Trang chủ » Khắc phục tình trạng san lấp vùng trũng và kênh, rạch ở TP Hồ Chí Minh

Khắc phục tình trạng san lấp vùng trũng và kênh, rạch ở TP Hồ Chí Minh

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Thời gian qua tại Tp Hồ Chí Minh do nhu cầu đất xây dựng nhà ở tăng, đã san lấp nhiều vùng trũng, kênh rạch, nơi chứa nước mưa và nước thủy triều, gây ngập lụt ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống người dân. Để hạn chế ngập lụt, cần có sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, nhà khoa học và người dân.

Công ty Cổ phần đầu tư Tấn Hưng đóng cột
điện lấn sông Chợ Đệm, Bình Chánh, Tp HCM.

 

Tại Tp Hồ Chí Minh những năm gần đây tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng, tăng cả về số điểm ngập, cường độ ngập cũng như thời gian ngập. Số liệu thống kê cho thấy, năm 1980 cả thành phố chỉ có 10 điểm ngập. Sau 30 năm, tăng lên gần 200 điểm và cứ đà này nếu không có biện pháp giải quyết triệt để thì tương lai không xa toàn thành phố sẽ ngập mỗi khi triều lên.  

 

Về cường độ ngập, trước năm 1999, đỉnh triều cao nhất đo được ở trạm phú An là 1,36m và chỉ xảy ra hai lần/năm, thì nay triều cường thường xuyên từ 1,42 m đến 1,50 m. Hai năm 2008 – 2009, đỉnh triều vọt lên ở mức 1,54m và 1,56m, kéo dài trong sáu ngày, gây ngập trên 100 tuyến đường với mực nước từ 20-55cm, có nơi hơn 80cm, là đỉnh triều cao nhất trong vòng 50 năm qua.

 

Đáng báo động là tình trạng ngập lụt ngày càng lan rộng. Hiện nay đã có 154/322 phường, xã bị ảnh hưởng nặng nề, làm gần 11.000 ha đất không thể canh tác, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hàng triệu người dân thành phố. Tại quốc lộ 13, khu cư xá Thanh Đa, đường D2, khu Văn Thánh, khu biệt thự An phú, An Khánh, Hiệp Bình Chánh, quận 4, quận 8… hàng nghìn căn nhà do nền nhà thấp hơn mặt đường cả mét nên luôn trong tình trạng ngập nước, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Theo anh Huỳnh Văn phúc cư ngụ tại số 294/83 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, khoảng 5-6 năm trở lại đây năm nào gia đình cũng phải nâng nền nhà, hiện tại cửa sổ đã gần sát mặt đường nhưng vẫn ngập.

 

 Giải thích về tình trạng ngập lụt tăng, cơ quan chức năng cho rằng, do biến đổi khí hậu, nhiệt độ tăng, nước biển dâng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới đây của các chuyên gia trường Đại học Bách khoa Tp Hồ Chí Minh cho thấy, mực nước biển đo được ở Vũng Tàu suốt thời kỳ 1990-2007 hầu như không tăng, trong khi đó, mực nước sông Sài Gòn đo ở phú An tăng gần gấp đôi, 1,45cm/năm và Nhà Bè tăng 1,17 cm/năm.

 

GS Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghệ Tp Hồ Chí Minh khẳng định, chính sai lầm trong quá trình đô thị hóa, cụ thể là các vùng trũng là những hồ điều hòa tự nhiên ở Nam Sài Gòn, các kênh rạch nội, ngoại thành bị lấn chiếm san lấp không thương tiếc đã tác động trực tiếp đến ngập lụt đô thị.

 

Theo nguyên lý “vật chiếm chỗ” mà các nhà khoa học đưa ra, khi dìm một mét khối vật cứng vào bể nước đầy, thì đúng một mét khối nước của bể đó tràn ra ngoài. Như vậy, khi dùng hàng triệu mét khối đất, cát san lấp 2.600 ha xây dựng khu đô thị Nam Sài Gòn, khu đô thị phú Mỹ Hưng, hơn 6.300 ha đất làm các khu công nghiệp và hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp để làm nhà ở…, số đất, cát này đã “vô tình” chiếm chỗ của hàng triệu mét khối nước và đẩy lượng nước này về phía thượng lưu, gây ngập diện rộng nội ô thành phố là dễ hiểu. Cứ đà này, khi san lấp hơn 4.500 ha để xây dựng khu đô thị cảng Hiệp phước, khu đô thị mới Thủ Thiêm…thì nội ô Tp Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ ngập nặng hơn.

 

Cùng với việc san lấp vùng trũng, cơ quan chức năng cho biết, từ 1990 đến 2009, hàng trăm ha kênh rạch tại thành phố cũng bị các tổ chức, cá nhân san lấp làm dự án bất động sản, theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, càng “góp phần” làm cho tình trạng ngập lụt tại Tp Hồ Chí Minh ngày càng trầm trọng hơn.

 

Điển hình là Công ty liên doanh phú Mỹ Hưng, san lấp trái phép 45.000m2 rạch Ông Kích, quận 7. Hiện nay, khoảng 15 ha rạch trên tổng diện tích 17,7 ha kênh rạch tự nhiên tại khu tứ giác xa lộ Hà Nội – Lương Định Của – trần Não – Liên tỉnh lộ 25 và Rạch Cá trê, là con rạch lớn tại quận 2 đã bị Công ty Caric san phẳng để xây dựng dự án nhà ở. Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức san lấp trái phép làm hành lang bảo vệ rạch Nước trong với diện tích 5.000m2. Công ty Cơ khí xây dựng công trình 623, quận Thủ Đức cũng lấp rạch, kè bờ bằng bêtông cốt thép dài hơn 100m, rộng hàng chục mét tại con rạch dẫn ra sông Sài Gòn. Công ty cổ phần Đức Thành, huyện Bình Chánh lấp toàn bộ 12.300m2 rạch trong khu đất 40,82ha để xây dựng khu dân cư Hưng Long. Công ty cổ phần đầu tư Tấn Hưng dùng cột điện kè lấn bờ sông chợ Đệm, huyện Bình Chánh, rộng 5 m, dài hơn 400m.

 

trong khu vực nội thành, nhiều kênh, rạch, như rạch Cầu Sơn, Văn Thánh (Bình Thạnh), rạch Bà Miên (Gò Vấp) và kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đang được kè bờ bê tông ra hàng chục mét làm giảm diện tích mặt nước, thu hẹp dòng chảy dẫn đến khả năng thoát nước chậm hơn. Hậu quả của việc san lấp vùng trũng, kênh rạch làm nước thủy triều đẩy sâu về thượng nguồn, luồn qua hệ thống thoát nước, khi lên thì mạnh, khi rút thì chậm, gây ngập nặng, ngập lâu cho khu vực nội ô thành phố.

 

Vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất là khu vực Bùng binh Cây Gõ- Tân Hóa Đông- Lò Gốm, quận 6, phần lớn quận Bình Thạnh, Ngã tư Bốn Xã, khu vực kênh Ba Bò, quận Thủ Đức…, có nơi ngập sâu từ 0,3-0,6 m, kéo dài từ 6-18 giờ. Nhiều người dân sống tại đường phạm Thế Hiển, quận 8, cho biết, tháng cao điểm khu vực này ngập đến 20 ngày, sâu hơn nửa mét.

 

Để giải quyết tình trạng ngập lụt ở diện rộng và kéo dài, thành phố đã chi ra hàng chục nghìn tỷ đồng cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước đô thị. Tuy nhiên, dự án này thiết kế thấp hơn mức triều cường hiện tại nên khi hoàn thành sẽ khó phát huy tác dụng, do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét tính hợp lý về quy hoạch tổng thể phát triển đô thị ở những vùng quá thấp, trũng ở phía Nam, Tây Nam thành phố, đồng thời khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống thoát nước đô thị, dựa trên nguyên lý cân bằng nước lưu vực.

 

Đối với các khu vực đã phát triển như phú Mỹ Hưng, Nam Sài Gòn, thành phố cần khẩn trương có biện pháp cải tạo, xây dựng thêm các hồ chứa nước để cân bằng lượng nước so với lượng đất, cát đã san lấp làm nền. Ở các vùng đất thấp, cần xây dựng hồ điều hòa dạng chìm chứa lượng nước chưa kịp tiêu thoát, sau đó khi triều rút thoát nước tự chảy. Xây dựng các hồ sinh thái-điều hòa ở nơi thường xuyên ngập của thành phố.

 

Ngoài ra đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án xóa ngập, giảm ngập và các phương án giảm ngập tạm thời tại các khu vực ngập trọng điểm trên địa bàn thành phố. Thường xuyên duy tu, nạo vét kênh rạch, hệ thống thoát nước. Tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp san lấp, lấn chiếm trái phép kênh rạch thoát nước và triển khai chương trình kiểm soát các điểm ngập.

 

Điều chỉnh chính sách sử dụng đất đô thị. Xác định đúng đắn, hợp lý các mục đích sử dụng đất đô thị. Các khu vực được qui hoạch là khu dân cư, công trình công cộng đều phải được giám sát chặt chẽ. Khôi phục lại các khu vực trũng thấp, ao hồ tự nhiên trong đô thị, nơi có chức năng lưu chứa nước mưa, lưu giữ nước khi có triều cường lớn nhằm giảm nguy cơ gây ngập lụt.

 

Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia cùng cơ quan nhà nước vào việc hoạch định, phát triển đô thị cũng như giám sát công tác quản lý, xác định đúng nguyên nhân và tìm giải pháp hợp lý giải quyết ngập lụt.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.