Có một thực tế là các dự án nhiệt điện dùng than trong nước thường bị chậm tiến độ khi triển khai xây dựng. Vì sao? Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong những chủ đầu tư dự án nhiệt điện dùng than đã trải qua nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng. Theo ông Nguyễn Đức Thảo – trưởng ban phát triển các dự án điện TKV, thì suốt quá trình từ lập quy hoạch đến xây dựng có rất nhiều khâu và khâu nào cũng có thể gây ra chậm trễ. Chẳng hạn như khâu thiết kế kỹ thuật, nếu là nhà thầu trung Quốc thì thiết kế được thực hiện theo chuẩn của trung Quốc. trong khi đó, Việt Nam chưa công nhận thiết kế của trung Quốc làm chuẩn mà phải theo chuẩn của thế giới. Do vậy, nhà thầu phải sửa thiết kế cũng tốn khá nhiều thời gian. Ông Thảo lấy ví dụ về sự chậm tiến độ 2 năm trời của Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê công suất 440MW. Một trong những nguyên nhân của sự chậm trễ này là do khi đánh giá tác động môi trường của dự án trình cơ quan chức năng thẩm định, chủ đầu tư mới phát hiện ra với những dự án dưới 600MW không có cơ quan nào phê duyệt. Vậy là TKV lại phải làm tờ trình xin được Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt, công đoạn này mất 9 tháng. Thực tế, có những quy định khi DN thực hiện mới phát hiện ra “lỗ hổng” và trình cơ quan chức năng bổ sung. trong triển khai thực hiện, GpMB là khâu tốn nhiều thời gian nhất. Dự án nhanh nhất cũng mất 1 – 2 năm, khó khăn thì phải tới 5 – 6 năm. Dự án nhiệt điện Mạo Khê là một ví dụ, khi thi công rồi vẫn còn 5 – 6 hộ không chịu di dời. Vì vậy, chủ đầu tư TKV đành phải tính đến phương án nếu họ nhất định không đi thì đành phải bỏ góc đó của nhà máy! Không chỉ các thủ tục đầu tư xây dựng dự án rườm rà, tốn thời gian mà ngay sự phối hợp của các bên liên quan cũng chưa chặt chẽ, nhịp nhàng. Chẳng hạn, chủ đầu tư cam kết với nhà thầu đến một thời điểm nào đó phải cấp điện cho nhà thầu chạy thử. Nhưng việc cấp điện lại phụ thuộc vào EVN. Vì lý do nào đó, EVN không cấp điện vào thời điểm như cam kết, việc chạy thử đành hoãn lại. Lúc đó chủ đầu tư đành phải lùi thời gian lại cho nhà thầu. Hay như việc cung cấp nhiên liệu để chạy thử nhà máy cũng chưa có quy định rõ ràng. Chủ đầu tư thường dồn phần này cho nhà thầu. Để tiết kiệm chi phí, nhà thầu thường hạn chế tối đa việc chạy thử. Do vậy, thời gian càng kéo dài ra. Hoặc chất lượng than thấp, nhiều tro cũng dẫn đến phải chạy đi chạy lại nhiều lần. Ở một số dự án như nhiệt điện Sơn Động, Cẩm phả nhà thầu được cấp nhiên liệu thì việc chạy thử nhanh hơn hẳn. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, vướng mắc trong quá trình thỏa thuận cung cấp than, chất lượng than nội địa thấp là yếu tố khó khăn cho nhà thầu thi công. trước hàng loạt khó khăn như vậy, các DN cho rằng, trong quá trình triển khai xây dựng nhà máy nhiệt điện, cơ quan chức năng nên để DN thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp một lúc để đỡ tốn thời gian. Hiện nay, nhiều DN muốn làm nhanh đành phải lách luật. Riêng với khâu thiết kế kỹ thuật, nếu đã chọn nhà thầu nước nào thì nên theo chuẩn thiết kế của nước đó. Đối với việc cung cấp nhiên liệu chạy thử, nên có cơ chế cụ thể hoặc khoán gọn rõ ràng. Và nên có cơ chế chính sách khuyến khích nhà thầu trong nước tham gia dự thầu các dự án nhiệt điện dùng than. |
Xây dựng các nhà máy nhiệt điện: Vì sao thường chậm tiến độ?
6