Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường, thuộc Sở KHCN Tp.HCM, trong quý III/2009 mức độ ô nhiễm môi trường tại các khu vực trên địa bàn Tp đều tăng so với năm 2008 và quý II/ 2009.
Ra ngõ gặp… kênh rác Hiện nay, một số con kênh đang được xếp vào “sách đỏ” của Tp về ô nhiễm là kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tham Lương – Bến Cát – Vàm Thuận, Tân Hoá – Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé, kênh Đôi – kênh Tẻ, Ba Bò… Thực trạng ô nhiễm tại các con kênh này đã được biết đến từ lâu và đã có nhiều công trình được xây dựng nhằm cải tạo mức độ ô nhiễm nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, trong khi chờ các công trình này hoàn thành thì hàng ngày, những người dân ở đây vẫn đang phải gánh chịu ảnh hưởng, hậu quả của nó. Dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè được coi là “trung tâm” của các dòng kênh kêu cứu. Chảy qua địa bàn nhiều quận và dòng chảy của con kênh này là thảm hoạ cho cư dân nơi nó chảy qua. Dòng nước trên kênh không chỉ là màu đen sì, hôi thối mà còn chuyển màu đỏ vào buổi sáng và sủi bọt vào buổi tối. Bác trường, một người dân sống tại Q.Bình Thạnh, nơi có con sông “ngự trị” cho biết: Chúng tôi sống ở đây lâu rồi nên quen với mùi hôi thối này chứ những người mới đến hoặc đi qua thì thường nín thở mà đi. Con kênh này còn được mệnh danh là kênh ngứa. Vào những hôm thời tiết thay đổi, hay gió đổi chiều thì nó bốc mùi vào tận nhà”. Tại đoạn kênh đi qua chung cư Rạch Miễu, từ xa chúng tôi đã bị mùi hôi thối xộc vào tận cổ họng khiến ai nấy đều có cảm giác buồn nôn. Đến gần thì cảnh tượng rác thải, lục bình… lấp cả dòng chảy khiến nước kênh ở đây đặc sền sệt và hôi thối hơn cả các nơi khác. Một bà cụ sinh sống tại đây cho biết, khu vực này nhiều muỗi lắm, muỗi sinh sôi nảy nở từ những chỗ nước tù đọng này. Nhiều nhà cứ trực tiếp xả rác xuống kênh, rác nhiều muỗi càng lắm, làm tắc nghẽn cả dòng kênh vừa phát sinh bệnh tật. Tại nhiều con kênh khác, dù không được “xếp hạng” như kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhưng mức độ và sự ô nhiễm cũng làm người đi đường phải “nhớ mãi”. Con kênh dọc theo Cầu Đen 2 tại Q.2, kênh Văn Thánh, Q.Bình Thạnh… đang là mùa nước cạn, nước trên kênh gần chạm đáy, để lộ ra những căn nhà nhếch nhác, những đống rác thải ứ đọng và màu nước “đậm đà” không kém với màu nước của kênh Thị Nghè. Bên cạnh đó, một số con kênh bị các nhà máy xả nước thải trực tiếp không qua xử lý cũng trở thành nỗi ám ảnh cho người dân. Những con kênh này vẫn đang oằn mình hứng chịu “sản phẩm” của các nhà máy. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp bên ngoài mà về lâu dài sẽ “giết chết” môi trường sống.
Khó ở nhiều khâu Theo ông Chế Đình Lý, phó viện trưởng Viện Quản lý Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG Tp.HCM), tình trạng ô nhiễm ngày càng gia tăng bởi các DN hiện nay chủ yếu tiến hành đối phó với cơ quan cảnh sát môi trường, chưa thực sự thấy được trách nhiệm và kiểm tra được đầu ra trong quá trình sản xuất. Ông trần Nguyễn Hiền, trưởng phòng Môi trường (Sở TN&MT) cho biết, hiện nay vấn đề quy hoạch và quản lý đô thị chưa được chú ý, các hộ dân lấn chiếm, sống bên ven bờ kênh rạch rất nhiều cần phải chỉnh trang, di dời. Thứ hai là quy hoạch Tp trước đây khoảng 2 triệu dân nên khi dân số gia tăng, hệ thống hạ tầng, cấp thoát nước không đáp ứng được, khi bắt đầu tiến hành cải tạo sẽ phải triển khai đào đường, đào hệ thống cấp thoát nước… Theo quy hoạch, song song với dự án cải tạo môi trường sẽ có 9 nhà máy xử lý nước thải, tuy nhiên hiện nay mới xây dựng được 1 nhà máy ở Bình Hưng với công suất trên 1.000m3. Nếu triển khai đồng bộ thì tới năm 2013 mới xong tất cả. trong khi đó tỷ lệ nhà dân có hệ thống xử lý nước thải chỉ là 1/10, các hộ dân xây dựng các hố tự hoại sau đó đổ thẳng ra kênh rạch mà chưa có hệ thống xử lý. Công nghệ xử lý nước thải của ta lại phụ thuộc chủ yếu vào nước ngoài, kinh nghiệm quản lý kém, chi phí vận hành cao cũng là những cản trở trong việc cải tạo môi trường. Để giải quyết tình trạng này, theo ông Chế Đình Lý, nên quản lý đầu vào theo hướng ngăn ngừa ô nhiễm, vận động các DN đầu tư sản xuất sạch, quản lý chất lượng đầu vào để DN tự ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường.
|
Giải quyết ô nhiễm kênh rạch tại TP.HCM: Khó trăm bề
5
Bài trước