Mặc dù được xây dựng và đi vào sản xuất từ năm 1971 nhưng đến ngày 22-12-2008, cảnh sát môi trường và thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Tuyên Quang mới phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với hành vi xả nước thải trực tiếp không qua xử lý của Công ty cổ phần giấy Tuyên Quang, thuộc phường Nông Tiến, thị xã Tuyên Quang.
UBND tỉnh Tuyên Quang vừa ra quyết định số 199/2009/QĐ-XpHC xử phạt hành chính hành vi xả nước thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Công ty cổ phần giấy Tuyên Quang với mức phạt tiền 31 triệu đồng. Kèm theo đó là yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục: cấm xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường xung quanh; có kế hoạch di dời cơ sở sản xuất đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với mức chịu tải của môi trường.
trước đó, vào hồi 10 giờ ngày 22-12-2008, cảnh sát môi trường và thanh tra Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với hành vi xả nước thải trực tiếp không qua xử lý của Công ty cổ phần giấy Tuyên Quang. Cụ thể, tại bộ phận dây chuyền seo giấy trong thiết kế hệ thống nước thải ở đây được chảy qua đường ống công nghệ ra hai bể lắng lọc để tận thu bột giấy và xử lý trước khi xả ra hồ sinh học. Nhưng đoàn kiểm tra đã phát hiện nhà máy có một hệ thống cống khác để thải thẳng ra môi trường mà không có biện pháp xử lý gì, đường cống này được che đậy bằng một tấm tôn mỏng.
Tại hồ sinh học của nhà máy, nơi chứa toàn bộ nước thải độc hại để xử lý cũng được đào rãnh, kè đá rồi lấp đất ngụy trang bên trên, nước thải không qua xử lý được chảy qua các khẽ đá này ra sông Lô. Theo kết quả kiểm nghiệm của trung tâm kiểm tra đo lường chất lượng 1 (Tổng cục đo lường tiêu chuẩn chất lượng) ngày 6-1-2009 thì nồng độ chất thải vượt nhiều lần mức độ cho phép như BOD5 và COD đều là 920/50, chỉ tiêu về màu sắc là 3720/50, nước thải có mùi thối, khó chịu.
Công ty này được xây dựng năm 1971 và đi vào sản xuất ngay sau đó. Đến năm 1996, nhà máy được cải tạo để sản xuất giấy đế vàng mã xuất khẩu, công suất từ 2000-3000 tấn/năm. Với công suất đó mỗi ngày lượng nước thải khoảng 300 m3, qua hao hụt do quá trình bay hơi, thẩm thấu thì lượng nước được xả thẳng ra môi trường cũng không dưới 150 m3/ngày. Như vậy một lượng lớn nước thải chứa chất độc hại đã nhiều năm được “đẩy” ra môi trường.
Ông Lê Ngọc Tuyến, Giám đốc Công ty thừa nhận về những sai phạm đã bị phát hiện. Tuy nhiên ông Tuyến cho rằng đây là việc do lịch sử để lại, khi lên nhận chức giám đốc vì quá mải lo phát triển sản xuất nên cũng không chú ý đến vấn đề xử lý nước thải. Hằng năm (theo ông Tuyến) đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường gửi đến cơ quan chức năng. Điều đáng nói ở đây là vào ngày 5-8-2008, trong quá trình kiểm tra cảnh sát môi trường đã nhắc nhở và yêu cầu công ty có biện pháp khắc phục đối với việc xử lý nước thải của đơn vị nhưng chưa được khắc phục.
Tình trạng xả nước thải không qua xử lý ra môi trường ở công ty cổ phần giấy Tuyên Quang chậm bị phát hiện nguyên nhân chính bắt nguồn từ chính sự nhận thức về việc bảo vệ môi trường và việc chạy theo lợi nhuận của đội ngũ cán bộ lãnh đạo nhà máy. Bên cạnh đó là việc thiếu kiểm tra và xử lý chưa kiên quyết để ngăn chặn sớm vi phạm của cơ quan chức năng. Đây là biện pháp cần được sớm khắc phục để phục vụ cho việc phát triển công nghiệp của tỉnh.
Hiện nay, công ty cổ phần giấy Tuyên Quang đang tập trung khắc phục như: nạo vét hồ sinh học để chứa nước thải, xử lý nước thải bằng hóa chất trước khi thải ra môi trường…Tuy nhiên để khắc phục triệt để thì cùng với việc cải tạo, nâng cấp dây chuyền sản xuất và xây dựng hệ thống nước thải đồng bộ, đạt tiêu chuẩn (trong quá trình trước mắt) của công ty thì cũng cần sớm phải tính đến việc di chuyển nhà máy này ra khỏi khu dân cư như hiện nay. |