Khi tòa phúc thẩm Tp Cần Thơ tuyên y án sơ thẩm 8 năm tù giam và bồi thường 4,3 tỷ đồng đối với vị nữ anh hùng lừng danh một thời trần Ngọc Sương về tội danh “Lập quỹ trái phép”, nhiều mái tóc bạc ngồi tham dự đã bật khóc. Họ khóc bởi sự chia sẻ tai ương với một người mà trước đây họ vô cùng quý trọng. Họ khóc bởi sự bất công của ông trời đối với một đồng đội dành cả cuộc đời hy sinh cho những người lao động nghèo khổ. Họ khóc vì sự nghiệt ngã của lý trí con người hạn hẹp đã không bao dung nổi những hành vi cao thượng lớn lao… Lập luận của chủ tọa phiên tòa rất mạch lạc và rõ ràng: “…Nông trường Sông Hậu đến nay vẫn là 100% vốn Nhà nước…Không chấp nhận những lời biện bạch của các bị cáo không chấp hành các quy định quản lý kinh tế do Nhà nước quy định…Không chấp nhận việc các bị cáo khai việc sử dụng nguồn quỹ này qua ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn… Những người có công tạo ra của cải vật chất cho nông trường đã được hưởng lương và được khen thưởng… trong báo cáo tài chính hằng năm của nông trường không có bất kỳ kiến nghị gì với các cơ quan cấp trên trong việc giúp đỡ những khó khăn của nông trường…”.
trên công luận từ nhiều năm nay, cái tên Nông trường Sông Hậu đã quá đỗi quen thuộc không chỉ bởi những con người cụ thể như cố giám đốc trần Ngọc Hoằng và sau đó là nữ giám đốc trần Ngọc Sương mà là ý chí kiên cường dám “đội đá vá trời”, biến một vùng đất hoang hóa thành niềm hạnh phúc cho hàng chục nghìn người từ cái thuở sơ khai của công cuộc đổi mới. Chính vì thế, thật hiếm hoi đối với một tổ chức kinh tế Nhà nước mà hai đời giám đốc kế tiếp nhau, đồng thời là hai cha con, đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Để có được những bước đột phá lớn lao trong quản lý và đạt được những thành quả vượt ra khỏi sức tưởng tượng của nhiều người, ai cũng biết rằng chắc chắn không thể áp dụng cơ chế quản lý cũ. Việc trích một khoản tiền do chính những người công nhân hai sương một nắng làm ra để phục vụ lại cho chính họ, để tái sản xuất ra nguồn lực lao động lớn hơn, với năng suất lao động lớn hơn và đạt thành quả ngày càng cao hơn là hợp với đạo lý và hoàn toàn đúng đắn với các nguyên lý của khoa học quản lý. Thế nhưng, chủ tọa phiên tòa đã không đề cập đến điều đó.
Có người ước rằng nếu có một chủ tọa phiên tòa giỏi giang, có tầm nhìn rộng lớn hơn, có trái tim nhân hậu hơn thì chắc chắn kết cục sự việc sẽ khác đi, bởi họ sẽ hiểu rằng những tấm gương Anh hùng đã được thẩm định qua nhiều cơ quan quản lý Nhà nước không thể được xây dựng bằng những hành vi phạm pháp.
Nhiều người hy vọng điều này sẽ xảy ra ở phiên giám đốc thẩm. |
Tấm gương anh hùng và hành vi phạm tội
28