trong khi dư luận đang bức xúc với việc Tp Hà Nội bỏ ra 50 tỷ đồng để “tô màu” mặt tiền tầng hai các ngôi nhà ở một số tuyến phố thì Tháp nước Hàng Đậu – công trình kiến trúc lịch sử văn hóa hơn 100 năm tuổi nằm tại ngã sáu khu vực trung tâm Thủ đô, nơi giao nhau của các con phố cổ: Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và đường phan Đình phùng – cũng đang bị “làm mới”.
Dự án “Cải tạo, chỉnh trang khu vực Tháp nước Hàng Đậu phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội” với các hạng mục trát vá, chỉnh trang ngoại thất tháp nước; làm mới cửa sắt, hoa sắt cửa sổ tháp nước; lợp mới mái tôn… Theo đó, toàn bộ lớp vữa cũ “được” đục bỏ và trát lại bằng vữa xi-măng; lớp gạch ốp cũ cũng “được” đục bỏ và ốp, trát lại… Hình khối và màu sắc tự nhiên của những viên đá cũ (do người pháp xây bằng đá phá Thành cổ Hà Nội từ năm 1894), cùng với màu bê-tông thô mộc làm nên tông màu cổ kính, kỳ bí của tháp nước cổ giữa Hà Nội sẽ không còn nữa. Tháp nước sẽ có hai màu xanh và trắng do quét sơn.
Mỗi công trình kiến trúc ở Hà Nội đều ghi những dấu ấn lịch sử, trở thành chứng nhân trong chặng đường phát triển của Thủ đô 1.000 năm tuổi. Việc tu bổ và cải tạo chỉ nên tiến hành khi công trình bị xuống cấp hay biến dạng và thực hiện trên cơ sở bảo tồn nguyên gốc. Tháp nước Hàng Đậu từng là nơi cung cấp nước cho cư dân nội thành Hà Nội, nhưng nhìn vào bản vẽ dự án, chẳng ai còn nhận ra “nhân chứng già nua nhưng vẫn tạo nên ấn tượng về sự cổ xưa của Hà Nội” (nhà sử học Dương trung Quốc) nữa, bởi nó được… “tô màu” xanh và trắng (!).
Chưa nói đến hàng chục ngôi chùa, đền thờ ở Hà Nội đã và đang “tu bổ, tôn tạo” theo hướng ốp lát gạch men sáng loáng từ sân cho đến trong nhà, đổ bê tông bệ thờ rồi cũng ốp lát gạch men… Giữa trung tâm Thủ đô, đền Ngọc Sơn bên cầu Thê Húc trên hồ Gươm treo rất nhiều đèn chùm lộng lẫy của trung Quốc ở giữa chính điện, vừa lạc lõng với kiến trúc đình chùa, vừa làm mất đi không khí trầm mặc, cổ kính của ngôi đền này. Còn Chùa trần Quốc vừa được cải tạo thì bố trí nhiều bộ bàn ghế gỗ ở hiên nhà giống như… quán cà phê. trong khi ngoài sân chùa, bên những bóng cây râm mát hay dưới tán cây bồ đề thì không có chỗ ngồi nào cho khách vãng cảnh chùa nghỉ chân…
Vừa qua, Hà Nội đã làm được nhiều việc có ý nghĩa, như giải tỏa khu vực 48 Hàng Ngang và 35 Hàng Cân để xây thành quần thể di tích về Bác Hồ viết Tuyên ngôn độc lập; tu bổ tôn tạo, chỉnh trang trưng bày nhà cụ Hai An – nơi đầu tiên ở Hà Nội được đón Bác Hồ, nhà bà Hai Vẽ ở làng phú Gia (làng Gạ), phú Thượng, Hà Nội, nơi làm việc của Thường vụ trung ương Đảng những năm 1943-1945; dựng bia, dựng biển một số khu di tích cách mạng an toàn khu và kháng chiến trên địa bàn các quận, huyện…
Nhưng để tô điểm cho Hà Nội đẹp hơn, văn minh và thanh lịch hơn, có biết bao nhiêu việc ý nghĩa cần làm: giữ cho đường thông hè thoáng, dẹp bỏ những biển quảng cáo vi phạm, cải tạo các sông hồ đang ô nhiễm, thiết kế những nhà vệ sinh sạch sẽ và thuận tiện… Việc chỉnh trang mặt phố cần phải có sự tính toán tổng thể và kỹ lưỡng chứ không phải sắp đến ngày Đại lễ, trong khoảng thời gian vài tháng mà hạ “quyết tâm”… tô màu.
trong khi rất nhiều ngôi nhà tự ý cơi nới mặt tiền đã đưa cả nhà vệ sinh ra ban công thì việc sơn lại một màu cũng không làm cho mặt phố “bớt” nhếch nhác hơn. Chuẩn bị mừng ngày Đại lễ nên đem đến niềm vui, sự phấn khởi cho người dân thay cho việc họ cảm thấy bị ức chế khi phải làm xấu đi ngôi nhà đang ở… |
“Tân trang” Tháp nước Hàng Đậu: Kính chẳng bõ phiền
2