Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội có trên 50 nghìn m3 nước ngầm được hút lên từ lòng đất. Nguồn nước ngầm tại Hà Nội đang bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng.
Nhiều nhà khoa học cho biết, nguồn nước ngầm tự nhiên ở Hà Nội hiện có hàm lượng asen, amôni (NH4) trong nước quá cao. Điểm ô nhiễm asen đáng lưu ý là ở Đan phượng với mức 0,4 microgram/lít – cao hơn 40 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Một số khu vực ở Hà Nội cũng bị xếp vào diện phải báo động như khu vực Nam Dư thuộc huyện Thanh trì với những điểm ô nhiễm Hoàng Mai, Quỳnh Lôi… ở mức 0,1 – 0,2 (cao gấp 10 – 20 lần so với mức cho phép). Điểm đáng báo động nhất hiện nay là việc nước nhiễm amôni. Hàm lượng cho phép là dưới 1,5 mg/lít nhưng nhiều khu vực ở Hà Nội có mức nhiễm nặng, cao hơn 20 – 30 lần mức cho phép, như Hạ Đình, pháp Vân, Định Công, Kim Giang, Bạch Mai, Bách Khoa, Kim Liên, Quỳnh Mai. Về nguyên nhân dẫn đến việc nước ngầm Hà Nội bị nhiễm bẩn là do phải chịu quá nhiều lỗ khoan: khoan thăm dò, khai thác, lỗ khoan cho xây dựng và khai thác nước. Bị khai thác nhiều dẫn tới nước chảy mạnh, tốc độ thấm nước nhanh hơn kéo theo các chất bẩn ngấm vào nguồn nước và tình trạng lún cục bộ ở các khu vực. Giếng khoan của tư nhân sau khi không sử dụng đã không được lấp đúng cách khiến các chất độc hại theo đường giếng chui vào mạch nước ngầm cũng là nguyên nhân nước ngầm của Tp bị ô nhiễm. Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản báo cáo lên UBND Tp về kế hoạch cấp nước mùa hè 2010, theo đó, việc cung cấp nước mùa hè này sẽ gặp nhiều khó khăn. Do thời tiết khô hạn nên việc cấp điện không ổn định tác động tiêu cực đến việc sản xuất, cấp nước. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, nhiều khu đô thị mới đưa vào sử dụng… do vậy nhu cầu tăng, cần tiếp tục đầu tư các dự án về nguồn và mạng vì vậy cần có nguồn vốn rất lớn. trong bản báo cáo này cũng đã chỉ ra việc nguồn nước (nước ngầm) của Hà Nội ở trong tình trạng suy thoái và có dấu hiệu ô nhiễm gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Mực nước ngầm của cả khu vực Hà Nội hạ thấp, dự báo sẽ rất khó khăn trong công tác sản xuất, khai thác nguồn nước ngầm. Chính vì những nguyên nhân trên, trong hè 2009, tại 14 quận huyện (khu vực Hà Nội cũ) chỉ có hơn 64% số dân được cung cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung của Cty nước sạch. trong khi tỷ lệ đó tại Q.Hà Đông là trên 90%, thị xã Sơn Tây là 72%. trong 8 huyện của Hà Tây cũ, mới có 3 thị trấn của 3 huyện (Ba Vì, phúc Thọ và Thạch Thất) được cấp nước tập trung, còn lại cấp nước theo chương trình cấp nước nông thôn. Tại huyện Mê Linh, hiện nay vẫn chưa có mạng lưới cấp nước của Tp. Để đảm bảo chất lượng nước do Nhà máy nước sạch Vinaconex cung cấp, Sở Xây dựng đã kiến nghị lên UBND Tp chỉ đạo TCty Cp Vinaconex có biện pháp bảo vệ an toàn cho nguồn nước mặt sông Đà không bị xâm hại và ô nhiễm đầu nguồn. Đồng thời Sở cũng kiến nghị Tp sớm phê duyệt giá bán nước sạch của Cty TNHH MTV nước sạch Vinaconex và chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch phát huy hết công suất Nhà máy nước sạch Vinaconex (hiện nay đã tiêu thụ khoảng 80 – 100 nghìn m³/ngđ trên công suất 300 nghìn m³/ngđ). Nguồn nước ngầm là tài nguyên tái tạo nhưng không phải vô tận. Hiện nay ở nước ta việc quản lý khai thác nước ngầm vẫn rất lỏng lẻo. Đơn cử một quy định đơn giản là tư nhân khi tiến hành khoan giếng phải báo cáo UBND phường, xã, thế nhưng lâu nay vẫn mạnh ai nấy khoan. Đã đến lúc các ngành, các cấp cần quản lý chặt chẽ, đừng để người khai thác sử dụng nguồn nước coi là của trời cho, cứ vô tư sử dụng có thể dẫn đến những hậu quả khó lường. |
Nguồn nước ngầm Hà Nội: Đối mặt với nguy cơ cạn kiệt
5