Trang chủ » Sửa đổi NĐ 99 – khâu đột phá trong cải cách quản lý chi phí xây dựng

Sửa đổi NĐ 99 – khâu đột phá trong cải cách quản lý chi phí xây dựng

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

“Sửa đổi Nghị định 99 là bước ngoặt quan trọng, có tính đột phá nhằm cải cách cơ chế chính sách về quản lý chi phí xây dựng, tiếp tục đổi mới để linh hoạt hơn và phù hợp hơn với thị trường và thông lệ quốc tế” – Đó là khẳng định của TS phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) trong hội thảo “Báo cáo kết quả cải cách quản lý chi phí xây dựng công trình ở Việt Nam, rút ngắn khoảng cách với thông lệ quốc tế” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Cần tháo gỡ  “nút thắt cổ chai”

Mặc dù được đánh giá là linh hoạt, phân cấp nhiều hơn cho chủ đầu tư, giảm sự can thiệp của nhà nước vào quá trình định giá xây dựng nhưng thực tế khi đi vào cuộc sống, Nghị định 99 vẫn tồn tại những vướng mắc như: thiếu đồng bộ hoặc trùng lặp giữa các quy định của Nghị định 99/Cp và các văn bản quy phạm pháp luật khác, năng lực nhà tư vấn, nhà quản lý còn hạn chế, tâm lý sợ trách nhiệm, sợ thanh tra, kiểm tra vẫn còn tồn tại…

Theo ông  Alain Barbu, Giám đốc các chương trình, dự án của WB, thời  gian qua, nhiều dự án ODA còn bị đình trệ, tiến độ giải ngân chậm, với 3 nút thắt cổ chai do còn có sự khác biệt về thủ tục đấu thầu mua sắm thiết bị và giải ngân giữa Chính phủ và Chủ đầu tư, quản lý dự án còn chưa tốt (do sử dụng sai định mức chi phí), đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. ..Thực tế, Nghị định 99/Cp đã gần hơn với cơ chế thị trường, tuy nhiên, vẫn còn vướng mắc cần điều chỉnh.  Năm 2010 vốn ODA cam kết cho Việt Nam đạt 8 tỷ USD, cao gấp 2 lần năm 2006, điều đó đồng nghĩa việc đầu tư tăng, giải ngân tăng, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định đẩy mạnh hiệu quả đầu tư là rất cần thiết.

Còn phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình (Bộ Giao thông Vận tải) thì chia sẻ: chi phí giải phóng mặt bằng nằm trong chi phí quản lý của chủ đầu tư là rất bất cập, vì thực tế nhiều dự án của Bộ Giao thông chi phí giải phóng mặt bằng lớn gấp 2 thậm chí gấp 3 lần chi phí xây dựng.


Nhiều công trình chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng (ảnh minh hoạ)

 TS phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) đưa ra đánh giá: Nghị định 99/2007/NĐ-Cp là bước khởi đầu cho việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình chuyển từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường, tuy nhiên những đổi mới trong Nghị định  này mới chỉ là bước đầu. Xác định đây là bước ngoặt quan trọng, có tính đột phá nhằm cải cách cơ chế chính sách về quản lý chi phí xây dựng, tiếp tục đổi mới để linh hoạt hơn và phù hợp hơn với thị trường và thông lệ quốc tế, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/Cp. Nỗ lực này đã được WB, JICA, các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn và các bên liên quan đánh giá rất cao.

Nghị định 99 sửa đổi sẽ có gì mới?

Sau nhiều lần hội thảo và trực tiếp trao đổi, lấy ý kiến của các bên liên quan, một số nội dung cần chỉnh sửa bổ sung đã được đưa vào dự thảo Nghị định quản lý chi phí đầu tư xây dựng điều chỉnh. Theo đó, Nhà nước sẽ không đưa ra định mức một cách cứng nhắc, chủ đầu tư được quyền xác định định mức đơn giá, giúp dự toán chi phí sát hơn với giá thị trường, minh bạch và được quyền điều chỉnh khi giá thị trường thay đổi. Ngoài bỏ một số quy định trùng với các văn bản quy phạm pháp luật khác, Nghị định 99 sửa đổi sẽ bổ sung thêm nội dung điều chỉnh tổng mức đầu tư khi có sự biến động bất thường về giá, bổ sung thêm khái niệm lập dự toán theo tháng – người và một số phương pháp điều chỉnh dự toán xây dựng công trình…

Theo quy định của Nghị định 99/Cp, định mức xây dựng và giá xây dựng công trình mới phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền thoả thuận ban hành mới được áp dụng nhưng Nghị định 99 sửa đổi sẽ linh hoạt hơn: khi có định mức mới hoặc sửa đổi định mức đã công bố để  áp dụng chỉ cần báo cáo người quyết định đầu tư xem xét và quyết định, giá tiền lương phải mang tính thị trường…tăng cường hơn nữa cho các tổ chức tại địa phương để họ có đủ quyền công bố áp dụng đơn giá, tránh tình trạng đơn giá lập theo quý như hiện nay.


TS phạm Văn Khánh (Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng) và ông  Alain Barbu
(Giám đốc các chương trình, dự án của WB) đồng chủ trì Hội nghị.

trao quyền hơn nữa cho địa phương để địa phương có thể chủ động ban hành Chỉ số giá xây dựng, mở rộng phạm vi sử dụng chỉ số giá…Đồng thời, chủ đầu tư được phép thuê tư  vấn đủ năng lực xác định chỉ số giá xây dựng áp dụng cho công trình của mình.

Ngoài ra, những nội dung quy định điều kiện năng lực các tổ chức, cá nhân hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình; Quyền trách nhiệm của Chủ đầu tư, nhà thầu trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng chưa có trong Nghị định 99/Cp thì nay được đề cập cụ thể trong Nghị định mới. Cụ thể, những quy định về năng lực, chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng, điều kiện cấp chứng chỉ kỹ sư định giá xây dựng, phạm vi hoạt động của tổ chức, cá nhân quản lý chi phí, quản lý việc đào tạo; Quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn được quy định rõ ràng, cụ thể.

phát biểu tại Hội thảo, hầu hết các vị đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo, đồng thời đóng góp những ý kiến khá cụ thể để Nghị định sửa đổi bổ sung được hoàn thiện hơn. Theo đề nghị của các vị đại biểu, thời gian tới cần thiết phải có chương trình tăng cường và nâng cao năng lực cho chủ đầu tư và các bên liên quan, đồng thời có văn bản hướng dẫn để chủ đầu tư yên tâm thực hiện.

 Tiếp thu ý kiến của các vị đại biệu, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện Nghị định sửa đổi bổ sung và sớm trình Chính phủ ban hành.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.