Hàng nghìn tấn thép xây dựng đội lốt thép “hợp kim” để lách thuế

trong bối cảnh suy giảm kinh tế, thị trường vật liệu xây dựng trầm lắng, thép xây dựng tồn đọng nhiều thì từ đầu năm đến nay thép ngoại giá rẻ lại tràn vào Việt Nam ngày một nhiều đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nghiêm trọng hơn, doanh nghiệp nhập khẩu thép xây dựng thông thường nhưng lại khai báo với hải quan là thép hợp kim để gian lận thương mại, hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% thay cho 12%, làm thiệt hại cho nhà nước nhiều tỷ đồng.

Biến thép xây dựng thành thép hợp kim

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, từ đầu năm đến nay, thép nhập khẩu từ ASEAN về nhiều, chủ yếu là thép cuộn. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, lượng thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam tăng vọt tới trên 47.000 tấn. Riêng tháng 2, lượng thép này nhập về gấp 10 lần so với tháng 1 khiến cho việc tiêu thụ thép trong nước sản xuất đã khó nay lại càng khó hơn. Cả quý I/2009, lượng thép tiêu thụ của các doanh nghiệp Hiệp hội chỉ đạt 698.000 tấn, giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

trước việc tiêu thụ giảm sút mạnh này, một số doanh nghiệp thành viên VSA đã tìm hiểu và cho biết, lượng thép cuộn nhập khẩu từ trung Quốc vào Việt Nam trong tháng 1 và 2 là do Công ty Thép Thành Long (Hưng Yên) nhập về khai với Hải quan là thép cuộn hợp kim để được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%, nên bán ra thị trường với giá rất rẻ so với thép cuộn sản xuất trong nước từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng/tấn, làm cho lượng tiêu thụ thép cuộn trong nước giảm sút rõ rệt. Một số công ty đã lấy mẫu lô hàng SAE 10B17, SAE 1008B, SAE 10B06 của Công ty Thành Long đưa đến trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam để kiểm tra.

Qua phân tích, đây không phải là thép hợp kim mà chỉ là thép các bon xây dựng thông thường, chỉ khác là có thêm chút ít (0,005%) hàm lượng chất Bo (để làm cứng thép). Bởi, nếu là thép cuộn các bon thông thường sẽ phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu 12% nhưng do có thêm chất Bo, thép các bon “nghiễm nhiên” biến thành thép hợp kim, được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 0%. Chỉ với một mẹo nhỏ nhưng Công ty này đã “qua mặt” được các cơ quan chức năng gần 29.000 tấn thép “hợp kim” và tránh được số tiền nộp thuế lên đến 17 tỷ đồng.

Bức xúc về vấn đề này, trong thư gửi VSA, ông Hong Wan pyo Tổng Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Thép DONGBANG tại Khu Công nghiệp Đại An tỉnh Hải Dương cũng nêu rõ, hầu hết nguyên liệu nhập khẩu từ trung Quốc có chất lượng không tốt, nguyên tố bo thêm vào là nhằm để được miễn thuế nhập khẩu (thép có thêm nguyên tố bo được phân loại là thép hợp kim, do vậy thuế nhập khẩu là 0%). Như vậy, nếu không áp đặt thuế nhập khẩu đối với thép hợp kim, đặc biệt là nguyên tố bo thêm vào, chúng ta sẽ không bao giờ giảm được sản phẩm chất lượng thấp nhập khẩu từ trung Quốc…

Cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời

Ông Nghi cũng cho biết, tại cuộc họp Hiệp hội Thép Đông Nam á ở Thượng Hải (trung Quốc) ngày 18/3/2009, một số nước ASEAN cũng đã phản ánh hiện tượng thép cuộn nhập khẩu có thêm chất Bo để biến thành thép hợp kim nhằm trốn thuế cũng đã xảy ra với nước họ. trong cuộc đối thoại giữa Hiệp hội Thép ASEAN với Hiệp hội Thép trung Quốc, VSA đưa ra vấn đề này, phía trung Quốc đã đề nghị Việt Nam gửi danh sách những công ty đã xuất khẩu các loại thép này để họ can thiệp.

Để giải quyết tình trạng này, ngày 24/3, VSA đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ thông tin về cuộc họp của Hiệp hội Thép Đông Nam á tại trung Quốc; đồng thời phản ánh và kiến nghị giải pháp chống hiện tượng hàng nghìn tấn thép cuộn “hóa phép” thành thép hợp kim để được hưởng mức thuế 0% tràn vào Việt Nam. VSA đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan kịp thời có chính sách đối phó với khủng hoảng ngành thép như một số nước đã áp dụng.

Bên cạnh đó, VSA cũng kiến nghị Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý Thị trường và Cục kiểm tra sau thông quan Tổng cục Hải quan kiểm tra, xác minh lại những lô hàng thép cuộn nói trên để có biện pháp ngăn chặn kịp thời những hiện tượng gian lận thương mại gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, nhất là trong giai đoạn kinh tế suy thoái, các nước dư thừa thép tìm mọi cách xuất khẩu vào thị trường Việt Nam chèn ép sản xuất trong nước. Mặt khác, có biện pháp ngăn chặn kịp thời tránh thất thu thuế của Nhà nước, bảo đảm công bằng cho các công ty sản xuất thép trong nước.

Ông Nghi cũng cho biết thêm, do nhu cầu thép trong nước suy yếu, Chính phủ Inđônêxia đã đề ra những quy định mới nhằm bảo vệ công nghiệp thép: Tất cả thép nhập khẩu sẽ phải thẩm tra bởi những giám sát viên độc lập tại các cảng chất hàng trước khi chuyển về nước mình. Tổng thống Indonesia cũng yêu cầu, tất cả các dự án Chính phủ phải sử dụng hàng hóa trong nước để tăng trưởng kinh tế nước nhà, đặc biệt là đối với sản phẩm thép, đồng thời thắt chặt kiểm soát nguyên vật liệu nhập khẩu tuân thủ theo Tiêu chuẩn quốc gia của Inđônêxia.

Các quốc gia khác như Malaixia, Thái Lan cũng đều ban hành Tiêu chuẩn quốc gia mới chặt chẽ hơn để cản bớt việc nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ của các nước dư thừa vào. Theo ông Nghi, đây là một trong những kinh nghiệm mà chúng ta có thể học được từ các quốc gia trên để áp dụng cho sản xuất và kinh doanh, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và gian lận thương mại trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay cũng như về lâu dài nhằm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất xuất trong nước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *