Với địa thế là cửa ngõ giao thông vào vùng Tây Bắc, gắn liền các địa danh nổi tiếng như: bến Âu Lâu, đèo Lũng Lô, hồ Thác Bà, cánh đồng Mường Lò, vùng chè tuyết shan Suối Giàng… vượt lên những hạn chế, khó khăn của một tỉnh miền núi, khơi nguồn nội lực, thu hút ngoại lực, tỉnh Yên Bái đã tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững và hiệu quả.
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 13%, đứng thứ tư so với các tỉnh trung du và miền núi phía bắc; thu nhập bình quân đầu người đạt 10,8 triệu đồng, gấp 2,5 lần so với năm 2006.
Ðến nay, việc thâm canh lúa trên đất dốc ở vùng cao, chuyên canh ở vùng thấp đã được Yên Bái vận dụng tốt và có hiệu quả, nên việc ổn định an ninh lương thực tại chỗ bảo đảm, chấm dứt tình trạng đói kinh niên ở vùng cao. Nhiều vùng lúa sản xuất lúa hàng hóa tập trung nông dân đưa giống mới và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, đã trở thành hàng hóa có thương hiệu cao trên thị trường. Các vùng sản xuất chuyên cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu được chú trọng. Với tiềm năng đất rừng có diện tích rừng tự nhiên gần 23 nghìn ha, rừng trồng 145 nghìn 630 ha, sản lượng có thể khai thác hằng năm đạt hơn 200 nghìn m3 gỗ các loại như: bạch đàn, bồ đề, keo và hàng nghìn ha tre măng Bát Ðộ, đã tạo điều kiện cho công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng phát triển mạnh mẽ. Vùng quế có hơn 30 nghìn ha, sản lượng hằng năm đạt trung bình 2.500 tấn quế vỏ xuất khẩu và gần 200 tấn tinh dầu làm phụ gia cho các sản phẩm công nghiệp dược liệu. Vùng chuyên canh chè đứng thứ hai toàn quốc với 12 nghìn 300 ha, hằng năm thu hoạch đạt 85 nghìn tấn chè búp tươi, cung cấp cho thị trường sản phẩm chủ yếu như chè xanh, chè đen xuất khẩu, tạo thu nhập ổn định cho hàng vạn nông dân trong tỉnh. Các chính sách xã hội về ổn định dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo việc làm, đào tạo nghề cho thanh niên, trợ giúp người nghèo về đất sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội, xóa nhà dột nát… góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4,59%. Nhiều vùng trước đây ở trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn chưa có điện lưới, đường giao thông… qua nhiều năm bền bỉ xây dựng, đến nay, hầu hết các xã đã được xây dựng các thiết yếu hạ tầng cơ sở, bộ mặt nông thôn miền núi có bước phát triển mới.
Làm nông nghiệp chỉ đủ ăn, muốn giàu cần chọn phát triển công nghiệp làm bước đột phá. Do vậy, Yên Bái đã phát huy tiềm năng về khoáng sản đa dạng như: quặng sắt, chì kẽm, đá vôi trắng, đá quý… để quy hoạch, phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản. Ðến nay, đã có 132 dự án với tổng mức đầu tư hơn 42 triệu USD được cấp phép hoạt động, nhiều dự án công nghiệp quan trọng đã đi vào hoạt động như: các dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 400 MW, Nhà máy Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, Nhà máy xi-măng Yên Bình công suất gần một triệu tấn/năm, Công ty cổ phần khoáng sản VIGLACERA… góp phần tăng nhanh năng lực mới và giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Riêng với nguồn tài nguyên đá vôi trắng có trữ lượng khoảng một tỷ m3, đã được khai thác có hiệu quả trong lĩnh vực đá ốp lát, đá xẻ mỹ nghệ, đá bột siêu mịn, đồng thời là nguyên liệu đầu vào chính cho hai nhà máy xi-măng công suất hơn 1,2 triệu tấn/năm.
Chủ động thu hút đầu tư đi đôi với phát huy nội lực, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông, thời gian thực hiện ngắn hơn so với quy định của Nhà nước, hoàn thiện từng bước cơ sở hạ tầng, Yên Bái đã xây mới và mở rộng năm khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp. Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về tài nguyên và lao động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất công nghiệp, nên giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 tăng gấp ba lần so với năm 2006; phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 22 khu, cụm công nghiệp. Gồm một khu công nghiệp quốc gia, bốn khu công nghiệp tập trung tại Minh Quân, Mông Sơn, Âu Lâu, bắc Văn Yên và 17 cụm công nghiệp, với tổng diện tích đất quy hoạch dự kiến sử dụng gần 1.552 ha. Ðể khai thác hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tỉnh đã không ngừng đổi mới cơ cấu đầu tư, ban hành một số văn bản quy định về quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn, nhằm hình thành môi trường pháp lý thuận lợi, tạo sức hấp dẫn đầu tư vào công nghiệp, giúp các doanh nghiệp phát triển.
Nằm trong dòng chảy sông Hồng, Lào Cai – Yên Bái – phú Thọ có nhiều nét giao thoa văn hóa và du lịch tâm linh, do vậy hằng năm ba tỉnh lần lượt đăng cai tổ chức Lễ hội Về cội nguồn nhằm quảng bá du lịch và quê hương mình. Ðiểm nhấn của tỉnh Yên Bái là một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam – hồ Thác Bà. Gắn với công trình thủy điện đầu tiên của miền bắc XHCN, Thác Bà có diện tích mặt nước hơn 190 km2 được tô điểm với 1.331 hòn đảo lớn nhỏ, mà trước đó chính là những đỉnh núi thuộc dãy Con Voi và Cao Biền bị ngập khi dâng nước, trong đó có nhiều hang động đá vôi tạo vẻ đẹp sơn thủy hữu tình làm ngất ngây du khách. Danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Nhà nước công nhận năm 2007, nằm dưới chân đỉnh Khau phạ (sừng trời) là sản phẩm sáng tạo của người Mông không chịu khuất phục trước thiên nhiên, giúp đồng bào định cư lâu dài, gắn bó với ruộng nước, thật sự là điểm đến của các nhà nhiếp ảnh cũng như người thích khám phá thiên nhiên hùng vĩ. Và, điểm dừng chân thu hút khách không thể thiếu trên vùng Mường Lò là những điệu xòe Thái trong đêm giao lưu, những người con gái Thái trong chiếc áo cỏm dịu dàng, váy nhung đen nhóng nhánh, long lanh mắt huyền mời gọi cùng vào vòng xòe “vào đây anh, xoè đi anh, đừng để em cô đơn một mình…” Nét văn hóa Thái còn lắng đọng trong từng tiếng thoi đưa bên những khung dệt thổ cẩm truyền thống, từ đó mà tạo nên những váy, áo, đệm ngồi, túi đeo thổ cẩm… luôn là món quà ưa thích cho du khách miền xa.
Hướng phát triển của Yên Bái đã rõ nét hơn khi đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai được đưa vào sử dụng, rút ngắn nửa thời gian chạy xe, khoảng cách từ Thủ đô đi các tỉnh vùng Tây Bắc được thu hẹp lại. Với tầm nhìn và hoạch định các chính sách rõ ràng, ổn định, đón đầu các thời cơ mới, Yên Bái sớm trở thành tỉnh phát triển toàn diện, đổi mới đi lên. |
Yên Bái với vai trò động lực phát triển vùng Tây Bắc
4