Đây là thông điệp được các nhà quản lý và sản xuất VLXD đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Từ vật liệu và công nghệ xây dựng thông minh tới phát triển đô thị bền vững” do Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ phối hợp tổ chức ngày 16/3 tại Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Quan điểm Theo các chuyên gia, việc thiết kế và xây dựng các tòa nhà, các công trình xây dựng và công nghiệp mang tính bền vững có tác động quyết định đến môi trường, tới nền kinh tế và tới người sử dụng công trình không chỉ trong một vài năm mà trong cả tương lai lâu dài. Tại hội nghị về phát triển đô thị bền vững ở Berlin (Đức) năm 2000, các chuyên gia thống nhất khái niệm phát triển đô thị bền vững là “Nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị bao hàm việc phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội và hài hòa môi trường sinh thái mà không để lại gánh nặng cho thế hệ mai sau. Gánh nặng ở đây được hiểu là hậu quả của các khoản nợ khổng lồ và cạn kiệt tài nguyên. Mục tiêu hướng tới của chúng ta nhằm hướng tới sự cân bằng trong sử dụng tài nguyên và năng lượng với tiềm năng tài chính thể hiện vai trò quan trọng của nó trong việc ban hành các chính sách về phát triển đô thị của mỗi quốc gia”.
trong định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhấn mạnh: “phát triển ổn định, bền vững, trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái để xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật ở cấp độ thích hợp hoặc hiện đại hóa, theo yêu cầu khai thác, sử dụng và chiến lược phát triển của mỗi đô thị” đòi hỏi sự huy động năng lực của toàn xã hội đảm bảo tính bền vững về mọi mặt cho tương lai”. Vì vậy, trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo của mình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn trần Nam nhấn mạnh: Thực tế “phát triển bền vững” trên bình diện thời gian được coi là “phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến nhu cầu của thế hệ tương lai”. Việc đảm bảo đa dạng chủng loại, nâng cao chất lượng các loại VLXD cũng như lựa chọn các công nghệ xây dựng hiện đại không những đảm bảo yêu cầu về quy chuẩn xây dựng, kết cấu xây dựng, thiết kế kiến trúc, mà còn đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên trong xây dựng công trình hiện tại và giảm thiểu tiêu hao năng lượng trong khai thác vận hành công trình trong tương lai.
Từ lãng phí tài nguyên Theo ông phạm Văn Bắc – phó vụ trưởng Vụ VLXD, để sản xuất 1 tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 triệu m3 đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150 nghìn tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2 – gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục sử dụng vật liệu đất sét nung sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia; đồng thời tiêu tốn nhiên liệu (than) và tác động xấu đến cảnh quan môi trường. Vì vậy, việc thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu xây không nung (VLXKN) sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế – xã hội; tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải… Vì vậy, đã đến lúc cần phải thay thế gạch đất sét nung bằng VLXKN.
Đến hạn chế sản xuất Nhận thức được vấn đề, những năm qua, nhiều DN trên cả nước đã đầu tư cải thiện quy trình sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường như chuyển từ nung gạch thủ công sang công nghệ lò tuynen, lò đứng liên tục, lò hoffmann, lò vòng… hoặc chuyển sang sản xuất VLXKN để tiết kiệm tài nguyên. Tuy nhiên do nhận thức trong xã hội về sử dụng VLXKN còn hạn chế nên vẫn chưa được nhân rộng, chưa đạt mục tiêu đã đề ra. Nguyên nhân là do chưa có kinh nghiệm sử dụng VLXKN (thiếu các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quy phạm thi công – nghiệm thu, định mức tiêu hao cho một khối xây VLXKN…); một số ưu điểm, nhất là tính chất nhẹ, cách nhiệt của một số VLXKN chưa được các nhà thiết kế, chủ đầu tư… khai thác. Do chưa xây dựng được thị trường tiêu thụ VLXKN một cách bài bản nên đầu tư công nghệ chưa tương xứng, dẫn đến năng suất thấp, đương nhiên là giá bán sẽ cao khiến người tiêu dùng không chấp nhận! Chính vì lẽ đó nên mặc dù cả nước hiện nay có khoảng 800 cơ sở sản xuất VLXKN, nhưng tổng công suất mới đạt 1,6 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm, chiếm 8% tổng số vật liệu xây. Bên cạnh đó, do thiếu quy hoạch và manh mún, nên đến nay hiệu quả kinh tế của VLXKN còn nhỏ bé, chưa phát huy được thế mạnh mà xu thế chung thế giới đang sử dụng. Ngay cả giới KTS – những nhà thiết kế công trình – nhiều người cho rằng nếu chủ đầu tư không yêu cầu thì vẫn thiết kế sử dụng vật liệu xây truyền thống cho “nhẹ người”! Vấn đề này, TS. KTS Lê Thị Bích Thuận – phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị và Nông thôn chia sẻ: Khó khăn là chúng ta thiếu thể chế để quản lý và động viên các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm cũng như xử phạt các công trình thiết kế không đảm bảo yêu cầu tiết kiệm, mặc dù Chính phủ đã có Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các dự án về sử dụng năng lượng có hiệu quả trong các lĩnh vực.
Chính sách Vấn đề đặt ra là để thay thế gạch đất sét nung bằng VLXKN cần một nguồn vốn đầu tư không nhỏ, rất khó cho các cơ sở sản xuất nhỏ. Riêng vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất (chỉ tính riêng nhà xưởng và thiết bị) nhu cầu vốn đầu tư phát triển sản xuất VLXKN của cả nước khoảng 5.200 – 6.500 tỷ đồng. trong đó dự kiến nguồn vốn vay ưu đãi là 70%, tức khoảng 3.650 – 4.500 tỷ đồng. Ngoài ra, để giải quyết các vấn đề về nghiên cứu, hướng dẫn sản xuất và sử dụng, xây dựng tiêu chuẩn, thông tin tuyên truyền, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đào tạo… Nếu tính chung cho cả chương trình từ 2010 đến 2020 dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 19 triệu tấn xi măng, tiêu hao gần 200 triệu tấn nguyên liệu khác mà chủ yếu là phế thải. Hiện Bộ Xây dựng đang xây dựng chính sách cụ thể về sử dụng VLXKN vào công trình xây dựng. Theo đó, đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách, từ năm 2011, các công trình xây dựng tại các đô thị loại 2 trở lên bắt buộc phải sử dụng ít nhất 50% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000kg/m3) trong tổng số vật liệu xây. Từ năm 2015, các công trình xây dựng tại các đô thị bắt buộc phải sử dụng ít nhất 50% VLXKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây. Đối với các công trình sử dụng nguồn vốn khác, từ năm 2016 trở về sau, các công trình xây dựng tại các đô thị bắt buộc phải sử dụng ít nhất 30% VLXKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây… phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN sẽ góp phần bảo vệ đất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá ngành Xây dựng và đem lại hiệu quả kinh tế chung cho DN và xã hội. Vì vậy ngoài một chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng thì việc ban hành các quy định về chất lượng cũng như tuyên truyền để người dân tin dùng là không thể thiếu.
|
Hãy để dành tài nguyên cho tương lai !
3
Bài trước