Ngày 4/11, tại hội trường Quốc hội đã nghe Chánh án TANDTC trương Hoà Bình báo cáo công tác của TANDTC, nghe Viện trưởng VKSNDTC trần Quốc Vượng báo cáo công tác của Viện KSNDTC, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo công tác thi hành án, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh báo cáo công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Quốc hội đã nghe Uỷ viên UBTVQH, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo trên. trước đó vào ngày 3/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế tài nguyên. Theo phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nghiêm Vũ Khải (đoàn Điện Biên) thì hiện nay việc khai thác tài nguyên khoáng sản (TNKS) quá dễ dãi, đến mức “người ta khai thác kiểu gì cũng có lãi, xin mỏ rồi bán trao tay, kiếm vài tỉ là đơn giản”. Vì thế nên ai cũng muốn và có thể khai thác TNKS một cách vô tội vạ, khiến TNKS cạn kiệt, Nhà nước thì bị thất thu, môi trường bị hủy hoại. Do đó các ĐBQH cho rằng Luật Thuế tài nguyên phải giải quyết được những bất cập này, hạn chế được việc khai thác bừa bãi và thu thuế được nguồn ngân sách Nhà nước. ĐB Khải cho rằng: “Với 12 điều, dự luật chưa đáp ứng được yêu cầu”. ĐB trần Hồng Việt (đoàn Hậu Giang) bày tỏ: Nội dung của dự luật chưa tiến bộ so với pháp lệnh Thuế tài nguyên, thậm chí còn thụt lùi”. Các ĐB cho rằng, với mức thuế suất thấp như dự luật đưa ra thì chưa thể hạn chế được việc khai thác tràn lan TNKS, nhất là TNKS không tái tạo được. phó trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam Ngô Văn Minh cho biết, các nước người ta không khai thác TNKS của mình mà để dành, họ đi khai thác ở nước khác, còn mình thì cứ nói là giàu TNKS rồi khai thác, xuất khẩu. ĐB Minh đề nghị, đối với TNKS khai thác rồi bán thô thì phải thu thuế thật cao còn nếu TNKS đã được chế biến tinh rồi bán thì hạ thuế. ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đồng tình: “TNKS không tái tạo được thì phải thu cao, đặc biệt cao. Thuế cao làm nản lòng các nhà xuất khẩu thì tốt”. ĐB Xuân lo lắng trước tình trạng xuất khẩu than tràn lan trong khi đó đến năm 2013, khai thác than đã không phục vụ đủ cho nhu cầu trong nước. “Xuất khẩu thì chỉ thu được 80 USD còn khi nhập khẩu thì phải mua với giá 100 USD, chúng ta đang ăn non”, ĐB Xuân nói. Dự luật quy định căn cứ để tính thuế gồm sản lượng khai thác, giá bán và mức thuế suất. Theo ĐB Nghiêm Vũ Khải: “Các yếu tố này được quy định trong luật còn chung chung, dẫn tới áp dụng tùy tiện, có nhiều sơ hở gây trốn thuế”. Về thuế suất theo ĐB Khải thì khung thuế suất quá rộng, khí thiên nhiên và khí than là từ 1 – 30, có nghĩa là gấp 30 lần các loại thuế khác 5 lần, 7 lần, khung này không quy định cụ thể. Nhiều ĐB không tán đồng với việc dự luật đưa ra biên độ thuế suất quá rộng. “Biên độ thuế suất quá rộng sẽ dẫn tới tùy tiện trong vận dụng”, ĐB Nguyễn Minh Thuyết nói. ĐB triệu Sỹ Lầu (đoàn Cao Bằng) yêu cầu dự luật phải làm rõ sản lượng khai thác thực tế để tính thuế. ĐB Lầu cho biết, trên thực tế để xác định được khối lượng khai thác là rất khó, người khai thác thường khai gian dối, trong khi đó chúng ta không có quy định nào ràng buộc các cơ quan kiểm tra, kiểm soát nên không nắm được sản lượng, cơ quan thuế thì thu thuế dựa vào sản lượng khai thác. Điều 5 theo dự án luật cần bổ sung thêm về trách nhiệm của các cơ quan quản lý hoặc giao Chính phủ quy định rõ trách nhiệm cụ thể để theo nó tạo ra cơ chế quản lý chặt chẽ có chế tài đủ mạnh góp phần hạn chế tình trạng như hiện nay không quản lý được tài nguyên mà thất thoát ngân sách rất lớn. Sau khi phân tích về việc khai thác còn nhiều sơ hở, bất cập, chưa bảo đảm hiệu quả… Đa số ĐBQH đề nghị Quốc hội ban hành khung thuế suất và giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể cho từng thời điểm. |
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII: Làm rõ căn cứ để tính thuế tài nguyên
4