“Cần đào tạo tốt nguồn nhân lực để xây dựng, phát triển và quản lý đô thị. Đây là vấn đề quan trọng và là yếu tố có tính chất quyết định sự phát triển của đô thị Việt Nam trong tương lai” – đó là chỉ đạo của phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trong Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2009 vừa diễn ra. Chất và lượng đều tăng Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục phát triển Đô thị, TS-KTS Lưu Đức Hải đã tổng kết đánh giá tình hình phát triển đô thị sau 10 năm thực hiện Quyết định số 10/1998/ QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo tổng kết đánh giá của Bộ Xây dựng, sau 10 năm, hệ thống các đô thị Việt Nam cơ bản đã có nhiều thay đổi, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Hệ thống đô thị trên toàn quốc tăng thêm 125 đô thị, tức tăng trung bình 1đô thị/ 1tháng, trong đó đô thị đặc biệt tăng thêm 2, đô thị loại I tăng thêm 5, đô thị loại V tăng thêm 99. Nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, phát triển mở rộng cả về quy mô đất đai, dân số, đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chất lượng cuộc sống người dân dần được cải thiện, nâng cao. Tốc độ đô thị hoá nhanh và mạnh, lan toả trên diện rộng và phân bố đồng đều hơn. Đô thị đã có đóng góp quan trọng, chiếm tới 70 % GDp của cả nước, là động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước Biểu dương những cố găng, nỗ lực của lãnh đạo chính quyền các cấp và của ngành Xây dựng, phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “10 năm qua, công tác xây dựng phát triển đô thị đi một bước khá quan trọng, ngoạn mục. Đô thị thực sự là động lực phát triển, góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình CNH, HĐH đất nước”. Đô thị Việt Nam trước thách thức toàn cầu Như vậy, đô thị VN phát triển nhanh và mạnh cả về số lượng và chất lượng nhưng điều đó cũng đồng nghĩa sẽ không tránh khỏi những bất cập, tồn tại. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã thẳng thắn chỉ ra: “Chúng ta còn có nhiều việc cần làm như việc mất cân đối trong khả năng đáp ứng phát triển hạ tầng đô thị; Nguồn lực phát triển đô thị vẫn là bài toán khó; Vấn đề di dân tự do, ngập úng, tắc nghẽn giao thông còn tồn tại…”. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, chính tốc độ phát triển nhanh của đô thị đã vượt quá khả năng quản lý, điều hành của chính quyền địa phương. Năng lực quản lý phát triển đô thị đã không theo kịp yêu cầu của thực tế. Không chỉ có vậy, đô thị Việt Nam còn đang đứng trước những vấn đề nảy sinh mang tính toàn cầu, cần nhanh chóng giải quyết như: hội nhập, cạnh tranh đô thị, những vấn đề xã hội cần giải quyết như: sự phân hoá giàu nghèo, nhà ở, liên kết đô thị – nông thôn, vấn đề môi trường và tiết kiệm tài nguyên… Nguồn nhân lực: yếu tố quyết định Để giải quyết những bất cập, tồn tại nêu trên, cần sự nỗ lực, chung tay cố gắng của nhiều cấp, ngành và toàn thể nhân dân. phát triển bền vững là mục tiêu mà đô thị Việt Nam đã và đang hướng tới. Cảnh báo sự phát triển nóng, phó Thủ tướng lưu ý: “Chúng ta phải tìm cách phát triển đô thị hợp lý, nâng cao chất lượng và cuộc sống của người dân, tránh làm đô thị để tập trung dân cư. Không được đem đô thị “lấn át” nông thôn, mà phát triển đô thị phải gắn kết hài hà với xây dựng nông thôn mới”. “ Quy hoạch phải có tầm nhìn xa trông rộng và đi trước một bước. Việc triển khai thực hiện quy hoạch cần có sự giám sát và quản lý chặt chẽ, bài bản. Đặc biệt, cần đào tạo tốt nguồn nhân lực để xây dựng, phát triển và quản lý đô thị. Đây là vấn đề quan trọng và là yếu tố có tính chất quyết định sự phát triển của đô thị Việt Nam trong tương lai” – phó thủ tướng chỉ đạo. |
Quản lý và phát triển đô thị: cần đột phá ở khâu đào tạo nhân lực
6