Từ phương án giải nhất Cuộc thi “Ý tưởng thiết kế tháp Hùng Vương” lần 2 nhận được nhiều sự quan tâm cũng đã đến hồi kết. Có 38 phương án dự thi. Kết quả, Hội đồng chấm giải đã chọn ra 2 giải nhất và 6 giải khuyến khích. Những phương án này cùng các phương án dư thi lần 1 được trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương (Tp Việt trì, tỉnh phú Thọ) trong dịp Giỗ Tổ mùng 10/3/2010, trưng cầu ý kiến của người dân nhằm tìm ra một mẫu tháp thích hợp để xây dựng nên tháp Hùng Vương trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng. trong phiếu thăm dò có mấy câu hỏi sau: “Quý vị đồng ý phương án nào, vì sao? Tháp Hùng Vương nên thiết kế như thế nào? Và ý kiến khác?”. Để đóng góp ý kiến, bài viết này, chúng tôi nêu ý kiến của một số nhà nghiên cứu trong việc chọn phương án thiết kế tháp Hùng Vương.
“Khái quát cấu trúc bên ngoài hình tượng tháp của 38 phương án thi lần 2 thì thấy sử dụng những hình tượng chủ yếu sau: chim Lạc, 18 đời Hùng Vương, trống đồng, bọc trăm trứng. Ngoài ra còn có nhiều hình tượng với cảm hứng mới lạ khác như: búp măng tre, cái đó thủng trôn, tháp Ai Cập, bông hoa mặt trời, bó lúa, hạt thóc, cổng làng, vũ điệu, mũ vua, sơ đồ sinh thái, cái trống đồng nguyên vẹn, mặt trống đồng trên giá đỡ, que hương…” – nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Đài tổng kết. Như chúng ta đã biết, việc xây tháp Hùng Vương xuât phát từ ý tưởng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong đợt về viếng mộ Tổ vào ngày 5/5 /1977, sau cuộc tổng tấn công giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tại đây cố Tổng bí thư đã nói “Hãy dựng tháp Hùng Vương để từ Đền Hùng nhìn ra cả nước – cả nước hướng về Đền Hùng”. Như vậy, có thể coi lời nói này là một gợi ý về ý nghĩa của tháp Hùng Vương để xác định góc nhìn khi đưa ra ý tưởng thiết kế. trong đợt thi thứ 2 này có hai phương án ý tưởng đạt giải nhất. Đó là phương án 1 với ý tưởng thiết kế chủ đạo “dựa trên hình ảnh đàn chim Lạc. Những cánh chim mềm mại cùng bay về một hướng thể hiện hình ảnh của đất nước Việt Nam yêu hoà bình. 18 cánh chim đầu đàn như quyện với nhau với khí thế bay lên mạnh mẽ vừa là hình ảnh tượng trưng cho 18 Vua Hùng – những người đầu tiên dựng nước, vừa là hình ảnh tượng trưng cho dân tộc Việt Nam đoàn kết, phát triển ngày càng vững mạnh”. Đây là phương án do nhóm tác giả của Văn phòng kiến trúc 3 – TCty Tư vấn xây dựng dân dụng Việt Nam thiết kế. phương án 2 do nhóm tác giả của Viện Kiến trúc nhiệt đới – Đại học Kiến trúc Hà Nội thiết kế với ý tưởng chủ đạo là “Xuất phát từ truyền thuyết con Rồng, cháu Tiên, cộng với sự tôn trọng cảnh quan của vị trí đặt tháp (đồi Mom Gà) nên ý tưởng đưa ra phần đế công trình âm hẳn xuống mặt đất chỉ lô nhô một số mái kính lấy sáng có cấu tạo dạng chỏm cầu, nhìn tổng thể sẽ gợi lên hình ảnh bọc trăm trứng rải rác trên sườn đồi. phần thân tháp được cấu tạo bằng 18 cánh kính, bám so le theo cấu trúc của búp măng tre thể hiện sức sống mãnh liệt của một dân tộc. Tháp được tạo hình thanh thoát nhờ cấu trúc đan xen của các cánh kính, toàn bộ phần thân tháp cũng như phần đế nhô lên mặt đất đều thống nhất một hình thức kiến trúc nhằm gợi lên sự liên tưởng đến bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”. Quay trở lại ý kiến của nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh phú Thọ, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuần Đài – người đã có nhiều sách về văn hoá điêu khắc Đất Tổ để chúng ta có một góc nhìn về ý nghĩa của một số hình tượng sử dụng trong các phương án thi. Ông Đài cho rằng: chim Lạc được khắc trên trống đồng thì đàn nai và con rồng cũng được khắc trên đó. Ngoài khắc trên trống đồng ra, chim Lạc không như chim phượng (trong tứ linh: Long, Ly, Quy, phượng) và Rồng có trong tiềm thức tín ngưỡng dân gian và được khắc xây tại các đền đài. Vì vậy, hình ảnh Rồng tượng trưng cho các Vua Hùng (con giống cha) có lẽ hợp hơn hình chim Lạc. Về bọc trăm trứng – đó là truyền thuyết gắn liền với Bách Việt – họ Hồng Bàng. Nó biểu hiện cho tình đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, nó cũng khẳng định Hùng Vương – chủ thể của nước Văn Lang với nền văn minh Đông Sơn cổ xưa là điều rất đúng. Còn về cây tre thì tre không phải là loài cây đặc trưng của riêng Việt Nam mà còn có ở nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia… Mặc dù tre ở Việt Nam có gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre truy quét giặc Ân, nhưng đó cũng chỉ là một chi tiết vì trong câu chuyện này còn chi tiết dân cấp lương thực, rèn ngựa sắt, gậy sắt nữa. Ông Đài cho rằng xây dựng tháp Hùng Vương để tượng niệm Vua Hùng và tôn vinh thời đại Hùng Vương nên không thể dùng cây tre là hình ảnh tôn vinh Vua Hùng được.
Ý tưởng tháp là sự tổng kết lịch sử Tháp Hùng Vương nên thiết kế để xây dựng như thế nào thì vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Mặc dù qua hai cuộc thi Hội đồng chấm giải với những nhà chuyên môn đã lựa chọn ra 5 giải nhất (3 giải nhất đợt 1 và 2 giải nhất đợt 2 mà chúng tôi đã trích ý tưởng thiết kế trong bài viết trước). Đây là những phương án mà theo hội đồng là khả thi dùng vào việc xây dựng tháp Hùng Vương để “từ Đền Hùng nhìn ra cả nước – cả nước hướng về Đền Hùng”. Tuy nhiên, không chỉ 5 phương án đoạt giải mà gần 60 phương án dự thi đều được trưng cầu dân ý với câu hỏi: Quý vị đồng ý phương án nào để chọn làm tháp Hùng Vương? Vì sao?. Và ý kiến của người dân cũng góp một phần quan trọng vào việc quyết định của các cơ quan chức năng nên người viết bài này mạnh dạn chọn một phương án khác với phương án đã đoạt giải theo cách nhìn của mình. Tháp là công trình xây dựng mang tính tưởng niệm. Tháp Hùng Vương xây dựng để tưởng niệm 18 đời Vua Hùng và tôn vinh thời đại Hùng Vương – nhà nước Văn Lang – nhà nước đầu tiên của dân tộc ta. Nhà nước ấy với nền văn hoá bản địa mà đỉnh cao là nền văn minh Đông Sơn rực rỡ được thể hiện trên trống đồng Đông Sơn. Theo một số tài liệu thì văn hoá Đông Sơn là 1 trong 34 nền văn hoá cổ đại của nhân loại. Chính vì vậy, việc thiết kế tháp tưởng niệm các Vua Hùng nên xuất phát từ quan điểm: đây là công trình của thời nay, thời đại Hồ Chí Minh, làm sống động, phục hưng một nền văn hoá văn minh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc: văn hoá Đông Sơn. Đồng thời thể hiện được nguồn cội của dân tộc, nhà nước mình. Còn nhớ, ngày 19/8/1954, sau chiến thắng Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” khi về báo công với các Vua Hùng và gặp đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng, Bác Hồ đã có một câu nói tổng kết lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. “Các Vua Hùng đã có công dựng nước; Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Do đó, trong các phương án dự thi, người viết bài này tâm đắc với ý tưởng của phương án số 17 với ý tưởng thiết kế “trống đồng dựng nước và thanh gươm giữ nước”. của tác giả Ngô Quang Nam. Nội dung ý tưởng của phương án này xem trong tập tài liệu “Tập hợp các phương án cuộc thi: Ý tưởng thiết kế tháp Hùng Vương – lần 2 của Khu di tích lịch sử Đền Hùng” thấy trích như sau: “trống đồng là hiện vật cao quý nhất tiêu biểu cho nền văn hoá, do vậy ý đồ xây dựng tháp tưởng niệm các Vua Hùng, việc đúng đắn nhất phải là hình tượng trống đồng và tháp đồng của nền văn hoá Đông Sơn để cấu tạo nên hình tượng tháp. Kiến trúc thể hiện được tư tưởng đoàn kết dân tộc. Từ sảnh nhìn và chính ngay vòng tròn đầu tiên của lòng tháp. Hình tượng ngọn tháp ở chính giữa sẽ là “thanh gươm giữ nước” như minh chứng về bản sắc của một dân tộc thượng võ. Khi con cháu bốn phơng hội tụ về đây, trước hết phải qua phòng hội tụ, rồi sau đó có thể tham quan bảo tàng, lên đỉnh tháp viếng Vua Hùng và tận mắt thấy tiêu bản trống đồng Ngọc Lũ đẹp bậc nhất này”. Ngoài ra, trong phần thuyết minh trong phương án dự thi của tác giả còn thấy đề cập tới việc, trước mặt tháp thiết kế một bể tròn phun nước có 100 quả trứng bằng đá cẩm thạch tượng trưng cho truyền thuyết trăm trứng, với nguồn gốc cao qúy “con Rồng, cháu Tiên” của dân tộc ta. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc xây dựng tháp Hùng Vương không chỉ có ý nghĩa của một cái tháp tưởng niệm, mà nó còn mang ý nghĩa lịch sử rất lớn lao như khi triều đại nhà Lý xây dựng tháp Báo Thiên. Ngọn tháp khẳng định hào khí và độc lập chủ quyền của dân tộc Việt sau 1000 năm Bắc thuộc. Chính vì vậy, để thể hiện trách nhiệm công dân, đồng bào hãy vào trang website: denhung.org.vn của BQL khu di tích lịch sử Đền Hùng để góp ý, bình chọn cho các phương án dự thi như là sự đóng góp một phần bé nhỏ của mình vào việc lựa chọn một hình tượng tháp xứng tầm khi xây dựng trong khu di tích. |
Nên thiết kế tháp Hùng Vương như thế nào?
5