trong các ngày từ 22 – 24/4, tại Hà Nội, Hội KTS Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII. Đây cũng là dịp để giới KTS cả nước cùng nhìn lại tình hình kiến trúc và sáng tạo kiến trúc.
Kiến trúc phát triển phong phú Theo nhận định của Hội, những năm qua, kiến trúc nước nhà phát triển trong bối cảnh tiếp tục đổi mới toàn diện của đất nước, hội nhập sâu rộng với thế giới. Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng tạo điều kiện cho kiến trúc đô thị – nông thôn phát triển. Bộ mặt đô thị từ đây đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Tư duy đô thị hành chính chuyển dần sang đô thị dịch vụ và thương mại. Các thành phố, thị trấn đang trong tiến trình cải tổ lại cơ cấu, xây dựng lại kết cấu hạ tầng đô thị, các chương trình, dự án lớn về nhà ở, khu công nghiệp tập trung, khu kinh tế, đô thị mới, các trung tâm dịch vụ… đã và đang được triển khai một cách đồng bộ và rộng khắp. Quy hoạch, kiến trúc cho nông thôn cũng thu được những kết quả ban đầu, thông qua các chương trình lớn về xây dựng cụm tuyến dân cư chung sống với lũ ở ĐBSCL, các dự án tái định cư cho các công trình trọng điểm quốc gia… Hội cũng ghi nhận: Sáng tác kiến trúc phát triển phong phú và đa dạng với nhiều yếu tố mới. Kiến trúc đã bắt đầu xuất hiện những công trình có chất lượng tốt, tiếp cận với kiến trúc hiện đại khu vực và thế giới, đặc biệt trong ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật và vật liệu mới. Chủ nghĩa hình thức trong kiến trúc với xu hướng nệ cổ, nhại cổ đã bị phê phán và đẩy lùi một bước. Cùng với cải cách và đổi mới, kiến trúc Việt Nam trong những năm qua đã giữ vai trò thúc đẩy đột phá trong hiện đại hóa kiến trúc công trình đặc biệt là trong công nghệ và VLXD… Kiến trúc đã góp phần thúc đẩy cải thiện nếp sống, lối sống mới ở đô thị, góp phần kết nối được kiến trúc Việt Nam với kiến trúc thế giới bằng những công trình kiến trúc hiện đại, khẳng định xu hướng hội nhập, chất lượng và thẩm mỹ các công trình kiến trúc từng bước được nâng cao.
Vẫn còn nhiều thách thức Cũng theo nhận định của Hội, sau hơn 20 năm đổi mới, kiến trúc đô thị – nông thôn nước ta đã trải qua một thời kỳ phát triển đầy lạc quan với nhiều nhân tố mới, giá trị mới đã xuất hiện, nhưng chất lượng kiến trúc nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Kiến trúc còn bộc lộ tính tự phát, thiếu vắng cá tính, bản sắc dân tộc, chất hiện đại cũng rất mờ nhạt, chưa có tác phẩm kiến trúc lớn xứng tầm thời đại. Xây dựng nhiều, nhưng ít thành công về sáng tạo nghệ thuật. Kiến trúc phát triển chung chung, tinh thần hiện đại không triệt để và còn một khoảng cách khá xa với trình độ quốc tế. Đối với các xu hướng kiến trúc tiên tiến và đang thịnh hành trên thế giới như kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, tiết kiệm năng lượng… thái độ nhìn nhận, sự hiểu biết, cách tiếp cận của KTS Việt Nam còn rất sơ lược. Quy hoạch – kiến trúc từ việc điều tra, nghiên cứu đến thiết kế và đầu tư đều không chọn nông thôn, người nghèo làm đối tượng chính. Do vậy, chúng ta vẫn chưa có được một mô hình phát triển nông thôn bền vững. Ngược lại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống và nghệ thuật của nông thôn dần bị lãng quên và mai một. Nông thôn đang đứng trước nguy cơ bị đô thị hóa xói mòn. Công tác đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực kiến trúc còn nhiều bất cập. Lực lượng kiến trúc sư tuy đông mà không mạnh, đặc biệt thiếu vắng các kiến trúc sư đầu đàn và các bậc thầy. Các tổ chức tư vấn thiết kế phát triển nhiều nhưng phân tán, nhỏ lẻ, thiếu hợp tác, liên kết nên chưa bắt kịp yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Quản lý kiến trúc chưa tạo ra được những thiết chế xã hội, cơ chế chính sách và động lực thực sự bảo đảm cho kiến trúc phát triển lành mạnh và bền vững. trong quản lý nhiều nơi vẫn chỉ coi kiến trúc là xây dựng, là kỹ thuật thuần túy mà không coi kiến trúc như là biểu hiện của nghệ thuật, văn hóa và văn minh.
Nhận trách nhiệm “Nếu có sai lầm dẫn đến chất lượng kém thì kiến trúc sư phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm, dù không phải là người duy nhất và có quyền lớn nhất trong sự hình thành mỗi công trình kiến trúc. Để xảy ra tình trạng yếu kém trên trách nhiệm trước hết thuộc về kiến trúc sư” – Chủ tịch Hội KTS Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn nhận định – “Không thể đổ tại mãi cho điều kiện khách quan, kiến trúc sư phải từ khả năng của thực tiễn mà nâng tầm giải pháp lên mức nghệ thuật. Kiến trúc sư chúng ta nói chung chưa tự vươn lên để đủ năng lực đảm nhiệm sứ mạng đó. Bản lĩnh nghề nghiệp, trình độ hiểu biết và tay nghề kiến trúc sư chúng ta đang có những khoảng cách lớn”. “Tại diễn đàn Đại hội, với tất cả sự nghiêm túc, giới kiến trúc sư nhận trách nhiệm về mình và một lần nữa báo động về sự tụt hậu của nền kiến trúc nước nhà so với các nước trong khu vực và thế giới”, ông Vạn nói.
|
KTS nhận trách nhiệm về thực trạng kiến trúc
47
Bài trước