Thời hạn Chính phủ cho phép kéo thời gian xuất khẩu cát nhiễm mặn đối với các dự án nạo vét khơi thông lạch sông, cửa sông, cảng sông giáp biển đến hết ngày 30/6/2010 đã cận kề. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau đối với vấn đề xuất khẩu cát nhiễm mặn…
Nguyên nhân chính dẫn đến quyết định cấm xuất khẩu cát nhiễm mặn là do cát vốn được coi như một nguồn tài nguyên quốc gia, phục vụ nhiều ngành công nghiệp. Đồng thời, trong bối cảnh nước ta chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, để bảo đảm sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên cát cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội trước mắt và lâu dài (!) Thực tế cho thấy, quan điểm này đã đến lúc cần mổ xẻ thấu tình đạt lý để đi đến một quyết định phù hợp nhất với tình hình thực tiễn, không nên quá dễ dãi trong quản lý song cũng không nên quá “cứng” để có thể mang lại những nguồn lực phát triển kinh tế đa dạng, trong phạm vi bảo đảm an toàn nguồn cung nguyên liệu cát đối với các ngành công nghiệp có liên quan. Nếu xét mục tiêu chính của chương trình là “nạo vét khơi thông lạch sông, cửa sông, cảng sông giáp biển” để tăng cường hiệu quả giao thông của tàu thuyền, thấy rằng suốt từ năm 2007 đến hết 2009 vừa qua, việc cho phép DN xuất khẩu cát mặn đã góp phần giảm bớt nguồn chi từ ngân sách, tăng ngân sách địa phương thông qua các khoản thu như thuế xuất khẩu 17%, thuế tài nguyên 5%, phí bảo vệ môi trường… Năm 2009, đoàn công tác của Bộ Xây dựng kiểm tra các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu ở Quảng Ngãi như khu vực Cửa Lở – sông Vệ, Cửa Đại… đánh giá đã góp phần khai thông dòng chảy, thoát lũ, giảm thiểu ngập lụt vùng hạ lưu các con sông lớn, tạo thuận lợi cho hàng ngàn tàu, thuyền ra vào tránh trú bão. Từ hiệu quả của hoạt động xuất khẩu theo quy định đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách để đầu tư xây dựng kè chống sạt lở trong vùng dự án; đồng thời tạo nguồn kinh phí quay ngược trở lại hỗ trợ DN thực hiện hoạt động khơi thông luồng lạch. Như vậy, trong một chừng mực nhất định, việc quản lý tốt hoạt động khai thác, xuất khẩu cát trong phạm vi an toàn được nghiên cứu cẩn trọng lại trở thành yếu tố thúc đẩy, hỗ trợ cho mục tiêu khơi thông luồng lạch. Từ thực tế này, câu hỏi đặt ra là: Liệu có thể thay vì việc cấm triệt để bằng cách tăng cường các biện pháp quản lý nghiêm minh, với các quy định, chế tài nghiêm khắc, một mặt răn đe ngăn ngừa hành vi cố ý phạm pháp trong hoạt động khai thác xuất khẩu cát nhiễm mặn, một mặt góp phần hỗ trợ các hoạt động có ý nghĩa quan trọng không kém như khơi thông luồng lạch, tạo nguồn lực xây dựng các dự án đê kè chắn sóng…? Còn nếu coi cát là nguồn nguyên liệu cần thiết phải bảo đảm nguồn cung lâu dài phục vụ ngành công nghiệp xây dựng thì một thống kê của ngành VLXD cho biết, lượng tiêu thụ cát xây dựng năm 2006 là 73 triệu m3, năm 2007 là 78,3 triệu m3, năm 2008 là 85,5 triệu m3. Nhu cầu năm 2010 từ 93 – 100 triệu m3, năm 2015 từ 131 – 140 triệu m3 và năm 2020 có nhu cầu từ 182 – 197 triệu m3. Với số liệu tính toán như vậy, căn cứ tính tổng trữ lượng cát các mỏ là hàng tỷ m3 và cộng thêm bồi lắng hàng năm khoảng từ 300 đến hơn 400 triệu m3 thì nguồn cát xây dựng của Việt Nam được bảo đảm đủ để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, có một thực tế là do việc phân bố trữ lượng cát không đồng đều, do đó xảy ra việc mất cân đối giữa vùng tiêu thụ và vùng có cát để khai thác, cộng thêm chi phí lớn trong việc vận chuyển cát đi xa nên khó tránh khỏi có địa phương vẫn phản ánh việc thiếu cát, giá cát cao. Cần phân biệt rõ hiện tượng này và có nghiên cứu đánh giá đúng đắn, khoa học về sản lượng khai thác cát ở nước ta hiện nay để sao cho những thông tin phản hồi thực sự chân thực, hữu ích để đề ra các quyết định quản lý sát thực nhất trong quản lý cát. Về lâu dài, cần phải xây dựng quy hoạch cân đối cung – cầu và dự báo nhu cầu sử dụng cát, sỏi xây dựng của từng địa phương cũng như khối lượng cung cấp cát từ các tỉnh lân cận. Một số nước có nền công nghiệp phát triển lại nhập khẩu cát trắng silic để sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như thủy tinh, pha lê, linh kiện máy… Tại Việt Nam, những mỏ cát quý có thể đáp ứng các yêu cầu của các đối tác “kỹ tính” như vậy không nhiều, và đó thực sự là một nguồn tài nguyên quý giá, không thể xuất khẩu một cách rẻ rúng, ồ ạt, mà phải hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững lâu dài cho ngành công nghiệp nước nhà. Ông Hoàng Đức Hưng – Tổng giám đốc Cty Cp VIGLACERA Vân Hải, nơi có mỏ cát trắng nổi tiếng ở huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) cho hay: trữ lượng cát thủy tinh ở đây ngày một khan hiếm, chỉ riêng đáp ứng cho các DN sản xuất kính và thủy tinh cao cấp trong nước cũng phải tính toán, nên từ lâu Cty không thực hiện bất cứ một hợp đồng xuất khẩu nào. Đây là một nguồn nguyên liệu cần được điều chỉnh bằng những điều khoản quy định pháp luật riêng biệt. |
Tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu: Nhiều ý kiến trái chiều
52
Bài trước