Quản lý game online, giải quyết việc làm cho nông dân mất đất và ùn tắc giao thông (trong đó có việc bịt ngã tư) là ba vấn đề được Thường trực HĐND thành phố Hà Nội lựa chọn để các đại biểu chất vấn trực tiếp tại hội trường. Tuy nhiên, kết thúc phiên chất vấn, nhiều đại biểu cho biết, họ cảm thấy thất vọng, một phần bởi phần trả lời của đại diện UBND thành phố vẫn rất mù mờ, chưa rõ trách nhiệm của ai, một phần vì 3 vấn đề trên không phải là những vấn đề mà người dân quan tâm nhất hiện nay. Theo các đại biểu, lẽ ra HĐND thành phố nên chất vấn về các vấn đề như công tác chuẩn bị cũng như chất lượng các công trình 1.000 năm Thăng Long, vấn đề sốt đất phía Tây thành phố… Game online: Không ai quản nổi? Là người đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên về vấn đề quản lý game online, Giám đốc Sở TT-TT phạm Quốc Bản cho biết, Hà Nội hiện có 3.400 đại lý kinh doanh dịch vụ Internet, trong đó có những điểm có tới 50 máy, hầu như hoạt động suốt ngày đêm. Cứ 10 người vào đại lý thì có tới 7 người chơi game. Thừa nhận game online với nội dung bạo lực đang làm băng hoại nhân cách của một bộ phận thanh thiếu niên, song ông Bản cũng cho rằng: “Chúng tôi không phải là cơ quan cấp phép. trách nhiệm ở đây thuộc về Sở KH- ĐT và UBND các quận huyện. Còn về cấp phép cho doanh nghiệp phát hành game online, chỉ có Bộ TT- TT mới có quyền. Ngoài ra còn có trách nhiệm của cha mẹ học sinh nữa”.
Không hài lòng với cách trả lời như trên, đại biểu Nguyễn Đức Toàn, trưởng ban VH-XH HĐND thành phố nhận xét: “Tôi thấy đồng chí Giám đốc Sở trả lời rất phức tạp, đổ trách nhiệm vòng vo, chả hiểu cuối cùng thì ai chịu trách nhiệm chính? Vậy thì Sở quản lý cái gì?”. Giải trình thêm, ông Bản cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ chuẩn bị kế hoạch tổng thanh tra, xử lý các đại lý vi phạm, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền”. Tuy nhiên, phần trả lời này đã được đại biểu Ngô Văn Ny đặt vấn đề rất thẳng thắn: “Đề nghị các đồng chí không được dùng từ “sắp tới”, vì “sắp tới” là khi nào, vài năm hay vài chục năm nữa?”. phó chủ tịch HĐND thành phố Lê Quang Nhuệ cũng tỏ ra không đồng tình với phần trả lời của ông Bản và nhận xét: “Cứ lòng vòng kiểu như thế thì cuối cùng ai là người chịu trách nhiệm chính? Không thể đá quả bóng trách nhiệm cho cơ quan khác hay Bộ TT-TT được”. Theo ông Nhuệ, cá nhân ông thấy đang có lỗ hổng lớn về trách nhiệm và dường như đang có sự bất lực trong công tác quản lý game online.
Chốt lại phần trả lời của Giám đốc Sở TT-TT, Chủ tịch HĐND thành phố Ngô Thị Doãn Thanh, nêu ý kiến: “Nhiều đại biểu chưa thỏa mãn, vì phần trả lời chất vấn vẫn lặp đi lặp lại mà không nêu rõ được chức năng quản lý là gì”. Bịt ngã tư: Giải pháp kỳ dị Nhận được rất nhiều chất vấn của các đại biểu, song Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Quốc Hùng chỉ có vỏn vẹn 15 phút để trả lời hơn 10 câu hỏi về vấn đề ùn tắc giao thông và quyết định đầu tư nhiều dự án giao thông lãng phí, hiệu quả thấp. Chính vì thời gian quá ít, nên nhiều chất vấn của các đại biểu đã không được giải đáp đầy đủ hoặc không được trả lời. Liên quan đến vấn đề bịt các ngã tư, gây bức xúc dư luận thời gian qua, đại biểu Đào Xuân Mùi nêu câu hỏi: “Tôi không biết thành phố đã có đánh giá gì về hiệu quả của giải pháp này chưa, nhưng cá nhân tôi thấy đây là giải pháp rất kỳ dị và làm méo mó hình ảnh giao thông Thủ đô”. trả lời câu hỏi này, ông Hùng cho biết: “Bịt ngã tư chỉ là giải pháp tình thế, vì thành phố chưa đủ điều kiện áp dụng giải pháp hiện đại hơn. Thực tế cho thấy thời gian qua đã xảy ra ùn ứ phương tiện. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu và đề xuất giải pháp tổ chức lại giao thông”. Về vấn đề đào bới vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị như chất vấn của một số đại biểu, ông Hùng cho hay đây là vấn đề đã được phân cấp cho UBND các quận, huyện nên Sở GTVT không có trách nhiệm. Riêng về các vấn đề như thành phố hiện có bao nhiêu hầm đi bộ, kinh phí đầu tư bao nhiêu, có bao nhiêu hầm đang hoạt động; bao giờ thành phố xây được đầy đủ cầu vượt cho người đi bộ, chất lượng các dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư… đều không được giải đáp.
|