.100 ha, trong đó xây dựng khoảng 3 triệu m2 sàn nhà ở các loại. Riêng với Hà Nội, Tổng công ty đã đóng góp hơn 2 triệu m2 sàn nhà ở, trong đó chủ yếu là nhà ở cao tầng, góp phần thiết thực giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở của nhân dân. Theo chiến lược phát triển các dự án đến năm 2015, Tổng công ty sẽ triển khai đầu tư xây dựng 25 dự án với tổng diện tích hơn 8.300 ha tại nhiều thành phố lớn và khu vực kinh tế trọng điểm trên cả nước. Kiên trì thực hiện phương châm kết hợp kinh doanh với phục vụ, lấy phục vụ để phát triển, Tổng công ty luôn hướng tới các đối tượng là cán bộ công nhân viên chức, những người có thu nhập trung bình… Vì vậy, sản phẩm của Tổng công ty đã đáp ứng được nhu cầu nhà ở của đông đảo nhân dân. Bên cạnh đó, dịch vụ quản lý đô thị và khu nhà ở của Tổng công ty cũng được thực hiện một cách đồng bộ, tạo nên môi trường sống xanh – sạch – đẹp nhưng với mức phí dịch vụ phù hợp với mức thu nhập của đa số người dân. Chính nhờ những yếu tố này, sau 20 năm hoạt động, HUD đã trở thành một thương hiệu lớn mạnh và uy tín trong thị trường bất động sản, gắn liền với những dự án khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại.
Tiềm lực để điều tiết thị trường bất động sản Tổng công ty và các công ty thành viên hiện đang hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Bên cạnh lĩnh vực chính là đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty còn tham gia nhiều lĩnh vực khác như sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch giải trí, giáo dục,… Đặc biệt, Tổng công ty luôn tích cực tham gia các chương trình phát triển nhà ở phục vụ an sinh xã hội như nhà ở cho công nhân, sinh viên thuê, nhà trả góp. Hiện nay, Tổng công ty đang chuẩn bị thực hiện các đề án xây dựng nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 (Mê Linh, Hà Nội) với quy mô khoảng 3.400 căn hộ và tại Khu đô thị mới Chánh Mỹ (Bình Dương) với quy mô khoảng 2.000 căn hộ. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng đang xúc tiến tham gia xây dựng nhà ở xã hội tại một số địa phương khác như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Đà Nẵng. Bên cạnh các địa bàn hoạt động chủ yếu là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty cũng đã mở rộng địa bàn ra nhiều tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước như Khu kinh tế mở Nhơn Hội (Quy Nhơn, Bình Định), Khu kinh tế mở Dung Quất (Quảng Ngãi), Khu kinh tế mở Vân phong (Khánh Hòa). Ngoài ra, Tổng công ty cũng đã cùng với một số doanh nghiệp của Bộ Xây dựng thành lập các công ty cổ phần để xúc tiến đầu tư ra một số nước như Lào, Campuchia, Cuba… Thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, Tổng công ty đã chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – công ty con từ năm 2006, sau khi đã hoàn thành công tác cổ phần hóa các đơn vị thành viên. Mối quan hệ giữa Công ty mẹ với các công ty con được chuyển đổi từ quan hệ mệnh lệnh hành chính sang mối quan hệ kinh tế thông qua người đại diện sở hữu vốn tại doanh nghiệp cũng như thông qua các hợp đồng kinh tế. Hiện Tổng công ty đang nắm giữ cổ phần chi phối tại 19 công ty thành viên, tham gia góp vốn vào 06 doanh nghiệp và 2 công ty liên doanh. Bộ máy Công ty mẹ cũng được tái cơ cấu nhằm nâng cao sức mạnh quản trị và điều hành.
Quy mô vốn chủ sở hữu của Tổng công ty (Công ty mẹ) đến tháng 12/2008 là hơn 3.200 tỷ đồng (tăng 32 lần so với thời điểm năm2000). Dự kiến khi được thành lập, Tập đoàn phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam sẽ có vốn chủ sở hữu khoảng 6.600 tỷ đồng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ về tài chính thông qua quá trình tích tụ vốn trong hơn 8 năm qua cho thấy tiềm lực phát triển của Tổng công ty cũng như khả năng tham gia điều tiết thị trường bất động sản. Với những thế mạnh về năng lực tổ chức, tiềm lực tài chính cùng với thương hiệu mạnh, Tổng công ty HUD đã phát huy tốt vai trò của Tổng công ty nhà nước với những đóng góp quan trọng cho công cuộc đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội và nhiều địa phương khác trên cả nước thông qua việc khởi xướng và nhân rộng mô hình khu đô thị mới. Đồng thời, Tổng công ty cũng đã cung cấp hàng triệu m2 sàn nhà ở với mức giá phù hợp, góp phần đáp ứng nhu cầu bức xúc của người dân và thông qua đó, từng bước tham gia điều tiết thị trường bất động sản. Hợp sức cùng với các doanh nghiệp khác cùng tham gia Tập đoàn, Tổng công ty HUD sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh và thương hiệu để Tập đoàn phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam sau khi được thành lập sẽ đảm nhận tốt vai trò của một tập đoàn kinh tế thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao phó trong việc định hướng phát triển nhà và đô thị, tham gia bình ổn, điều tiết thị trường bất động sản cũng như tham gia các chương trình kinh tế và an sinh xã hội của đất nước. |
Phát huy thương hiệu HUD tham gia điều tiết thị trường bất động sản
1