Cách thức quản lý “trên bảo dưới không nghe”, sự xung đột lợi ích cũng như kiểu phát triển theo phong trào khiến tình trạng quy hoạch “treo” ở ngành thép ngày càng trở nên trầm trọng.
Tiến trình công nghiệp hóa đòi hỏi phải tuân thủ chặt chẽ các quy hoạch phát triển ngành để tránh sự chồng chéo, lộn xộn. Thế nhưng, trên thực tế, tình trạng phá vỡ quy hoạch hoặc quy hoạch “treo” đang diễn ra. Cách thức quản lý “trên bảo dưới không nghe”, sự xung đột lợi ích cũng như kiểu phát triển theo phong trào khiến tình trạng này ngày càng trở nên trầm trọng. Ngành thép là một ví dụ điển hình. Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007 – 2015, có xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 145/2007/QĐ-TTg ngày 4/9/2007. Tính đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện, thực tế ngành thép đã cho thấy tình trạng phá vỡ quy hoạch ở nhiều địa phương. Theo kết quả thanh tra mới đây của Bộ Công thương, số dự án thép đăng ký ở Bà Rịa – Vũng Tàu đã lên tới 17 dự án, với công suất 3,75 triệu tấn thép luyện/năm và hơn 10 triệu tấn thép cán/năm. Hiện trạng này cho thấy số dự án thép đang được triển khai đã vượt quá quy hoạch ngành thép giai đoạn 2007-2015, có xét tới năm 2025. Bà Rịa – Vũng Tàu có tới 7 dự án thép nằm ngoài quy hoạch. Điều đáng nói là Bộ Công thương và ngành công thương địa phương lại không nắm được việc cấp phép các dự án này, vì các dự án đều do Ban quản lý các khu công nghiệp kiểm soát. Tính đến thời điểm hiện tại, công suất của các nhà máy thép tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã đứng trước nguy cơ dư thừa. trong khi đó, có những dự án sản xuất thép chất lượng cao phục vụ công nghiệp đóng tàu và những ngành công nghiệp nặng khác lại chưa triển khai xong. Nếu vì tình trạng vượt quá quy hoạch mà phải đình lại thì sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thép chất lượng cao. Bà trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị Bộ Công thương xem xét lựa chọn những dự án phù hợp. Theo số liệu kiểm tra cuối năm 2009 của Bộ Công thương, hiện nay có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó Bà Rịa – Vũng Tàu có 7 dự án, Hải phòng có 5 dự án, Thanh Hóa và Hải Dương có 4 dự án, Hà Tĩnh 3 dự án… Có 2 dự án ở Quảng Ninh và Hà Nam đã đưa vào sản xuất và 3 dự án ở Hải phòng, Thanh Hóa đang hoàn thiện. trong 32 dự án này có 3 dự án Nhà máy thép liên hợp quy mô lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, 5 dự án quy mô vừa đã được Bộ Công thương có ý kiến thỏa thuận. Việc bùng nổ các dự án thép như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa công suất mà từ cách đây vài năm, Hiệp hội Thép đã từng lên tiếng cảnh báo. Hiện tại, tổng công suất cán thép xây dựng vượt gần 2 lần công suất luyện, 80% sản lượng phôi thép hiện nay được sản xuất từ thép phế liệu. Dư thừa công suất sản phẩm dài dẫn đến việc sử dụng công suất cán thép đạt khoảng 60-70%. Điều đáng nói, nhiều nhà đầu tư thép – kể cả chủ những dự án liên hợp lớn không phải là những nhà luyện kim có uy tín và kinh nghiệm trên thế giới, thậm chí có tập đoàn không chứng minh được năng lực tài chính hùng mạnh. Chưa kể, một số doanh nghiệp không chuyên về thép cũng đầu tư vào các dự án thép. Ông phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam – cho rằng cần xiết chặt việc thực hiện đúng quy hoạch để tránh lãng phí. phân tích về tác động của việc phá vỡ quy hoạch đến kinh tế và môi trường, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nguyên nhân của tình trạng phá vỡ quy hoạch thép chính là sự chồng chéo trong chức năng quản lý của các đơn vị tại địa phương. Ví dụ ở Bà Rịa – Vũng Tàu, cơ quan cấp giấy phép đầu tư các dự án thép là Ban quản lý các khu công nghiệp, trong khi đó đơn vị thực hiện triển khai quy hoạch thép lại là Sở Công thương. Sự chồng chéo ấy còn thể hiện ngay ở những văn bản pháp luật. Theo Luật Đầu tư thì việc một số địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép không xin chủ trương của Chính phủ với các dự án thuộc nhóm B và C với mức vốn nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng là không sai. Nhưng theo Luật Xây dựng và Nghị định 16/2005/NĐ – Cp hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng thì đối với các dự án nhóm B chưa có trong Quy hoạch ngành thì trước khi lập dự án phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch. phá vỡ quy hoạch thép có thể gây ra những hậu quả khó lường mà rõ rệt nhất là về môi trường. Ở châu Âu, để sản xuất được 1 tấn thép phải thải ra môi trường 1,7 tấn khí CO2; ở Việt Nam cứ làm ra được 1 tấn thép, môi trường lại phải chịu 2,9 tấn khí CO2. Xử lý xỉ thép thải ra trong quá trình sản xuất cũng là một vấn đề nan giải đối với ngành thép nước ta hiện nay. Ngoài ra, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc nhập khẩu công nghệ sản xuất thép có thể sẽ biến Việt Nam trở thành một bãi rác phế thải, và một thị trường nhập khẩu công nghệ bẩn. Thực tế, công nghệ mà các dự án dưới 1.500 tỷ đồng thực hiện hầu hết đều nhập từ trung Quốc và lại là những thiết bị mà nước này cấm lưu hành vì kém hiệu quả và đặc biệt gây ô nhiễm môi trường. phá vỡ quy hoạch cũng khiến ngành thép phải đối mặt với một nguy cơ khác: thiếu nhân lực nghiêm trọng. Đây là những yếu tố cần cân nhắc kỹ khi Bộ Công thương xem xét các dự án thép./.
|
Quy hoạch và phát triển nhìn từ ngành thép
1
previous post