Đời nào vui bằng đời thương hồ “cơm ghe bè bạn, gạo chợ nước sông”. Câu hát quen thuộc đó của khách thương hồ cứ lan xa trên sông nước đồng bằng. ĐBSCL là xứ sở của sông ngòi kinh rạch chằng chịt, từ lâu đã hình thành giới thương nhân lấy ghe làm văn phòng và có khi là nhà lênh đênh trên sông nước. Họ là những người thu mua gạo, trái cây… Những chuyến ghe xuôi ngược dòng Cửu Long mang hàng hoá toả đi khắp nơi, qua bao đời nay đã hình thành một “nền kinh tế văn hoá sông nước” mang tính cộng đồng, giúp cho việc giao lưu văn hoá kinh tế phát triển. Những ghe hàng buôn bán trên sông giúp họ dễ giao lưu hoà nhập là nét văn hoá trở thành tập quán sinh hoạt trên bến dưới thuyền của cư dân vùng sông nước miền Tây Nam bộ.
Nghề đi ghe thương hồ phát triển rất sớm ở ĐBSCL. Đây là nghề kinh doanh giúp những người có ghe cùng gia đình mang ít vốn, ngược xuôi mua hàng hoá nông sản ở nông thôn về họp chợ. Sau nhiều năm chịu khó sống cảnh “cơm ghe bè bạn, gạo chợ nước sông”, tuy vốn liếng không nhiều, chỉ lấy công làm lời nhưng vài mươi năm gắn bó với nghề có nhiều chủ ghe nhỏ sắm được ghe lớn, tạo được cơ ngơi khá giả. Nhưng có lênh đênh theo ghe mới thấm thía nhiều nỗi niềm của đời thương hồ. Không chỉ sống nay đây mai đó lãng mạn, đời thương hồ là những câu chuyện tình nghĩa mưu sinh nhọc nhằn và bao hiểm nguy trên sông nước. Anh Lê Văn Cam quê miệt vườn Kế Sách – Sóc trăng năm nay gần 50 tuổi nhưng đã hơn 15 năm ngang dọc sông nước. Hồi trẻ, anh là lính tình nguyện sang chiến trường Campuchia. Ra quân, anh về quê làm ruộng, lên liếp trồng cây ăn trái, nhưng trái được mùa luôn bị tư thương ép giá. Quẫn quá, anh giao ruộng lại cho anh em, gom góp hơn chục triệu đồng mua chiếc ghe 10 tấn bằng gỗ dên dên và vài triệu làm vốn, vợ chồng lên ghe sống đời thương hồ. Ban đầu, anh đi ghe tứ xứ, nơi nào trái cây vô mùa, giá rẻ là anh tới. Còn gần chục năm nay, anh chỉ quanh quẩn miệt vườn ở Sóc trăng. Nghề sông nước có tiền ra tiền vào, lại được đi đây đó, biết được nhiều chuyện lạ. Anh nói: “Gọi chục trái cây chứ ở An Giang là 12, Rạch Giá 16, Cà Mau lên tới 18. Dừa khô không đâu lớn và dầy cơm như ở Mỹ Thuận (Bến tre); còn khóm thì miệt Long Mỹ (Hậu Giang) là nhất, trái ký lô tám là chuyện thường. Dưa hấu chưng Tết không đâu to bằng Vũng Thơm (Sóc trăng). Chuyện mua bán mỗi nơi mỗi khác”. Bây giờ, giới thương hồ rất hiện đại, giao dịch mua bán đều thông qua điện thoại di động, chứ không còn cái cảnh đến tận nơi xem hàng rồi mới ra giá, tất cả họ đều nhờ điện thoại, nên giảm rất nhiều thời gian và chi phí đi lại. Hàng ngày từ đêm khuya đến tờ mờ sáng từ khắp mọi dòng sông những chiếc ghe chở đầy hàng hoá nông sản đã chuẩn bị xuất bến, trước mũi ghe hay hai bên mui ghe treo lủng lẳng các thứ hàng mà ghe đang có. Những hình ảnh này thường bắt gặp trên đường về Chợ Nổi miền Tây hay chợ trung tâm. Ngày nay, các ghe hàng không dùng tiếng giao để mời gọi để làm tín hiệu để ghe khác có nhu cầu đón gọi, mà trước mũi hay hai bên mui treo lủng lẳng các thứ hàng đủ loại màu sắc đong đưa thay cho những tấm bảng hiệu như cách kinh doanh trên bờ. Về chợ nổi Ngã Năm (Sóc trăng) chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thanh ở Hậu Giang đã có gần hai mươi năm sống trên chiếc ghe hàng. Ông bộc bạch: “Cuộc đời thương hồ tìm kế mưu sinh cùng chiếc ghe hàng rong ruổi theo các dòng sông vùng này là nghề của gia đình tôi, đã nuôi mẹ già và hai cháu đang học”. Với nét buồn thoáng qua rồi ông tiếp: “Vào những ngày giáp Tết ghe hàng chúng tôi cực lắm, thường về ăn tết muộn, khi về đến nhà có khi đã đón giao thừa rồi, nhưng bù lại có nguồn thu nhập khá”. Các ghe sau khi mua trái cây về thông thường có 2 dạng, cân thẳng trực tiếp cho các vựa lớn hoặc neo bán sỉ cho các ghe nhỏ chở trái cây bán dạo, chợ nông thôn. Việc này tuy mất thời gian nhưng lãi hơn vì không bị các chủ vựa ăn tiền hoa hồng. Ở chợ nổi phụng Hiệp (Hậu Giang) ghé vào ghe hàng ông Huỳnh Văn Sáu quê ở Cần Thơ sống nghề sông nước này đã trên 20 năm, trong cuộc trò chuyện ông Sáu cho biết thêm: “Suốt thời gian lênh đênh trên sông nước, tôi không biết mình đã đi qua bao nhiêu dòng sông, con rạch, buôn bán những chợ nào, sông nước ĐBSCL tôi rành như nằm trong bàn tay”. Khác hẳn với ông Thanh, ông Sáu không có nhà ở quê, nên ăn tết ở ghe cùng giới ghe hàng cùng cảnh ngộ, khi năm hết Tết đến, vào chiều ba mươi nấu mâm cơm bày ra sạp ghe cúng rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Dù mỗi người một hoàn cảnh, một xứ sở nhưng khi neo đậu gặp nhau ở một bến sông trong những ngày này thì họ sống với trách nhiệm cộng đồng rất cao, họ thường kết nghĩa anh em bầu bạn, tri kỷ giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn. Vậy nên việc mua bán bằng ghe hàng là nét văn hoá sông nước cổ truyền sôi động mà sâu lắng tình người. Những ngày lênh đênh theo các ghe hàng xuôi ngược miền Tây, chúng tôi nghe biết bao chuyện bất trắc của đời thương hồ. Tuy sông nước rộng ít xảy ra tai nạn hơn giao thông trên bộ, nhưng cũng không ít hiểm nguy trước mũi ghe. Một phần vì ghe tàu thương hồ bình thường không thể thắng được nhanh như xe cộ và nguyên nhân lớn hơn là họ hay rong ruổi chạy mò trong đêm để kịp những phiên chợ lúc bình minh. Ngồi trò chuyện ông Thanh cho hay nhiều đoạn sông thường xuyên chảy xiết, đáy lưới giăng đầy và nhiều vỏ lãi chạy ẩu. Mấy lần ông đã đau lòng chứng kiến ghe thuyền bạn bè bị nhấn chìm trên sông. Với đời thương hồ, chiếc ghe không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là mái nhà, là nơi chốn đi về của cả gia đình. Mất nó hay phải rời nó, họ như bị mất tất cả. Những người đi ghe không chỉ có nỗi lo tai nạn mà còn sợ cả tình trạng trộm cắp, nhẹ là lấy hàng hoá, nặng là bọn chúng lấy phụ tùng máy chạy tàu. Những ngày lênh đênh theo ghe thương hồ, chúng tôi được nghe rất nhiều nỗi niềm duyên tình trên sông nước. Đời người dài theo những chuyến ghe ngược xuôi, chuyện tình duyên thường bị cách trở nhưng cũng nhiều lãng mạn và kết thúc đẹp. Với những chàng trai cô gái chọn đời sống sông nước, lấy ghe làm nhà thì chuyện tình cảm của họ cũng lênh đênh khó định như dòng sông. Duyên số đưa đẩy họ đến với nhau rồi thành đôi lứa kết quyện vào nhau ở nơi những con sông hội tụ ngã năm, ngã bảy. Cô Huỳnh Thị Thanh Thuỷ 19 tuổi con ông Huỳnh Văn Sáu tâm sự chuyện tình duyên: Ba má cô ngày xưa theo con nước mà đến với nhau, bây giờ đời cô cũng vậy. Một chuyến rong ruổi về chợ nổi phụng Hiệp ghe cô tình cờ neo đậu gần bên ghe người bạn. Những lời hỏi thăm chuyện bán buôn, những lần ánh mắt tình cờ chạm nhau, rồi một đêm trăng sáng hai người ngồi hai mạn ghe e thẹn tâm sự bâng quơ. Và cuối cùng họ đã đến với nhau. Đời thương hồ nếu không là những ngày neo đậu bận rộn bán buôn thì cũng là những chuyến rong ruổi đi tìm mua hàng khắp nơi. Đôi trai gái trẻ ít có dịp được ngồi bên nhau. Họ thề hẹn và trông đợi. Họ hy vọng vào duyên số. Chưa được rong ruổi nhiều trên những dòng kinh con rạch, chưa từng ăn cơm chợ uống nước sông như những thương hồ, nhưng tôi vẫn thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn, cơ cực mà họ phải cam chịu trên bước đường mưu sinh. Vào những ngày cuối năm lang thang trên những dòng sông, mặt nước dưới chân tôi vẫn xôn xao, vẫn ồn ào tiếng máy, vẫn sôi động nhịp sống trên những dòng kinh rạch hiền hoà. Tôi nghĩ rằng thời đại văn minh hiện đại đến đâu đi nữa thì ở ĐBSCL này giới thương hồ vẫn tồn tại phát triển trong đời sống cộng đồng dân cư sông nước miền Tây. Để sau những chuyến hàng xuôi ngược, họ mang những quả ngon miệt vườn, đặc sản nông thôn đến mọi miền đất nước và khi trở về sẽ đầy ắp tiếng cười, niềm vui… để câu ca “Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi. Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê” không còn là nỗi xót xa của những người trong cuộc. |
Thương hồ sông nước miền Tây
11