Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ phương án tăng giá điện năm 2010 lên khoảng 4,9%, thời điểm thực hiện dự kiến từ ngày 1/3 tới. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, đây là phương án tăng giá thấp nhất. Vì chúng ta vừa thoát ra khỏi khủng hoảng, nền kinh tế mới ốm dậy nên phải tăng giá điện từ từ. Tăng giá ở mức này cũng giúp doanh nghiệp không quá biến động chi phí đầu vào. Hơn nữa, năm 2010, là năm Việt Nam có rất nhiều sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước, 1.000 năm Thăng Long, Đại hội Đảng các cấp, 80 năm thành lập Đảng… thì phải để xã hội có sự hưng phấn, tạo thi đua trong toàn dân, toàn Đảng. Chính phủ có quan điểm, trong khung trình đó, hàng năm phải điều chỉnh để cho giá điện tiệm cận khu vực và trên thế giới. Khi đó sẽ có những cái lợi. Thứ nhất, tạo ra bình diện, nền kinh tế đã hội nhập nên phải chấp nhận kinh tế thị trường, cạnh tranh. Thứ hai, khi nâng giá điện lên bằng khu vực thì các nhà đầu tư nước ngoài mới đầu tư, lúc đó mới mong rằng thừa điện. Giá điện thấp thì họ không dám đầu tư vì thu hồi vốn chậm, thậm chí không có khả năng trả nợ. Thậm chí ngay cả EVN vay tiền để đầu tư cũng khó. “Mặc dù, Bộ Công Thương đã cân nhắc trình Thủ tướng về việc tăng giá điện theo phương án 3 nhưng các thành viên Chính phủ sẽ còn phải thảo luận để quyết định sẽ tăng giá điện theo giá trình hoặc giá mới. Theo quy định, tăng giá dưới 5% Bộ Công Thương được trình Chính phủ, còn tăng trên 5% thì Bộ chỉ có thể báo cáo Thủ tướng”, ông Bùi Xuân Khu nói. Nhiều ý kiến băn khoăn tăng giá điện vào thời điểm này có phù hợp không? Về vấn đề này, ông Bùi Xuân Khu khẳng định: Nếu như bán điện giá thấp thì sẽ có lợi cho người dân. Bởi vì nhìn tổng quát thì thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam còn thấp, số hộ nghèo nhiều, sản phẩm cạnh tranh còn kém nên điều chỉnh giá điện cũng nên có lộ trình phải từ từ. Tuy nhiên, so với các nước khu vực thì đa số các nước có giá điện cao hơn mình. Hơn nữa, ở Việt Nam giá điện còn “tréo ngoe” ở chỗ giá bán điện cho sản xuất thì thấp nhưng giá bán điện sinh hoạt lại cao. “Năm 2009 chúng ta đã từng tăng giá điện. Lúc đầu người dân và các cơ quan, các nhà sản xuất cũng có lo lắng vì tăng giá điện sẽ dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Nhất là tăng giá điện vào giờ cao điểm, nếu trước kia chỉ có giờ cao điểm là buổi tối nhưng lại thêm cả cao điểm buổi sáng. Khi đó, Bộ đã đi xem xét ở một số nhà máy xem nếu nhà máy làm 1 ca thì tăng bao nhiêu. Ví dụ như: Cty May 10 lúc đầu kiểm tra tăng 22%. Và Bộ đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng chỉ đạo DN nào làm 1 ca thì phải điều chỉnh phù hợp. Nhưng rất may trong điều kiện khủng hoảng, tăng giá điện vẫn “êm” và không làm cho CpI tăng theo, được khống chế ở mức 6,52%”, Thứ trưởng Bùi Xuân Khu nói. Theo ông Khu, các phương án tăng giá điện đều đã tính tới chỉ số CpI và GDp. phương án mà Bộ Công Thương trình Chính phủ là phương án ít tác động nhất tới GDp và CpI. Việc bao giờ giá điện được hình thành theo cơ chế thị trường, năm 2010 sẽ tăng giá mấy lần thì Bộ Công Thương cũng chưa thể biết được. Điều đó còn phụ thuộc vào nền kinh tế và một số yếu tố khác nữa. |
Có thể tăng giá điện từ ngày 1/3
2