Thượng tá Nguyễn Đình Bính. Ảnh: Hoàng Anh. |
– Sau vụ cháy chung cư JSC, nhiều cư dân rất lo lắng. Ông nói gì về công tác phòng cháy chữa cháy tại các cao ốc của Hà Nội hiện nay?
– Thành phố hiện có 364 nhà cao tầng đã đưa vào sử dụng. Có thể nhiều hơn nữa vì có những tòa nhà đang trong giai đoạn hoàn thiện hoặc chưa được nghiệm thu. trong số này có 247 nhà chung cư, 34 nhà vừa làm chung cư vừa làm văn phòng, 47 văn phòng, 17 khách sạn và 16 nhà đa năng (văn phòng, khách sạn, cửa hàng, trung tâm thương mại).
Tất cả tòa nhà cao tầng trước khi đưa vào sử dụng đều được nghiệm thu và phải đảm bảo thực hiện đúng luật phòng cháy chữa cháy như ban hành nội quy thoát nạn; thành lập lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ, được huấn luyện sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy; bảng kê theo dõi phương tiện chữa cháy; lập phương án chữa cháy…
Tuy nhiên, hiện nay chỉ có hơn 200 nhà cao tầng lực lượng phòng cháy tại chỗ vận hành trơn tru các phương tiện cứu hỏa. Nhiều tòa nhà cao tầng nội quy chưa được hoàn thiện, lực lượng phòng cháy cơ sở (tại chỗ) còn mỏng và yếu. Cá biệt có ngôi nhà lực lượng phòng cháy chữa cháy chưa sử dụng thành thạo các phương tiện.
Ngoài ra, hệ thống phòng cháy chữa cháy xuống cấp một cách nghiệm trọng, không được duy tuy bảo dưỡng, sự hợp tác của một số hộ dân sống trong những tòa nhà đó chưa được tốt. Họ để những chướng ngại vật ra hành lang, cầu thang thoát nạn hoặc những vật cản trở ở nơi chữa cháy. Khi có cháy, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
– Theo ông nói, trước khi đưa vào sử dụng, các tòa nhà cao tầng đều được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, vậy tại sao chung cư JSC vẫn xảy ra hỏa hoạn giữa ban ngày?
– Một vụ cháy xảy ra trước hết phải xem xét ý thức trách nhiệm của cư dân, cơ quan quản lý tòa nhà rồi mới đến cơ quan quản lý nhà nước. Vụ cháy tòa nhà JSC lỗi do ai, lãnh đạo công an thành phố đã giao cho cơ quan điều tra làm rõ. Hỏa hoạn xảy ra dứt khoát phải có lỗi ở nơi nào đó. Nếu tuân thủ tốt quy định làm sao có thể xảy ra hỏa hoạn.
Tầng 17 tòa nhà JSC sau vụ cháy chiều tối 10/3. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
– trong vụ cháy tòa nhà JSC nhiều người dân than phiền về thiết bị chữa cháy của cảnh sát, cụ thể là việc xe thang không thể với tới tầng 17, 18. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu có hỏa hoạn ở tòa nhà trên 20 tầng?
– Đúng là lực lượng trang thiết bị phòng cháy chữa cháy của thủ đô còn yếu và thiếu. phương tiện hiện nay chỉ có thể chữa cháy được từ tầng 10 trở xuống. Toàn thành phố mới có một xe thang 52 mét, 2 xe thang 32 mét và gần 50 chiếc chuyên dụng (xe thang, chữa cháy và chở nước).
Chúng tôi đã báo cáo Bộ Công an và UBND thành phố để nâng cao trang thiết bị cho lực lượng cứu hỏa, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong các tòa nhà cao tầng. Theo tôi, trong tương lai, mỗi quận huyện phải có một đội phòng cháy chữa cháy riêng, chứ hiện nay 29 quận, huyện chỉ có 9 đội. Con số này quá ít.
– trong vụ cháy JSC, nhiều cư dân đã thoát nạn bằng cách đắp khăn lạnh hoặc chui vào nhà vệ sinh. Theo ông, đâu là cách xử lý tốt nhất khi hỏa hoạn tấn công cao ốc?
– Với lượng khói nhiều, người dân nên lấy khăn hay mảnh vải nhúng nước bịt vào mùi, bò dưới mặt sàn rồi nhanh chóng đến khu vực thoát hiểm gần nhất. Nếu không đắp khăn ướt nạn nhân sẽ bị ngạt khói.
trong một số vụ cháy, cách chui vào nhà vệ sinh để tránh lửa chưa phải là tốt bởi oxy chiếm dưới 16% thể tích không khí sẽ gây suy hô hấp. Đã suy hô hấp là bị tê liệt thần kinh, người lúc đó sẽ bồng bềnh và không biết gì.
Với những trường hợp như chập điện, hở bình ga… có nguy cơ gây cháy nổ, chúng tôi cũng đã có văn bản cảnh báo gửi đến các cơ sở để họ phổ biến cho người dân nắm rõ.
Theo thượng tá Nguyễn Đình Bính, phó trưởng phòng phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an Hà Nội, nhà cao tầng được xác định là nhà có 10 tầng từ mặt đất trở lên. Nguyên nhân cháy tại tòa nhà JSC cao 18 tầng được xác định ban đầu trùng với nguyên nhân vụ cháy tòa nhà 13 tầng tại 25 Vũ Ngọc phan hồi tháng 6/2009, đều do người dân đưa vật liệu dễ cháy vào thùng rác. |
Hoàng Anh thực hiện