Hãy thử một lần đến Tây Bắc, thử cảm giác một mình chinh phục từng cung đường tuyệt đẹp. Những cung đường của sương rừng gió núi, của hoa, của rượu và của những nụ cười sơn cước. Để lặng đi trước cảnh núi non, để cảm xúc vỡ òa trên từng cung bậc của núi rừng; để đắm say với rượu ngô, thắng cố, và với tấm lòng của những con người vùng cao thật thà, chất phác…
Sau một chặng rong ruổi gần 300km từ Hà Nội, Sapa đã hiện ra trước mặt. tròn xuân, dường như Sapa đã quên mình vừa qua một kỳ băng giá để lộng lẫy khoe sắc với bạt ngàn hoa. Sapa đẹp bởi khí hậu trong lành, đẹp bởi những mảnh ruộng bậc thang mềm mại ngập ngừng đậu trong mây; đẹp bởi nụ cười sơn cước của những thiếu nữ chân chất, thật thà người Dao đỏ, Mông… đang xúng xính trong những bộ váy áo dân tộc đủ sắc màu, buổi sáng xuống chợ… Tất cả tạo nên một Sapa vừa hư vừa thực, một Sapa lung linh, huyền bí và quyến rũ đến mê hồn…
Từ Sapa, để sang xứ “ruồi vàng, bọ chó…” Lai Châu, phải vượt qua đèo Ô Quý Hồ dài khoảng 40km, một trong những con đèo dài nhất Tây Bắc, độ cao hơn cả đèo pha Đin. Vượt đèo Ô Quý Hồ cũng là vượt từ Đông sang Tây của dãy Hoàng Liên Sơn, mái nhà nước Việt. Đứng trên đỉnh đèo, nơi dân “phượt” bao giờ cũng dừng lại để cảm nhận cái khoảnh khắc “tay trái nắng, tay phải mưa” bên nóng, bên lạnh và nhìn xuống dưới thung lũng để thấy khung cảnh ngoạn mục vô cùng, trong phút chốc có cảm giác rằng mình cao hơn tất cả những quả núi kia. Đê mê, ngây ngất, tự hào. Chợt nghe gió lồng lộng thổi sau lưng, ngoảnh lại, lại thấy chập chùng núi là núi, cao thật là cao, trở lại với hiện tại, mình mới nhỏ bé làm sao, thấy tội nghiệp cho cái sự tự hào thoáng qua kia. Đường sang Lai Châu, qua Cổng trời Hoàng Liên, cao gần 2.000m so với mặt biển, thật hiểm trở với những đường cong zíc zắc, khiến run tay lái khi phải nép sát vào vách núi để tránh những chiếc xe hơi đổ đèo với tốc độ cao. Những dãy núi cao ngất với đám rễ cây chằng chịt, bên kia là những dãy taluy chênh vênh trên thung lũng sâu thăm thẳm. Mây. Mây đặc quánh cuồn cuộn trôi, ẩn hiện vài mái nhà của người Mông chênh vênh trên triền dốc. trên đỉnh đèo Hoàng Liên, trời bỗng nổi cơn vần vũ, những cành cây khẳng khiu trơ trụi lá bỗng nổi lên trên nền mây trắng, trông như bức tranh thủy mặc cổ xưa. Những khung ảnh màu mới đây bỗng trở thành trắng đen trước sự đỏng đảnh của tiết trời mùa xuân Tây Bắc. Lai Châu, đi để mà yêu, mà thương nơi chon von đỉnh biên miền “ven trời Tây Bắc”; vùng đất đẹp đến lạ lùng nhưng cũng thương khó đến lạ lùng. Những phong Thổ, Than Uyên, Mường Lay, Mường Nhé, Shìn Hồ… núi chạm mắt và rừng xanh âm bản. Và đôi lúc là một không gian khoáng đạt hiện ra, xanh ngắt suối, trong veo trời và vàng mê vàng mải những sắc hoa… Những bản làng hoang sơ, những khoảnh khắc của cái nghèo làm ta nhói lòng rồi bật khóc. Đi để thấy biên viễn xa xôi, để một lần đứng bên ngã ba sông 8 bờ sông – ngã ba Nậm Lay, Nậm Na, Nậm Tè (ba nhánh của sông Đà khi nó chảy qua vùng Mường Tè), để khắc khoải nỗi cô đơn của kẻ độc hành, để vời vợi mênh mang một nỗi buồn lữ khách, để ngoái lại thấy đường về xa ngái… Chặng Lai Châu – Điện Biên là những cung đường, những dốc đèo, những khúc cua hiểm trở. Những chiếc cầu treo chênh vênh bên hai bờ sông đục ngầu bọt nước. Qua thị xã Lai Châu (cũ) một đoạn không xa là cầu Hang Tôm, chiếc cầu treo dây văng bê tông rêu phong bắc ngang dòng sông Đà, chơ vơ giữa núi rừng. Đứng trên mỏm cao, nhìn xuống sông Đà nơi thượng nguồn, trông giống như dải lụa đào mềm mại. trông xa thì thế, còn lại gần, sự hung dữ của Đà Giang như cụ Nguyễn miêu tả trong “Người lái đò Sông Đà” là hiện hữu. Nhưng, chỉ vài năm nữa, du khách đến đây sẽ không còn được nhìn thấy cây cầu này: lòng hồ thủy điện Sơn La sẽ nhấn chìm thị xã Lai Châu (cũ) và một phần của tỉnh Sơn La, Điện Biên. Từ Lai Châu về Điện Biên, cái lạnh của mùa xuân xứ Tây Bắc vẫn thấm đẫm hành trình. Cái lạnh thấm qua những lớp áo, bò lên ngực, chui cả vào găng tay đang nắm chặt ghi đông xe máy. Đào muộn vẫn lác đác hoa, trên cành những búp non đã chuyển màu xanh đậm. Màu đào muộn hồn thắm càng làm say lòng du khách khi hiện trên đôi má của những cô gái người Mông du xuân trong cái lạnh của đất trời… Tây Bắc, vẫn còn nhiều bản làng giữ nguyên được giá trị văn hóa. La pán Tẩn, Dé Su phình, Tú Lệ… có những ngôi nhà lợp mái bằng gỗ pơ mu có thời gian hàng trăm năm, rêu phong phủ kín. Nếu dư dật thời gian và có cảm hứng khám phá; từ phong Thổ, bạn có thể lang thang lên Mù Căng Chải (Yên Bái); Quần thể ruộng bậc thang ở địa danh này đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Nhiều người cho rằng ruộng bậc thang Mù Căng Chải chỉ đẹp vào khi lúa chín, nhưng không hẳn thế, những biến thiên sắc màu của Mù Căng Chải tạo cho nó vẻ đẹp dị biệt mỗi mùa…
trên đường về, thị xã Nghĩa Lộ xinh xắn nằm bên cánh đồng Mường Lò mênh mông. Gạo Mường Lò mà ăn cùng cá suối Nậm Thia thì ngon tuyệt. Cũng đường này, ta ghé Tú Lệ, vùng quê mang tên một người con gái đẹp. Ta sẽ không khỏi ngẩn ngơ trước thung lũng vàng, thấp thoáng những nếp nhà sàn của người Thái. Nằm lọt thỏm giữa ba ngọn núi cao là Khau phạ, Khau Thán và Khau Song, Tú Lệ được ví như nàng tiên vì vùng đất này đang gìn giữ một đặc sản nổi tiếng: nếp Tú Lệ. trong bữa trưa mời khách phương xa có nắm xôi dẻo quánh và cháo cốm vịt xanh béo ngậy từ hạt nếp. Nhưng chưa hết, Tú Lệ còn là “miền gái đẹp”. Chiều chiều, bên dòng nước nóng Nậm Tăm, khúc chảy qua Tú Lệ, các cô gái Thái xuống chải tóc để bờ vai trắng nõn. Vẻ đẹp nguyên sơ pha chút hoang dã khiến biết bao người chẳng quản công tìm đến… Qua Tú Lệ, về xuôi, ta cũng chẳng thể quên nỗi vương vấn của hương chè, giọng chè Suối Giàng thơm lừng, chát ngọt nức tiếng khắp muôn nơi. Suối Giàng mang ý nghĩa con suối trời cho, đồng thời là địa danh của vùng cao nguyên quanh năm sương mù giăng kín. Nhờ thế hàng ngày chè được ngậm sương núi và sau khi hái về, chế biến thủ công, búp chè thường có lông tơ trắng, tự tỏa hương nên gọi là chè tuyết… Tây Bắc, hết một vòng cung. Về xuôi, chợt nhận, trời đã muộn xuân. Chợt nhớ đến cái tên Mường Tiên mà nhà thơ Lò Ngân Sủn đặt cho Tây Bắc: Tây Bắc mùa Đông Mây phủ kín trời, kín đất Tình yêu ấp ủ, bập bùng bên những ngọn lửa Tây Bắc mùa hè Đất trời mở xòe như một ô xanh trong lành mát mẻ Du khách đi đến dập dìu như hoa chợ phiên Tây Bắc đẹp như một Mường Tiên… Tôi nhớ một ai đó đã nói rằng cảm giác chinh phục đến với mỗi người không phải là cái đích cuối cùng chúng ta chạm đến mà là sự cảm nhận trong suốt cả chặng đường mà ta đến cái đích đó. Tây Bắc là như thế… |
Về xứ sở sương rừng, gió núi
1
previous post