Chất vấn tại kỳ họp thứ 21 HĐND TP Hà Nội khóa XIII: Chưa đào tạo nghề đúng nhu cầu của dân?

phiên chất vấn Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội hôm qua (14 – 7) đã có trên 25 câu hỏi trực tiếp tại hội trường và rất nhiều câu hỏi bằng văn bản gửi đến HĐND Tp trước kỳ họp. Các vấn đề mà hầu hết đại biểu, cử tri quan tâm đó là vấn đề quản lý trò chơi trực tuyến (games online), giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở những nơi bị thu hồi đất, vấn đề quản lý đầu tư các dự án giao thông trên địa bàn thành phố… Thẳng thắn là không khí của phiên chất vấn này.

Tìm cách hạn chế nạn nghiện games online

Mở đầu phiên chất vấn đại biểu Vũ Đức Tân nêu vấn đề: “Thực trạng hoạt động kinh doanh dịch vụ internet trên địa bàn Hà Nội hiện nay ra sao? trách nhiệm của Sở Thông tin &truyền thông(TTTT) trong việc quản lý loại hình dịch vụ này ra sao?Tại sao lại cấp phép cho các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này ở gần các trường học, và ai sẽ là người chịu trách nhiệm nội dung các trò chơi bạo lực, không lành mạnh?

trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở TTTT phạm Quốc Bản cho biết: thành phố hiện có 3.400 đại lý kinh doanh dịch vụ internet chủ yếu tập trung ở các quận nội thành (cũ); nhìn chung tình hình quản lý các đại lý internet trên toàn quốc cũng như trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Bản thừa nhận rằng, vẫn còn thiếu chế tài và các biện pháp kĩ thuật. Công tác tuyên truyền giáo dục còn yếu kém nên các đại lý Internet hoạt động không theo quy định của pháp luật, chính vì vậy những mặt trái của games online với những nội dung bạo lực, thiếu lành mạnh đã và đang làm băng hoại nhân cách của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên.

Riêng về phần trách nhiệm của Sở TTTT đối với việc quản lý các trò chơi trực tuyến (games online), theo ông Bản, Sở đã làm đúng chức trách của mình: đó là cơ quan chuyên môn giúp thành phố thực hiện công tác quản lý đối với các hoạt động của các đại lý internet; xây dựng kế hoạch kiểm tra định kì, đột xuất, xử lý theo thẩm quyền… Còn vấn đề cấp phép cho các đại lý hoạt động quá gần trường học, Sở đã ban hành quy định các đại lý internet phải cách xa trường học tối thiểu 200m… “Vấn đề bệnh lý đã được phát hiện từ lâu, nhưng Sở đã tìm ra loại thuốc đặc trị căn bệnh này hay chưa?” Điều người dân cần đó là cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này đã đưa ra giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Nguyễn Thị An nói.

Hiện thành phố đang tổng hợp đánh giá tình hình hoạt động các đại lý internet trên địa bàn. Sở sẽ xử lý nghiêm bằng việc rút giấy phép kinh doanh của những đại lý sai phạm, phối hợp cùng Bộ TTTT sản xuất loại games có tính chất giáo dục trên tinh thần vừa xây vừa chống để dần loại những trò chơi mang tính bạo lực. Bên cạnh đó, Sở cũng đang kiến nghị Bộ TTTT xây dựng biện pháp quản lý giờ chơi bằng mặt kĩ thuật; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nghiện games thâu đêm suốt sáng của giới trẻ- ông Bản nói.

Người dân không quan tâm chuyện học nghề?

Chất vấn Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về những vấn đề có liên quan đến đào tạo nghề cho người dân ở những nơi có đất bị thu hồi, đại biểu Nguyễn Thị An đặt câu hỏi: Sở đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho con em vùng bị thu hồi đất ra sao? Có bao nhiêu phần trăm số thanh niên sau khi học nghề và có thể sống bằng nghề và nếu không giải quyết tốt vấn đề việc làm? Bà An cho rằng thành phố sẽ phải đối mặt với tình trạng vi phạm, tệ nạn xã hội do tình trạng mất đất, thất nghiệp tăng.

Vấn đề giải quyết việc làm cho con em nông dân ở những nơi bị thu hồi đất, Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Đình Đức cho biết: hiện thành phố có khoảng 40.000 lao động do chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp bị mất việc làm. Những năm qua Hà Nội đã có giải pháp hỗ trợ ưu tiên giải quyết việc làm cho những lao động này. Cụ thể năm 2009 giải quyết việc làm cho 128.640 lao động trong đó có 7.600 lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, có một thực tế đó là tỉ lệ nông dân đến học nghề ở các cơ sở đào tạo còn rất thấp. Nguyên nhân chính đó là người dân ở một số vùng bị thu hồi đất vẫn còn tâm lý hưởng thụ, chưa muốn học nghề, dù công tác tuyên truyền đã đến từng thôn xã, nhưng nhiều người vẫn không hào hứng với việc học một nghề mới.

“phải tính đến những giải pháp dài hơi”, tôi có cảm giác chúng ta quá coi trọng học thuyết tăng trưởng kinh tế và tư duy nhiệm kỳ, đại biểu trần trọng Hanh nói. Ai cũng muốn nhiệm kỳ của mình kinh tế tăng lên, quy hoạch nhiều thế, nhưng đất lại được chia lô bán nền, đẩy người dân vào chỗ không có việc mà quên những vấn đề mang tính chiến lược rằng, có an sinh thì tăng trưởng mới bền vững. Ông Hanh nhấn mạnh: “đừng nói người dân không quan tâm chuyện học nghề, vấn đề là đào tạo đúng nhu cầu của họ”.

Lúng túng tìm lời giải cho ách tắc giao thông

Lãng phí, hiệu quả thấp, tiến độ chậm, không đồng bộ là những nhận xét về những dự án giao thông trên địa bàn thành phố. Theo đại biểu Nguyễn Hoài Nam thì, các công trình giao thông chậm tiến độ, không đồng bộ trong khi chất lượng thi công lại quá kém. Đại biểu Vũ Đức Tân lại cho rằng: “Hà Nội dở nhất là quy hoạch và đầu tiên là quy hoạch giao thông”. Còn đại biểu Bùi Xuân Hộ thì tỏ ý bức xúc với giao thông Hà Nội khi cho rằng: “nói lắm cũng đến thế!”… Bao giờ Hà Nội mới thoát khỏi tình trạng đường bị đào bới nghiêm trọng? Đại biểu Ngô Văn Ny cũng phàn nàn: nhân dân đóng thuế không thiếu, nhưng nhiều công trình làm một cách vội vã, lãng phí… Đại biểu Tô Yên Khánh lại băn khoăn với những dự án hạ ngầm và chỉnh trang đường phố, đại biểu này cho rằng dù đó là các dự án có thể hoàn thành trong tầm tay nhưng tiến độ quá ì ạch, chất lượng vô cùng tồi. Chủ trương nói rằng hoàn thành trước 30-7, đã khiến nhiều công trình chạy theo tiến độ, theo tôi, “bằng mắt thường cũng thấy là chạy tiến độ”…

trả lời những bức xúc của các đại biểu tại kì họp HĐND Tp, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Nguyễn Quốc Hùng thừa nhận: cách thức tổ chức giao thông của thành phố thời gian qua đã không được tiến hành một cách đồng bộ. Chẳng hạn, dự án bịt và dỡ các ngã tư… Ông Hùng cho rằng, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với công an thành phố, các đơn vị  chức năng, cũng như tiếp thu các ý kiến đóng góp của các cá nhân, tập thể, các tổ chức nghiên cứu khoa học, đề xuất các giải pháp tổ chức lại hệ thống giao thông để tìm ra lời giải hữu hiệu nhất cho giao thông thành phố.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *