Quyết định Quy hoạch vùng đô thị Tp.HCM với ý nghĩa chiến lược phát triển hàng loạt đô thị vệ tinh tại 8 tỉnh, thành phía Nam là một bước đột phá lớn, có ảnh hưởng rất sâu rộng đến vấn đề dịch chuyển dân cư.
Dân số tăng cơ học quá cao đang khiến chất lượng sống của người dân Tp.HCM giảm nhanh
Tự… quy hoạch
Cuối tháng 3.2010, tại một buổi lễ do Công ty bất động sản Kim Oanh tổ chức nhằm phát thưởng khuyến mãi cho những người mua đất tại dự án Tân Định (Bình Dương), chúng tôi gặp một đôi vợ chồng trẻ đã “tự quy hoạch” cho mình. Người chồng là Nguyễn Mạnh Quân -hiện đang công tác tại Bưu điện Sở Sao – cho biết: “Vợ chồng em mua đất ở Bình Dương này chỉ với giá 180 triệu đồng/lô có diện tích hơn 100m2, sau vài năm tích lũy sẽ xây dựng được nhà cửa đàng hoàng. Còn nếu công tác ở Tp.HCM thì chắc khó mua được đất để an cư lâu dài, vì giá đất quá cao”.
Quân cũng tâm sự rằng, lúc ở Thanh Hóa mới vào, cũng định xin việc ở Tp.HCM, nhưng tính toán cân nhắc, sau đó anh quyết định về Bình Dương lập nghiệp. Điều trùng hợp lý thú là ngay cả bà Đặng Thị Kim Oanh – Tổng giám đốc Công ty bất động sản Kim Oanh – trước đó cũng đã từng sống ở Thủ Đức hơn 5 năm, nhưng rồi thấy không “trụ” lại được nên tìm về huyện Bến Cát (Bình Dương) làm ăn, và sau này trở thành một doanh nhân khá thành đạt trong lĩnh vực địa ốc.
Việc nhiều cư dân tìm đến các tỉnh thành lân cận với Tp.HCM để tìm kế mưu sinh cho thấy việc phát triển vùng đô thị Tp.HCM bằng việc xây dựng nhiều đô thị vệ tinh là một hướng quy hoạch đúng. Ông Nguyễn Vĩnh Minh Thành – Giám đốc quản trị của Công ty bất động sản Tấc Đất Tấc Vàng, đơn vị phân phối hàng loạt dự án tại Bình Dương – dẫn ra một ví dụ: “Chỉ tính riêng số lượng sinh viên hằng năm đang học tại các trường đại học tại Tp.HCM là 320.000 sinh viên, 1/4 trong số đó mỗi năm ra trường là vào khoảng 80.000, chỉ cần khoảng 40% ở lại Tp.HCM thì sẽ thấy áp lực về nhà ở lớn biết chừng nào”.
Ông Thành cũng khẳng định, chỉ có việc phát triển nhiều đô thị vệ tinh như mô hình thành phố mới Bình Dương mới có chỗ để hàng chục ngàn sinh viên phát huy hết sở học cũng như tìm một chỗ để hoạt động công việc sau khi ra trường. Chưa kể, hàng loạt dự án khu dân cư như Mỹ phước 1, 2, 3, 4, Nam Tân Uyên, Bàu Bàng… cũng sẽ là nơi an cư của hàng chục ngàn công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, bởi giá đất tại các dự án này hiện nay cũng đang nằm trong tầm với của người lao động. Tương tự, tại nhiều khu vực của tỉnh Đồng Nai hiện cũng đang là nơi thu hút hàng chục ngàn cư dân đến sinh sống và làm việc, hình thành các khu dân cư mới gần các khu công nghiệp thuộc các huyện như trảng Bom, Thống Nhất, Nhơn trạch, Long Thành…
Vùng đô thị đang được hình thành
Theo đồ án quy hoạch Vùng Tp.HCM, đến năm 2050 vùng này sẽ có dân số khoảng 28-30 triệu người, trong đó dân số đô thị 25-27 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 90%, trong đó Tp.HCM là đô thị hạt nhân, tại các tỉnh sẽ có các đô thị vệ tinh độc lập, đô thị vệ tinh phụ thuộc hoặc các đô thị vùng phụ cận.
Ngày 20.5.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 589/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch vùng Tp.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 với tổng diện tích 30.404 km2 và bán kính ảnh hưởng từ 150-200 km. phạm vi lập quy hoạch vùng Tp.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Tp.HCM và 7 tỉnh xung quanh gồm Bình Dương, Bình phước, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang và Đồng Nai là các địa bàn quan trọng nằm trong hệ thống quy hoạch này.
Khi nói về việc xây dựng đô thị mới Bình Dương, ông Nguyễn Hoàng Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – cho rằng: “Đô thị mới Bình Dương nằm ở vị trí trung tâm, là đầu mối kết nối với các huyện phía nam của tỉnh, là những địa phương đang được định hướng phát triển thành các đô thị hiện đại và kết nối với các huyện phía bắc, nơi đang kêu gọi đầu tư phát triển thành các khu công nghiệp tập trung”. Bên cạnh việc đầu tư rất mạnh về hạ tầng đô thị, Bình Dương dự kiến sau khi hoàn tất xây dựng, thành phố mới Bình Dương sẽ là nơi định cư của khoảng 125.000 người và có khoảng 400.000 người thường xuyên đến làm việc tại đây. Cạnh đó, Đồng Nai cũng đang nỗ lực đầu tư xây dựng các khu đô thị vệ tinh theo định hướng quy hoạch.
Theo Quyết định 589, nằm trong dự án quy hoạch tổng thể vùng Tp.HCM đến 2020, Đồng Nai được xác định là địa bàn quan trọng với diện tích đất tự nhiên là 58.948 km2, dân số hiện nay là 2,1 triệu người và dự báo dân số đến 2020 sẽ là 3,8 triệu người, trong đó dân số thành thị là 2,427 triệu người với tỷ lệ đô thị hóa trên 63%. Với quyết định quy hoạch này, Đồng Nai sẽ là vùng đô thị, công nghệ kỹ thuật cao, là trung tâm dịch vụ, đào tạo – y tế, là vùng cảnh quan sinh thái rừng quốc gia.
Ông Ngô Quang Hùng – Giám đốc phân viện Quy hoạch đô thị – nông thôn Miền Nam cho biết, Đồng Nai trong quy hoạch tổng thể Tp.HCM đến 2020 sẽ là cực đối trọng phía đông Tp.HCM bao gồm các đô thị Dầu Giây, Long Thành, Gia Ray, Định Quán, Tân phú, Vĩnh Cửu với đô thị Long Khánh là hạt nhân. Cùng với 4 cực khác (cực phía đông nam hướng về Bà Rịa – Vũng Tàu, cực phía bắc hướng về địa phận Bình phước, cực phía tây bắc lấy Tây Ninh làm hạt nhân, cực tây nam lấy Tân An – Tiền Giang làm hạt nhân), Đồng Nai chiếm giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Theo đó, cấu trúc không gian tỉnh Đồng Nai trong bản đồ sẽ chia làm 3 vùng là: vùng đô thị công nghiệp – dịch vụ, đô thị đối trọng vùng Tp.HCM và vùng cảnh quan tự nhiên.
Việc phát triển đa cực với nhiều đô thị vệ tinh cho thấy trong tương lai, áp lực gia tăng dân số tại Tp.HCM sẽ được cải thiện và hẳn nhiên, việc phát triển hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông lớn cũng sẽ giúp cho Tp.HCM kết nối mạnh mẽ với các đô thị được xây dựng trong tương lai. “Vấn đề của Tp.HCM là phải tự mình xây dựng được một số dự án đô thị vệ tinh ở các quận huyện ngoại thành để giãn dân. Không thể để tình trạng phát triển lan tỏa tự phát như nhiều năm qua, khiến cho bộ mặt đô thị trở nên manh mún, chắp vá. Tôi cho rằng, khả năng của nhiều nhà đầu tư trong nước khi hợp vốn và năng lực cũng có thể xây dựng nhiều khu đô thị mới như phú Mỹ Hưng” – kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng nói.
Một vị lãnh đạo của Viện Quy hoạch xây dựng Tp.HCM cho rằng, nhìn vào cơ cấu dân số trong quy hoạch Vùng Tp.HCM, sự thu hút lao động sau khoảng 10 năm nữa sẽ có tính chất đồng đều hơn, chứ không chỉ tập trung với một tỷ lệ lớn vào Tp.HCM như hiện nay. “Điều đó có nghĩa rằng, sức thu hút của các đô thị vệ tinh ở các tỉnh lân cận Tp.HCM sẽ giúp cho Tp.HCM giảm bớt sức ép về dân số. Vấn đề là ngoài đô thị mới Bình Dương, các tỉnh khác cũng cần đẩy nhanh tốc độ đầu tư để thu hút nhiều hơn nữa cư dân đến sống và làm việc, hạn chế được phần nào tốc độ tăng dân số cơ học cho Tp.HCM” – Vị lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Tp.HCM phát biểu.
|