Vì sao giai đoạn 2 đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ 3 năm?

Theo tiến độ dự kiến giai đoạn 2 của đường Hồ Chí Minh sẽ được hoàn thành vào 2010. Song theo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh ngày 16.7 khả năng tiến độ sẽ chậm 3 năm.

Thiếu vốn và chậm GpMB

Ông phạm Hồng Sơn – TGĐ Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (BHCM) – cho biết: Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay Giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh – đoạn từ Hoà Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) có tổng chiều dài khoảng 1.350km, với quy mô 2 làn xe đã cơ bản hoàn thành đưa vào sử dụng, khai thác và được nghiệm thu cấp nhà nước từ tháng 3.2008.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số vị trí vướng giải phóng mặt bằng (GpMB) như nút Xuân Mai (Hà Nội) và khoảng 2km đoạn đường ngang Nghi Sơn – Bãi trành (Thanh Hoá). Hiện, tuyến chính của giai đoạn 1 còn đoạn Cam Lộ – La Sơn – Tuý Loan dài khoảng 183km chưa được đầu tư xây dựng do chưa huy động được nguồn vốn.

Giai đoạn 2 của dự án được bắt đầu từ năm 2007 và dự kiến đến năm 2010 sẽ nối thông toàn tuyến từ pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với 2 làn xe. Để triển khai giai đoạn 2, Bộ GTVT đã chỉ đạo lập 19 dự án thành phần với tổng mức đầu tư khoảng 14.500 tỉ đồng, nhưng mới được bố trí vốn 3.965 tỉ đồng (còn thiếu hơn 10.500 tỉ đồng).

Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo lập 9 dự án thành phần với tổng mức đầu tư khoảng 16.800 tỉ đồng (nhưng chưa bố trí được vốn). Ngoài ra, việc GpMB đã giao cho các địa phương có tuyến đường đi qua, nhưng triển khai rất chậm (mất khoảng từ 2 – 3 năm). Ngay cả khi được bố trí đủ vốn (khoảng 27.300 tỉ đồng) thì giai đoạn 2 dự kiến hoàn thành vào năm 2013.

Lối thoát nào?

trên thực tế, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 dù đã thông tuyến từ 3.2008, nhưng vẫn còn 2 đoạn tắc là nút Xuân Mai (Hà Nội) và khoảng 2km đoạn đường ngang Nghi Sơn – Bãi trành (Thanh Hoá). Sự gián đoạn này khiến lưu lượng phương tiện tăng chậm. Hiện nay, quốc lộ 1 – đoạn từ Hà Tĩnh ra Hà Nội thường xuyên tắc đường.

Theo phản ánh của các lái xe: Nếu đi theo đường Hồ Chí Minh, tuy dài hơn 60km, nhưng tính về thời gian và hao tốn nhiên liên còn thấp hơn đi theo đường 1, vì không bị tắc đường. Song do hệ thống dịch vụ trên tuyến đường này chưa phát triển nên chưa thu hút được dòng xe. Mặt khác, hệ thống đường ngang để nối thông giữa quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần tích cực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển dịch vụ trên dọc tuyến. Hiện nay, các DN kinh doanh xăng – dầu đang mở hệ thống cung cấp nhiên liệu dọc tuyến. Đồng thời, Bộ GTVT và BHCM cũng tích cực đề xuất mở thêm các đường ngang nối tuyến.

Để đảm bảo nguồn vốn tiếp tục triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính bố trí phần vốn còn thiếu. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng hoàn thành các thủ tục huy động vốn xã hội hoá, kêu gọi đầu tư theo hình thức BT đối với đoạn Cam Lộ – La Sơn – Tuý Loan. trước thực tế này, Bộ GTVT sẽ trình và đề nghị Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài tiến độ giai đoạn 2 đến năm 2013.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ sáu thông qua Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3.12.2004 về chủ trương là công trình quan trọng quốc gia. Theo đó, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 3.167km và đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Điểm đầu của tuyến đường tại pác Bó (tỉnh Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (tỉnh Cà Mau) và được chia làm 3 giai đoạn đầu tư:

– Giai đoạn 1 (2000 – 2007): Đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe đoạn từ Hoà Lạc (Hà Nội) – Tân Cảnh (Kon Tum) với tổng chiều dài xây dựng khoảng 1.330km (trong đó tuyến chính khoảng 830km và nhánh Tây dài 500km).

– Giai đoạn 2 (2007 – 2010): Đầu tư để nối thông toàn tuyến từ pác Bó đến Đất Mũi với chiều dài xây dựng khoảng 1.400km.

– Giai đoạn 3 (2010 – 2020): Hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt, trong đó lưu ý kết nối với quy hoạch hệ thống đường sắt, đường ngang và các quy hoạch khác có liên quan. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *