Sáng 23/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thông qua 5 Dự án luật, gồm: Luật Người cao tuổi; Luật Khám, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Dân quân tự vệ.
Công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi Luật Người cao tuổi gồm 6 chương, 31 điều, quy định quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi và Hội người cao tuổi Việt Nam. Theo dự thảo luật được thông qua, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật về người cao tuổi là công dân Việt Nam. Người cao tuổi là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam gặp khó khăn thực sự trong cuộc sống thì tùy trường hợp cụ thể sẽ được chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, cá nhân giúp đỡ theo truyền thống kính trọng, giúp đỡ người cao tuổi. Độ tuổi xác định người cao tuổi là 60 tuổi. Dự thảo Luật cũng nhấn mạnh quyền của người cao tuổi được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ. Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, dự thảo Luật cũng quy định trách nhiệm phụng dưỡng của gia đình, đồng thời quy định trách nhiệm của Nhà nước, xã hội trong chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là quy định về bảo trợ xã hội đối với những người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn trong cuộc sống. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010. Cán bộ, công chức, viên chức y tế được phép thành lập phòng khám tư Luật Khám, Chữa bệnh gồm 9 chương, 91 điều, quy định về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện đối với người hành nghề khám bệnh và cơ sở khám chữa bệnh; các quy định chuyên môn kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật và giải quyết khiếu nại tố cáo của người bệnh; các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh. Đối với Luật Khám bệnh, Chữa bệnh, về quy định cấm cán bộ công chức, viên chức tham gia thành lập, điều hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Việc quy định chỉ cấm cán bộ công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư hoặc các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã là phù hợp với quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Luật cán bộ, công chức. Quy định như vậy, cán bộ, công chức, viên chức y tế được phép thành lập phòng khám tư và được phép làm việc ngoài giờ tại các cơ sở KCB tư theo hợp đồng, tạo điều kiện để tiếp tục sử dụng trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, đáp ứng nhu cầu KCB của cộng đồng dân cư, nhất là trong tình trạng sẽ còn một thời gian khá dài nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực y tế phục vụ cho công tác KCB1. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giữ khoản 13 Điều 6 như dự thảo Luật: “Cán bộ, công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư hoặc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước”. Về bảo hiểm trách nhiệm trong KCB, Điều 78 của dự thảo luật quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh tại doanh nghiệp bảo hiểm được cấp phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ. Chính phủ quy định cụ thể và lộ trình để tiến tới tất cả người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tham gia bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định bảo hiểm trách nhiệm trong KCB là cần thiết, thể hiện tính khoa học, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh, cũng như của người hành nghề khi xảy ra tai biến đối với người bệnh (nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã thực hiện bảo hiểm trách nhiệm này). Tuy nhiên, nếu quy định cơ sở KCB phải mua bảo hiểm trách nhiệm cho cán bộ y tế và cơ sở KCB của mình hoặc quy định người hành nghề phải tự mình mua bảo hiểm trách nhiệm trong KCB thì chưa thực sự phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay. Do đó, quy định như trong Điều 78 của dự thảo Luật là phù hợp. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011. Các tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia hoạt động viễn thông Luật Viễn thông gồm 10 chương, 63 điều, quy định về hoạt động viễn thông, bao gồm đầu tư, kinh doanh viễn thông, viễn thông công ích; quản lý viễn thông; xây dựng công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của luật, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành quy định về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2) như quy định tại Dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Luật Viễn thông quy định chủ thể tham gia hoạt động viễn thông là tổ chức (bao gồm cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức khác), cá nhân tham gia hoạt động viễn thông. Luật Viễn thông không loại trừ việc tham gia của bất cứ tổ chức nào, kể cả hợp tác xã, nếu các tổ chức này đáp ứng được các quy định của Luật Doanh nghiệp. Do đó, tùy thực tế sẽ có hướng dẫn để chủ thể này có thể tham gia hoạt động viễn thông như các chủ thể khác. Giải đáp ý kiến cho rằng theo Điều 82 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không cần có điều riêng quy định về đối tượng áp dụng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng nội dung quy định về đối tượng áp dụng trong hoạt động viễn thông không trái với Điều 82 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cũng cần được quy định để thể hiện rõ ràng, đầy đủ các đối tượng tham gia, phù hợp thực tế của hoạt động viễn thông và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy đề nghị được giữ nguyên phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như tại Dự thảo Luật. Luật có hiệu lực thi hành 1/7/2010. phải có cơ quan giải quyết các yêu cầu về sử dụng tần số vô tuyến điện Với 8 chương, 49 điều, Luật Tần số Vô tuyến điện quy định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và quản lý an toàn bức xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ; quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện. Đối với Luật Tần số Vô tuyến điện, về trách nhiệm quản lý Nhà nước (điều 5) và cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện đã được Uỷ ban Thường vụ giải trình cho biết dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Thông tin và truyền thông kèm theo những nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể. Bộ Thông tin và truyền thông là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Để Luật Tần số Vô tuyến điện có thể thực hiện và đi vào cuộc sống ngay sau khi Luật có hiệu lực, cần thiết phải quy định rõ cơ quan có trách nhiệm trực tiếp giải quyết các yêu cầu cụ thể của tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện. Điều này phù hợp với yêu cầu của Quốc hội là nâng cao tính cụ thể của các văn bản luật và bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch cho người dân khi thực hiện Luật này. Quản lý tần số vô tuyến điện là lĩnh vực đòi hỏi tính thống nhất cao, không thể chia cắt về nghiệp vụ và địa giới hành chính, đồng thời có tính quốc tế cao, đòi hỏi cần có cơ quan quản lý chuyên ngành. Xuất phát từ thực tế, cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện đã được Chính phủ thành lập hơn 16 năm nay và đang hoạt động theo Quyết định số 88/2008/QĐ-TTg ngày 24/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Việc quy định cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện trong Luật chỉ là quy định chung nhằm khẳng định vị trí pháp lý ổn định của cơ quan này, minh bạch trong quan hệ quốc tế, còn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sẽ được quy định tại văn bản mang tính pháp quy do cơ quan có thẩm quyền quy định. Luật có hiệu lực thi hành 1/7/2010. Nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ Luật Dân quân Tự vệ gồm 9 chương, 66 điều, quy định về nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, tổ chức, nhiệm vụ, hoạt động của Dân quân tự vệ, chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ và trách nhiệm quản lý Nhà nước về Dân quân tự vệ. Về độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình – Điều 9 của Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đây là vấn đề đã được nêu ra trong suốt quá trình soạn thảo dự án Luật và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp này. trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, Báo cáo giải trình, tiếp thu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã trình bày rõ và cân nhắc các căn cứ để xác định độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ. Việc quy định về độ tuổi và thời hạn như Dự thảo Luật là nhằm bảo đảm chất lượng cho tổ chức, huấn luyện, hoạt động của Dân quân tự vệ, tạo nguồn nhân lực cho quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân địa phương và bổ sung lực lượng cho bộ đội địa phương khi cần thiết; đây cũng là nghệ thuật tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật là: “ Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình: Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện phục vụ trong lực lượng Dân quân tự vệ thì có thể đến 50 tuổi đối với nam, đến 45 tuổi đối với nữ”. Luật có hiệu lực thi hành 1/7/2010. |
Quốc hội thông qua 5 luật
1