Nước mắt & nụ cười

Đã 9 giờ sáng mà mưa vẫn rơi tầm tã, những cây trứng cá quanh khu nhà làm việc của Cty Cp Sông Đà 2 tại Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ uốn éo, đổ rạp theo từng đợt gió. Nước lũ cuồn cuộn đổ về làm nước sông lên nhanh mấp mé cả cây cầu đi vào nhà máy. Ngồi trong nhà, ông Nguyễn Thái Dậu, Chủ tịch Công đoàn kiêm trưởng phòng Vật tư cơ giới của Cty nói với tôi: “Ta phải đi thôi không muộn mất, mưa lớn ở đây thường kéo dài vài ngày. trung bình một tháng ở đây có tới 12 ngày mưa”.


Lắp đặt tổ máy 1 Thủy điện Bản Vẽ.           Ảnh: Hồng Diên

Chiếc xe 3 cầu lắc lư, bì bõm vượt đoạn đường gần 5km đưa chúng tôi vào khu khai thác đá. trước mắt tôi là quả núi ác nghiệt đã đổ sụp với hàng ngàn tấn đất đá, nơi đã chôn vùi 18 kỹ sư và công nhân của Sông Đà 2 và Sông Đà 5 khi đang khai thác đá ở mỏ đá D2 cách đây gần 2 năm. Bên cạnh đó, một chiếc miếu thờ những người đã khuất được dựng lên với những cây hoa đại và hoa hồng.

Gió mưa tạt mạnh, phải mất 4 que diêm, tôi mới châm được mấy nén hương. Bên tấm bia khắc tên những người đã khuất, tôi thầm biết ơn và cảm phục những người mà cả cuộc đời đã gắn bó với núi rừng, hy sinh vì dòng điện của Tổ quốc. Tôi còn nhớ cách đây hơn 10 năm, khi Nhà máy thuỷ điện Yaly đang vào giai đoạn thi công nước rút giữa mùa mưa lũ, một tảng đá nặng hơn 1 tấn đã lăn từ đỉnh núi xuống trúng  một chiếc xe ca chở công nhân Sông Đà đi làm. Toàn bộ mui xe ca bẹp dúm và 3 công nhân đã chết  ngay trên xe. phải đến chiều hôm sau, người ta mới đưa được xác 3 công nhân ra khỏi xe vì đường vào nhà máy bị sạt lở, lũ cuốn không thể đi được. trong cuộc đời làm báo hơn 30 năm của mình, đi khắp các dự án thuỷ điện, chứng kiến nhiều tai nạn lao động, song cái chết do đá rơi của 3 công nhân đi làm thuỷ điện ngày ấy đã để lại trong tôi một sự thương cảm và không bao giờ quên. Vì vậy, lần nào lên Sông Đà hay vào thuỷ điện Yaly, tôi cũng đến nghĩa trang thắp hương cho những người thợ đã vĩnh viễn nằm lại đây, giữa bạt ngàn núi đá mà lòng đau thắt lại. Và chỉ cách đây mấy ngày, 9 người thợ Sông Đà đang làm thủy điện ở Lào cũng bị lũ cuốn trôi. Kỹ sư Vũ Đức Chung, Giám đốc Dự án thủy điện Xêkamản 1 nghẹn ngào nói  với tôi qua điện thoại rằng, mới tìm thấy thi thể 1 công nhân, 8 người còn lại phía bạn Lào đang huy động các phương tiện tìm kiếm, trong đó có cả máy bay trực thăng. Thế mới biết, làm thủy điện không chỉ khó khăn, gian khổ mà còn đầy rủi ro, thách thức, tại họa.



Dốc sức cho dòng điện ngày mai

Sau những ngày tang thương ấy, Bản Vẽ lặng đi vì đau buồn và có phần lo lắng. Công trình dừng thi công gần một năm do không có đá và việc khảo sát thăm dò mỏ đá mới chưa xong. Vượt lên nỗi đau, những người làm thủy điện Sông Đà 2 với truyền thống và kinh nghiệm gần 30 năm đã không lùi bước. Không thể nào khác được bởi trước mắt họ là một núi công việc phải hoàn thành. Đập bê tông đầm lăn ngày càng cao hơn. Tại mỏ đá D3, những chiếc cần cẩu tay với dài, những chiếc xe ben chở đầy đất đá vẫn hối hả làm việc. Vừa trèo từ đỉnh mỏ đá xuống, với đôi ủng to và chiếc áo mưa, ông Lê Văn Đoàn, trưởng ban An toàn Cty và ông Nguyễn Văn Chuyền, Đội trưởng Đội cơ giới kiêm Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Sông Đà 208 cho biết: “Rút kinh nghiệm vụ tai nạn trước đây, sau mỗi trận mưa, chúng tôi đều phải trèo lên đỉnh núi để kiểm tra xem có vết nứt hoặc sự cố gì không. Vì vậy, anh em công nhân làm việc rất yên tâm”. Minh chứng cho câu nói của ông Đoàn, công nhân lái xe cẩu bậc 5/7 phí Văn Quý chỉ lên lưng chừng núi mờ sương, nơi đồng nghiệp của anh đang làm việc bả So với mỏ D2, mỏ D3 cao hơn, đất phủ nhiều, ít đá nên khai thác khó hơn. Tuy nhiên, điều khiến họ yên tâm là công tác bảo hộ lao động làm rất triệt để và thu nhập tương đối khá. Ngoài ăn uống, chăm lo cho bản thân, mỗi tháng Quý vẫn đều đặn gửi cho vợ con ở Thái Bình hơn 2 triệu đồng. 

Cùng với dự án thủy điện pleikrông, Sơn La, thủy điện Bản Vẽ là 3 dự án thủy điện đầu tiên ở nước ta được thi công theo phương pháp bê tông đầm lăn. Vì thế, Sông Đà 2 đã đầu tư dây chuyền nghiền sàng đá trị giá hơn 80 tỷ đồng của Thụy Điển, công suất 1.000 tấn/giờ và được coi là hiện đại nhất, lớn nhất Đông Nam Á. Theo kỹ sư Hồ Văn Dũng, TGĐ Sông Đà 2, đơn vị  thầu chính tại đây thì mặc dù điều kiện thi công rất khó khăn, mặt bằng chật hẹp, khí hậu khắc nghiệt, nắng nóng, mưa lũ nhiều, tai nạn sập núi, song đến nay dự án đã đi được hơn hai phần ba chặng đường. Nhiều phong trào thi đua, nhiều phần thưởng đã được trao tận tay những người lao động giỏi, những người có thành tích. Ngày nào trên công trường cũng diễn ra ba, bốn cuộc giao ban lớn nhỏ nhằm tìm ra các biện pháp thi công tối ưu và khắc phục các sự cố. Hơn 910 nghìn m3 bê tông đầm lăn trong tổng số 1,5 triệu m3 đã hoàn thành. Mục tiêu thi đua là đến cuối tháng 11 năm nay đập phải đạt cao trình 149m và tiến hành đóng cống dẫn dòng tích nước hồ chứa để khởi động tổ máy 1 vào tháng 2/2010. Có thể nói, từ cán bộ đến công nhân Sông Đà 2 đang chạy đua với thời gian để đưa thủy điện Bản Vẽ về đúng hẹn.

Chưa bao giờ công việc của kỹ sư và công nhân Sông Đà 2 lại bận rộn và hối hả như thế. Ngoài truyền thống và kinh nghiệm làm thủy điện, với chiến lược phát triển bền vững, Sông Đà 2 đã vươn lên trở thành nhà đầu tư nhiều dự án thủy điện, BĐS, khu đô thị. Tiêu biểu trong số này phải kể đến Dự án thuỷ điện Hà Giang, công suất 40,5%; Dự án thuỷ điện Thành Sơn (Thanh Hoá), công suất 40 MW, Khu đô thị phú Lương (Hà Đông) với tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, khu biệt thự Vườn Cam (Hoài Đức)… Hiện cổ phiếu của Sông Đà 2 đã niêm yết trên sàn chứng khoán và vào loại cao của “họ Sông Đà”. Người lao động đã có của ăn của để.

Buổi tối, Bản Vẽ lại mất điện vì đường dây bị đứt. Rừng núi âm u với tiếng mưa rơi, tiếng tắc kè, nhưng trong khu nhà của những người Sông Đà vẫn sáng bởi những cây nến hồng cùng tiếng hát, tiếng cười và những câu chuyện vui, chuyện tiếu. Ông Lê Văn Giang, Chủ tịch HĐQT Sông Đà 2 bảo rằng: “trong gian khó, mất mát, người ta thương yêu nhau hơn, 18 anh em công nhân nằm lại nơi đây là chỗ dựa tinh thần cho chúng tôi”. Dưới ánh lửa lung linh, ngắm nhìn những khuôn mặt đầy nghị lực và đáng yêu ấy, bất giác tôi nhớ đến giai điệu hùng tráng, thiết tha của ca khúc “Hành khúc Sông Đà” của kỹ sư Bùi Xuân Việt và bài thơ “Người thợ đường hầm” mà ông Vũ Tiến Lăng, phó chủ tịch Công đoàn TCty Sông Đà đã đọc không biết bao lần bằng cả gan ruột của mình: “Chúng mình đi không có nếu và nhưng…/ Giám đốc, công nhân đều già trước tuổi/ Nhưng chúng mình sống mãi tuổi 20”.

Đúng là họ đang sống tuổi 20. Chưa bao giờ tôi thấy thương và cảm phục những người đi làm thủy điện như thế.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *