Biến đổi khí hậu (BĐKH) với các biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng lâu nay đã được đề cập nhiều hơn trên các diễn đàn. Điều đáng lo ngại là Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi BĐKH. TS.KTS Lê trọng Bình dẫn nguồn nghiên cứu của các tổ chức quốc tế và trong nước về tác động của BĐKH đối với Việt Nam. Theo đó mực nước biển dâng (khoảng 0,9m vào giữa thế kỷ XXI) dẫn đến nguy cơ nước ta mất khoảng 5% diện tích đất đai, 23% dân số thiếu đất và 11% người mất nhà cửa. Đặc biệt, 10 tỉnh vùng ĐBSCL sẽ mất khoảng 38 – 39% diện tích đất. Khu vực ven biển sẽ thiếu quỹ đất cho phát triển các đô thị. Điểm dân cư nông thôn và hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật như cảng biển, sân bay, kho tàng, khu công nghiệp… sẽ bị ngập hoặc bị tác động huỷ hoại khác. Các khu công nghiệp được phát triển ở vùng đồng bằng phải đối diện nhiều hơn với nguy cơ ngập lụt và thách thức trong thoát nước do nước lũ từ sông và mực nước biển dâng…
Tương tự như vậy, TS.KTS Nguyễn Thiềm đề cập đến dự báo của Ngân hàng Thế giới ngay từ năm 1997: Việt Nam là 1 trong 5 nước bị ảnh hưởng của BĐKH nhiều nhất. Đặc biệt, Tp.HCM và các tỉnh ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất của BĐKH do nước biển dâng. Nếu nước biển dâng cao thêm 0,75m, trên 65% lãnh thổ của Tp.HCM và ĐBSCL sẽ nằm dưới mức triều tần suất 95% , trong đó 30% diện tích sẽ ngập sâu từ 1,2 – 1,6 m và trên 75% diện tích của vùng này nằm dưới mức triều tần suất 70%. “Như vậy, dưới góc độ nền xây dựng, BĐKH sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhà ở và hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu dân cư của 10 – 12 triệu người vùng ĐBSCL và khoảng 3 triệu người của Tp.HCM” – ông Thiềm nhận định. Câu hỏi đặt ra trước những nguy cơ nói trên, Việt Nam phải ứng phó như thế nào? Ông Lê trọng Bình cho rằng: trước hết cần nâng cao nhận thức một cách toàn diện về BĐKH và tác động đối với toàn bộ hệ thống đô thị và tiến trình phát triển của đô thị trong thế kỷ XXI. Tiếp đó, Việt Nam cần tuân thủ các nguyên tắc trong quy hoạch phát triển đô thị. Đó là nguyên tắc phát triển nhanh phải đi đôi với phát triển bền vững, coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường ngay trong từng bước xây dựng và phát triển đô thị, không gây ô nhiễm và huỷ hoại môi trường, tổ chức hợp lý môi sinh đảm bảo giữ gìn cân bằng sinh thái đô thị, phòng chống thiên tai và các sự cố công nghệ có thể xảy ra… Ông Bình cũng cho rằng Việt Nam cần có các giải pháp thích ứng, để giảm thiểu rủi ro do BĐKH đối với đô thị, giảm thiểu việc phát thải khí nhà kính do các hoạt động kinh tế kỹ thuật xã hội tại đô thị. Việt Nam cần đổi mới thể chế quản lý phát triển đô thị theo hướng hợp nhất, lồng ghép những qui định về quản lý phát triển đô thị trong điều kiện BĐKH thống nhất trong một hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch đô thị. Đồng thời, cần tích hợp giải pháp ứng phó với BĐKH đối với “Điều chỉnh Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050”, điều chỉnh quy hoạch phát triển các đô thị, điểm dân cư nông thôn, các khu kinh tế đặc thù và các khu chức năng khác trên địa bàn cả nước theo yêu cầu ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, Việt Nam cần củng cố và tăng cường năng lực chính quyền đô thị các cấp trong quản lý phát triển đô thị ứng phó với BĐKH… Còn ông Nguyễn Thiềm thì cho rằng trong từng lĩnh vực từ quản lý, nghiên cứu khoa học tới quy hoạch, thiết kế nhà và công trình… các KTS có thể đóng góp quan trọng để làm giảm tác động của BĐKH nói chung và thiệt hại của cộng đồng và dân cư nói riêng. Cụ thể, để làm giảm tác động của BĐKH, các KTS có thể quy hoạch các không gian đô thị hướng tới nhiều cây xanh, duy trì và mở rộng các không gian mặt nước, tạo các dòng khí tự nhiên vào trung tâm đô thị nhằm làm giảm bớt nhiệt độ trong các đô thị. KTS nghiên cứu các vật liệu thân thiện với môi trường làm vỏ bao che công trình, thiết kế các công trình sử dụng năng lượng của tự nhiên đồng thời tiết kiệm năng lượng được cung cấp (điện, khí, gas…). Nếu có thể thì KTS thiết kế công trình kiến trúc thay thế nguồn năng lượng dựa vào các bon hiện nay bằng nguồn năng lượng mới… Và để làm giảm sự thiệt hại của cộng đồng và người dân bị ảnh hưởng của BĐKH, theo ông Thiềm, các KTS có thể nghiên cứu cụ thể ảnh hưởng của BĐKH với từng đô thị, từng địa phương để đưa ra các tiêu chuẩn mới về cao độ nền xây dựng. Ngoài ra, KTS cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện để đi vào ứng dụng các mô hình nhà nổi, nhà trên cọc, đưa vào các thiết kế công trình “nhẹ” làm giảm đầu tư về nền móng cũng như tạo điều kiện có thể nâng nền, nâng nhà… Đây là những giải pháp quen thuộc người dân những vùng nằm dưới mức thủy triều, nằm trong vùng nước dâng vẫn sử dụng để ứng phó với điều kiện đặc thù của vùng.
|
Biến đổi khí hậu: Ứng phó ra sao?
6