Thưa Bộ trưởng, ông có thể cho biết, sự tập hợp của các thương hiệu vào trong một tập đoàn sẽ có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực như thế nào? – Ở đây, vấn đề không phải là tích cực hay tiêu cực mà chúng ta cần phải nhìn nhận là tập đoàn được Chính phủ quyết định thành lập trên cơ sở có sự tham gia của những TCty – những pháp nhân đã có những thương hiệu khác nhau. Tập đoàn mặc dù không có pháp nhân nhưng nó sẽ có tôn chỉ mục đích chung một định hướng. Định hướng như thế nào? Như với Tập đoàn phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam là thực hiện chiến lược nhà ở và đô thị; với Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam là công nghiệp xây dựng và cơ khí nặng. Nó có tôn chỉ mục đích rõ ràng như thế và khi các TCty đứng lại với nhau, cùng đi theo một hướng thì sức mạnh sẽ được nâng cao hơn lên, hỗ trợ cho nhau, phân chia thị trường, giảm áp lực cạnh tranh. Ví dụ, bây giờ cùng một dự án, cùng một công trình, có thể hai, ba anh cùng đấu thầu, rồi trong đầu tư phát triển có thể hỗ trợ với nhau, anh làm cái này, tôi làm cái kia, tôi đầu tư cái việc này, anh đầu tư cái việc kia, như thế là hỗ trợ cho nhau. Đấy là cạnh tranh để hoạt động vừa có hiệu quả vừa nâng cao được sức cạnh tranh.
Hai tập đoàn này có đặc thù khác với những tập đoàn đang được thí điểm và hiện hữu. Các tập đoàn đã thí điểm thành lập trước xuất phát từ TCty 91, khi DN này phát triển mạnh lên thì nâng lên thành tập đoàn. Còn 2 tập đoàn của Bộ Xây dựng thành lập trên cơ sở tham gia của các TCty. trong quá trình phát triển của các tập đoàn chắc chắn sẽ có chọn lọc tự nhiên. Lô-gô của tập đoàn thì anh em trong Tập đoàn sẽ xem xét, còn lô-gô của từng đơn vị thành viên thì trước hết người ta vẫn giữ, vì các TCty này đều có thương hiệu cả rồi. Điều này không ảnh hưởng gì. trong kinh tế thị trường, quan trọng là ở quan hệ sở hữu chứ còn đối với một pháp nhân mà người ta đã có một ngành nghề, sản phẩm độc lập thì nó như là cái dây chuyền độc lập để cung cấp cho xã hội những sản phẩm, những dịch vụ nhất định. Lô-gô là biểu tượng của sản phẩm để phục vụ cho việc quảng bá thương hiệu sản phẩm. Nếu nó đã có uy tín trên thị trường, uy tín với người tiêu dùng thì đương nhiên nó được giữ. Còn nếu nó không còn uy tín nữa thì thậm chí bản thân lô-gô đấy cũng không còn. Tôi nghĩ rằng việc này không có ảnh hưởng gì. Có điều tập đoàn thành lập theo mô hình này là mới nên về mặt tâm lý anh em cũng chưa quen, về kinh nghiệm thì chúng ta cũng chưa có, cho nên nó phải có một quá trình, phải có thời gian. trong kinh tế thị trường, hiệu quả của sự hoạt động sẽ là thước đo và nó quyết định sự phát triển và tồn tại của lô-gô, thương hiệu hay cao hơn là tổ chức, của pháp nhân đấy. Có ý kiến cho rằng việc thành lập hai tập đoàn chỉ đơn giản là phép tính cộng. Ý kiến của Bộ trưởng thế nào? – trước hết phải nói rằng, bản thân phép tính cộng không phải không có ý nghĩa, tự nó cũng có ý nghĩa của nó ngay cả thuần túy về phương diện số học. Đương nhiên là phép tính cộng của một tổ chức và trong tổ chức thì có con người. Nếu con người có nhận thức đúng thì sự cộng lực này mới có ý nghĩa và được nâng cao hơn lên. Ở đây, chúng ta cũng cần phải nghĩ một điều rằng các DN này đang thuộc sở hữu nhà nước. Việc thành lập tập đoàn theo mô hình này, nhất định trong giai đoạn đầu, anh em không phải là không có tâm tư, vì tư duy của chúng ta đang trong mô hình DN nằm trong sự quản lý của Nhà nước, chịu sự chi phối của cơ quan hành chính, mà cơ quan hành chính lại có thứ bậc, sở hữu vốn liếng lại là của Nhà nước. Ví dụ DNNN lại trực thuộc Bộ, hay là thuộc TCty. Lâu nay tư duy của chúng ta đang quen với chuyện ấy. Bây giờ chúng ta đang từng bước xóa bỏ cơ chế chủ quản, tức là tách bạch quản lý nhà nước, của cơ quan hành chính Nhà nước ra một bên còn quản lý SXKD của DN sang một bên thì cũng phải có thời gian.
Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ông có những kỳ vọng gì về hai tập đoàn này? – Tôi nghĩ rằng, Chính phủ đã quyết định thành lập Tập đoàn, bây giờ việc còn lại là sự quyết tâm, sự năng động của những người lãnh đạo tập đoàn. Chắc chắn là trong điều lệ tới đây Chính phủ thông qua sẽ trao quyền tự chủ cao hơn, tự chịu trách nhiệm cao hơn và với sự quyết tâm cũng như sự tự giác, năng động trong hoạt động. Bởi vì trong tập đoàn là những DN đã có kinh nghiệm hoạt động. Tôi nghĩ tập đoàn sẽ phát triển mạnh.
Xin cảm ơn Bộ trưởng! |