Trang chủ » Tour du lịch làng nghề: Giờ G đã đến!

Tour du lịch làng nghề: Giờ G đã đến!

bởi Kien Truc - Kientruc.vn

Mặc dù Hà Nội có nhiều sự kiện nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, song khâu quảng bá, tuyên truyền vẫn còn yếu, nhiều sản phẩm du lịch chưa được giới thiệu đến khách trong và ngoài nước, hàng trăm làng nghề phố nghề chưa tạo thành tour gắn kết…


Nhiều sản phẩm du lịch chưa được giới thiệu đến du khách.

Ông Lưu Duy Dần – phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết: Hà Nội xưa vốn đã là đất trăm nghề, đất bách nghệ. Sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây trở thành Tp có số làng nghề lớn nhất trong cả nước. Theo con số thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội hiện có gần 1.300 làng nghề trong đó có khoảng 240 làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Gốm Bát tràng, lụa Vạn phúc, mây tre đan phú Vinh, da giày phú Yên, khảm trai Xuân Ngọ, nghề gỗ tràng Sơn, làng nghề áo dài, ẩm thực…. Các làng nghề còn gắn với một phố nghề cụ thể như phố Hàng Bạc làm nghề kim hoàn, gắn với làng nghề Đồng Sâm, Đông Khê, Định Công, Kiêu Kỵ, từ đó mang nét phố xưa nghề cổ rất rõ. Có rất nhiều làng nghề là làng Việt cổ tạo nên phong phú, đa dạng và truyền thống của làng nghề Hà Nội.

Gần tiến đến 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, mỗi làng nghề đều đưa công nghệ mới vào sáng tạo nên những mẫu mã mới. Ví dụ như Sơn Đồng nơi chuyên sản xuất tượng phật, gỗ sơn son thếp vàng, người ta đã nâng lên thành các sản phẩm hiện đại xuất khẩu sang Mỹ mang nét hoa văn phương Tây, tạo thành các tác phẩm nghệ thuật. Các làng nghề đều có các sản phẩm hướng tới ngày đại lễ, như Bát tràng đã có rất nhiều sản phẩm kính dâng lên tặng phẩm tặng cho đền Hùng, đền Mẫu, đền Đô bằng các cây hương rất đẹp hoặc các sản phẩm Chiếu dời đô bằng gốm sứ. Rồi các bản Chiếu dời đô bằng gò đồng của nghệ nhân Thế Long, bức khảm trai sơn mài của làng Chuôn Ngọ. Tất cả là một sự dày công thể hiện tấm lòng của người dân với Hà Nội nghìn năm. Nhiều sản phẩm bên cạnh dấu ấn hồn dân tộc còn mang tính hiện đại để hòa nhập với thế giới, mang tính chất toàn cầu không chỉ thu hẹp trong khuôn khổ nước Việt.

Song làng nghề hiện nay cũng còn nhiều vướng mắc. Một số làng nghề rất bấp bênh, thiếu quy hoạch đồng bộ, phân tán. Những chủ trương chính sách rất sát, rất trúng nhưng lại không phù hợp với làng nghề ở dưới. Ví dụ như vốn, kích cầu rất lớn nhưng làng nghề không vay được, mặt bằng ngày càng thu hẹp đi, nhiều làng nghề không phát triển, dẫn tới hoạt động cầm chừng, dễ dẫn tới mất nghề. Việc xây dựng tour du lịch làng nghề góp phần khai thác lợi thế về du lịch của các làng nghề, khai thác nét truyền thống văn hóa, lịch sử của các nghề thủ công truyền thống, nét tài hoa của những người thợ thủ công mà du khách, đặc biệt là khách nước ngoài rất ưa chuộng. Thông qua phát triển du lịch làng nghề sẽ kích thích tiêu dùng hàng thủ công mỹ nghệ, tìm đầu ra cho sản phẩm và giới thiệu tiềm năng lợi thế phát triển của làng nghề.

Tuy nhiên, du lịch Hà Nội chưa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bà Ngô Lan phương – đại diện Cty Cp Quốc tế Kim Liên cho rằng, Hà Nội chưa có một cuộc xúc tiến quảng bá du lịch nào ở nước ngoài trong năm nay. Dù Tổng cục Du lịch đã tổ chức xúc tiến tại một số nước song không có đại diện Hà Nội tham gia. Do vậy, du khách không biết Tp đang kỷ niệm nghìn năm tuổi.

Họa sĩ Thành Chương bày tỏ lo ngại khi Việt phủ Thành Chương (huyện Sóc Sơn) được lựa chọn là một điểm tham quan đón khách trong dịp Đại lễ, bởi cơ sở hạ tầng như đường sá, điện… chưa đáp ứng yêu cầu. Ông Thành Chương dẫn chứng dịp lễ 30/4 đã có hàng nghìn du khách đến thăm Việt phủ, song điện quá yếu, không đủ thắp sáng. “Nhiều người lạc đường khi tìm đến Việt phủ. Tôi muốn có một tấm biển chỉ đường song không biết xin cơ quan nào, đã xin huyện Sóc Sơn song không được cấp. Điện ở khu vực này quá yếu, không đủ để bơm nước, thắp sáng, không thể phục vụ nếu du khách đông”, họa sĩ Thành Chương bức xúc. Đồng quan điểm, bà Vân Anh, Giám đốc trung tâm lữ hành Hanoi Redtour cho biết, các tour đến các kinh đô Việt cổ, làng nghề có chất lượng dịch vụ còn thấp, khiến doanh nghiệp lữ hành dè dặt vì không đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Hướng tới 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội để bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề trong nhịp sống hiện đại ngày nay, tìm ra một hướng đi mới cho các làng nghề. Nên chăng cần thay đổi cách tổ chức, phát triển các làng nghề và có nhận thức đúng về giá trị của các sản phẩm thủ công truyền thống trong nước. Mang các mặt hàng này quảng bá tại các lễ hội cũng là một cách giữ gìn sự phát triển bền vững của các làng nghề. Xây dựng tổ nghề, nơi thờ tự để giáo dục con cháu cũng là một cách bảo tồn các làng nghề…

Xây dựng 4 tour du lịch làng nghề mừng Đại lễ

Sở Công Thương Hà Nội đang khảo sát, xây dựng là một trong những hoạt động chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội:

– Tour thăm làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ – thêu Thắng Lợi – sơn mài Hạ Thái 1 ngày.

– Tour thăm làng nghề mây tre đan phú Vinh – lụa Vạn phúc 1 ngày. Tham gia tour này du khách có thể tham quan thắng cảnh chùa Tây phương và ăn trưa bằng đồ chay tại chùa.

– Tour thăm làng lụa Vạn phúc – điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng 1 ngày.

– Tour thăm làng nghề gốm sứ Bát tràng – Giang Cao – may da, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ nửa ngày hoặc cả ngày.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.