Trang chủ » Di sản thế giới ở Việt Nam: Chưa khai thác xứng tầm giá trị

Di sản thế giới ở Việt Nam: Chưa khai thác xứng tầm giá trị

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Việt Nam hiện có 9 di sản được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Những năm qua nhiều di sản đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế, song cũng có di sản chưa được khai thác tương xứng với những giá trị đã được thế giới công nhận.


Là di sản thiên nhiên thế giới nhưng ở vịnh Hạ Long, du lịch nghỉ dưỡng
và du lịch tàu biển vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Chưa có quy hoạch phát triển du lịch

Các di sản ở Việt Nam đa dạng về thể loại và quy mô. Có di sản thuần là di tích lịch sử, văn hóa như đô thị cổ Hội An, quần thể di tích cố đô Huế, đền tháp Mỹ Sơn. Có di sản mang cả giá trị thiên nhiên và văn hóa như Hạ Long, phong Nha – Kẻ Bàng. Đấy là chưa kể các di sản văn hóa phi vật thể như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế và gần đây là ca trù, quan họ Bắc Ninh. Thế nhưng, các di sản thế giới của Việt Nam đều có điểm chung là chưa có quy hoạch phát triển du lịch. Vì thế, nhiều nơi, việc đầu tư phát triển du lịch manh mún, thậm chí thiếu cả quy chế quản lý và tổ chức hoạt động du lịch. Hoạt động du lịch không gắn với công tác bảo tồn, trong khi bảo tồn là điều sống còn của các di sản. Không có chính sách hợp lý, nên việc huy động cộng đồng tham gia bảo tồn và khai thác tài nguyên du lịch kém hiệu quả, khiến các di sản đứng trước những thách thức như môi trường du lịch xuống cấp và bị hủy hoại, giá trị suy giảm, ảnh hưởng đến mục tiêu phát huy di sản để phát triển du lịch, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.

Sự không thống nhất trong tổ chức quản lý dẫn đến tình trạng, dù sức hấp dẫn của các di sản ngang nhau, song mức độ phát triển về du lịch lại khác biệt. Vịnh Hạ Long là nơi thu hút lượng khách du lịch lớn nhất trong các di sản ở Việt Nam, tiếp đến là Huế và Hội An. phong Nha – Kẻ Bàng và Mỹ Sơn còn khá khiêm tốn, nhất là phong Nha – Kẻ Bàng mới chủ yếu thu hút khách trong nước. Nhiều loại hình du lịch đặc thù như sinh thái, tham quan, nghiên cứu các giá trị văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là ở các di sản thiên nhiên, như du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tàu biển ở vịnh Hạ Long, hay du lịch sinh thái ở phong Nha – Kẻ Bàng hoặc du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị) ở Hội An…

Mô hình tổ chức cũng như chức năng của các cơ quan quản lý du lịch ở các di sản cũng rất khác biệt, tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động du lịch ở đây. Các địa phương chưa khai thác hết giá trị của di sản để xây dựng các sản phẩm đa dạng và hấp dẫn, thậm chí còn có tình trạng khai thác sai mục đích. Du lịch chỉ được xem là một trong nhiều hoạt động phát triển ở di sản, nên không có BQL riêng. Vườn quốc gia phong Nha – Kẻ Bàng lại có BQL với chức năng quản lý rừng đặc dụng theo Luật Bảo vệ và phát triển rừng… 

Di sản cần được quản lý ở cấp quốc gia

Từ năm 2007 – 2009, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch và Cơ quan Hợp tác quốc tế Tây Ban Nha đã thực hiện dự án nghiên cứu về việc khai thác di sản thế giới tại Việt Nam và đưa ra các giải pháp nhằm khai thác tối đa thế mạnh của các di sản thế giới, góp phần phát triển kinh tế – xã hội. Các chuyên gia đã gợi ý nhiều giải pháp nhằm khai thác tối đa thế mạnh của di sản, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Họ cho rằng biện pháp cấp bách là phải có quy định thống nhất về quản lý, phát triển du lịch tại tất cả các điểm di sản. Các di sản cần được quản lý ở cấp quốc gia với một tổ chức riêng đảm nhiệm, chứ không nên chỉ coi đó là một nhiệm vụ quản lý của Cục Di sản văn hóa như hiện nay. Có thể lập Ủy ban Di sản Thế giới Việt Nam như nhiều nước đã làm. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh: Cần có quy định cụ thể về công tác bảo tồn và phát triển du lịch, nhằm tránh những sai phạm hiện có như sử dụng vật liệu mới, xây dựng thêm các công trình phục vụ kinh doanh du lịch…

Sự phối hợp giữa các địa phương với Bộ VHTT&DL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các bộ ngành liên quan là cần thiết, để điều chỉnh mô hình tổ chức quản lý phát triển du lịch ở các di sản thế giới, đồng thời bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách và hệ thống quy định pháp luật phù hợp với đặc điểm cụ thể của khu vực di sản. Vấn đề cần thiết đối với cơ quan quản lý trực tiếp các di sản thế giới là phải xây dựng được chiến lược khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị của di sản, để làm căn cứ cho hoạt động quản lý ở khu vực di sản.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.