Năm 2010 sẽ cấp bằng lái xe loại mới
Khảo sát cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) bắt nguồn ngay từ khâu đào tạo. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng bằng lái xe giả tràn lan khiến các cơ quan nhà nước rất khó quản lý… Siết chặt các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GpLX) trên cả nước là một trong những vấn đề lớn trong triển khai Luật Giao thông đường bộ hiện nay.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, việc triển khai Luật GTĐB năm 2008 đã có những biến chuyển rõ rệt trong quần chúng. Tuy nhiên, hiện nay, các cơ sở đào tạo cần phải tự hoàn thiện hơn nữa. Đặc biệt, công tác đào tạo, cấp phép lái xe phải nghiêm túc, minh bạch hơn nữa. Có như vậy, Luật mới đi vào cuộc sống.
Bất cập trong đào tạo Ông Nguyễn Văn Quyền, phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, thời gian qua ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác đào tạo, sát hạch GpLX, tạo điều kiện cho người dân tham gia rất nhiều các lớp học trong cả nước. Đặc biệt, Bộ GTVT đã ban hành 405 câu hỏi sát hạch lái xe, tập huấn, chuyển giao phần mềm lý thuyết mới, tổ chức thi chấm điểm tự động. Nhờ đó, từ 1/1/2008 đến 30/9/2009, cả nước đã cấp mới được trên 3,4 triệu GpLX mô tô, 486 nghìn GpLX ô tô. Đồng thời, Cục cũng đã tiến hành đào tạo, cấp bằng FC cho các lái xe sơ-mi-rơ-móc… Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đó, cũng phải thừa nhận rằng công tác đào tạo, sát hạch lái xe tại nhiều trung tâm trong cả nước còn nhiều bất cập. Tại một số địa phương, công tác kiểm tra, thi cử còn chưa nghiêm túc. Có trường hợp thi hộ, thu thêm tiền của thí sinh… Cụ thể, trong năm 2008 có 4 cơ sở đào tạo lái xe đã bị phát hiện có tiêu cực. Bộ GTVT cũng đã có quyết định dừng tuyển sinh có thời hạn tại 4 cơ sở này. Cũng trong năm 2008 Cục Đường bộ đã dừng tuyển sinh 1 cơ sở đào tạo GpLX ở Ninh Bình, dừng tuyển sinh đào tạo các hạng D, E của 2 cơ sở tại Hà Nội và Nghệ An… Bên cạnh những “điểm nóng” về đào tạo, một số ý kiến cho rằng vấn đề học phí chưa phù hợp nên chương trình đào tạo hết sức khó khăn. Chính vì thế đã có những tiêu cực trong vấn đề này, ví dụ như việc một số cơ sở đào tạo tuyển sinh qua trung gian, có trường hợp thu tiền ngoài quy định… Theo ý kiến của đại diện Sở GTVT Nghệ An, hiện nay do đặc thù tỉnh khá rộng nên việc cấp GpLX gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt tại khu vực miền núi số trường đào tạo lái xe rất hạn chế. Đại diện này còn cho biết, do loại GpLX đang lưu hành dễ làm giả, nên GpLX giả lưu hành trên thị trường rất nhiều. Đây chính là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra các vụ TNGT. Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hiện nay một trong những bất cập cần sớm giải quyết đó là việc đổi, cấp mới GpLX nước ngoài tại Việt Nam. Công tác này khi triển khai còn nhiều vướng mắc, bởi hầu hết những người này cũng cần phải đào tạo lại. Đại biểu này còn cho rằng: cũng nên siết chặt và chú ý đến việc cấp chứng chỉ cho người phục vụ trên xe khách…
Cấp bằng theo công nghệ mới để tránh làm giả trước những tồn tại đó, ông Quyền cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thêm giáo trình đào tạo GpLX. Đặc biệt, sẽ giảm số tiết học lý thuyết, tập trung giảng dạy môn đạo đức người lái xe. Đây là môn học mới, khái quát và cần thiết nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Về vấn đề làm giả GpLX, ông Quyền cho biết, Cục Đường bộ đã trình Bộ GTVT ban hành mẫu giấy phép lái xe mới. Đây là loại giấy phép lái xe nhỏ gọn, cứng, hiện đại nên khó có thể làm giả. Hiện nay, toàn bộ thiết bị phục vụ việc in GpLX theo công nghệ mới này đang được đấu thầu trong Dự án An toàn giao thông đường bộ, vốn vay Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên do có những khó khăn về kinh phí nên việc triển khai chậm. Dự kiến sang quý I/2010 Cục mới có thể áp dụng vào thực tiễn. |
Lỏng lẻo trong đào tạo, cấp phép lái xe
2