Mới đây, một lãnh đạo UBND Tp Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì và phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu, báo cáo kế hoạch cụ thể để UBND Tp Hà Nội làm việc với Bộ GTVT để di dời hoặc dỡ bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài và “thiết kế” trạm này thành cổng chào đón ngày Đại lễ. Rà soát các văn bản cho thấy, sự chỉ đạo của UBND Tp là việc làm trái với ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và sẽ dẫn đến thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Ngày 5/8/2009, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5324/VpCp-KTN gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính về việc bàn giao trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài cho Công ty Cổ phần (CTCp) BOT Vietracimex8. Theo đó, phó Thủ tướng Hoàng trung Hải có ý kiến như sau: Cho phép chuyển giao nguyên trạng trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài (bao gồm cả trạm chính và trạm phụ) cho CTCp BOT Vietracimex8 thu phí từ ngày 1/8/2009 để hoàn vốn cho D.A xây dựng quốc lộ 2 đoạn tránh Tp Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh phúc. Theo đó, số tiền thu phí sử dụng đường bộ được quản lý và sử dụng như: Từ thời điểm 1/9/2009 đến khi D.A xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh Tp Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh phúc hoàn thành đưa vào sử dụng (dự kiến trong tháng 2/2010), CTCp BOT Vietracimex8 được sử dụng để: Chi tổ chức thu phí theo tỷ lệ đã được Cục Đường bộ Việt Nam giao khoán cho trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài; Nộp Quỹ điều hoà tổ chức thu phí và Quỹ hiện đại hóa công nghệ thu phí cho Cục Đường bộ Việt Nam theo quy định tại Thông tư 90/TT-BTC ngày 7/9/2004 của Bộ Tài chính. Số phí còn lại nộp ngân sách Nhà nước (để chi đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án (D.A) xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh Tp Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh phúc). Sau khi D.A xây dựng quốc lộ 2, đoạn tránh Tp Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh phúc hoàn thành đưa vào sử dụng, số tiền thu phí sử dụng đường bộ thu được dùng để hoàn vốn cho D.A theo quy định hiện hành. Sau đó, tháng 12/2009, Bộ Tài Chính và Bộ GTVT thống nhất tạm dừng thu phí đường bộ tại các trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài trong thời gian thi công sửa chữa mặt cầu Thăng Long. Sau khi mặt cầu Thăng Long sửa chữa xong, ngày 1/4/2010, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Tài chính, Cục Đường bộ Việt Nam, Thanh tra Bộ, Sở GTVT Tp Hà Nội về việc khôi phục thu phí tại trạm phụ, thuộc trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, thời gian thu phí lại bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4/2010. Cùng thời gian này, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1919/VpCp-KTN gửi: Thủ tướng Chính phủ, các phó Thủ tướng, Bộ GTVT, UBND Tp Hà Nội, Tổng CTCp Thương mại Xây dựng về việc thu phí tại trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài. Theo đó, phó Thủ tướng Hoàng trung Hải giao Bộ GTVT xử lý việc khôi phục lại việc thu phí tại trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài. Mọi việc thu phí đang quay trở lại nền nếp thì mới đây, theo Thông báo 146/TB-UBND, Chủ tịch UBND Tp Hà Nội đã giao Sở GTVT chủ trì và phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Kế hoạch -Đầu tư tham mưu, báo cáo kế hoạch cụ thể để UBND Tp Hà Nội làm việc với Bộ GTVT cho tạm dừng thu phí đường bộ tại trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài và “thiết kế” trạm này thành cổng chào đón ngày Đại lễ (trích nguồn Dân trí). Vì sao lại chỉ đạo làm cái việc trái khoáy: Dỡ bỏ trạm thu phí (trạm hoạt động trên cơ sở có sự thống nhất của Bộ GTVT, Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ cho phép) để làm một cái cổng chào, để rồi sau Đại lễ, cái cổng chào đó chắc sẽ lại được dỡ bở? Vì sao cả một tuyến đường Thăng Long – Nội Bài dài hàng chục cây số không có chỗ đặt “cổng chào” mà cứ nhè trạm thu phí để đề nghị… dỡ bỏ. Có hay không việc “cay cú” trong công tác quản lý Nhà nước (vì đã một lần Hà Nội đề nghị dỡ bỏ), nhưng sau vẫn được cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục thu phí để hoàn vốn cho D.A và trích nộp ngân sách Nhà nước? Đem câu chuyện này trao đổi với một số kiến trúc sư, chúng tôi nghe được ý kiến: Nếu thiết kế một cổng chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, thì cần phải tính đến bố cục, không gian tương thích với cổng chào. trên cả tuyến đường Thăng Long – Nội Bài dài hơn 30 km, thì điểm đặt cổng chào hợp lý nhất là phía trước Tổ hợp Thương mại Melinh plaza, vì ta hình dung “mở cửa ngõ – cổng chào”, chúng ta sẽ thấy ngay một không gian rộng rãi, có trung tâm thương mại, có sự hiện diện của công nghiệp hoá – hiện đại hoá (các cụm công nghiệp đan xen với những màu xanh hợp lý của cây trồng). Cổng chào tại đây được coi như một “điểm nhấn” trong bức tranh tổng thể của tuyến đường. Địa điểm này cách trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài khoảng 1,4 km. Khi khách đến Hà Nội, nhất là khách quốc tế nếu muốn dừng chân ở Cổng chào để chụp ảnh lưu niệm, hoặc mua sắm trước khi vào trung tâm Tp cũng sẽ là phù hợp với tâm lý của nhiều du khách. Quay trở lại việc chỉ đạo của UBND Tp Hà Nội, có ý kiến cho rằng, đó là một đề xuất “vừa làm nghèo nàn đi nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, vừa trái với các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng”. Bởi lẽ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Đề cương các hoạt động tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và Đại lễ kỷ niệm, ban hành kèm theo Quyết định số 1470/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ), yêu cầu đặt ra là: “Tổ chức các hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và Đại lễ kỷ niệm bảo đảm: phong phú, đa dạng, thiết thực, tiết kiệm, giàu bản sắc dân tộc, gắn với chương trình phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô và cả nước, tạo bước chuyển biến mới của Thủ đô ngàn năm văn hiến trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế”. Với lẽ trên cho thấy, Hà Nội chỉ đạo đơn vị trực thuộc có phương án đề xuất phá bỏ trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài để thiết kế cổng chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là một việc làm phải được xem xét lại. |