trong hai ngày 3 và 4-8, tại trụ sở Chính phủ, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2010 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Về tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm 2010, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) tháng 7 ước tăng 3,6% so tháng trước và tăng 12,3% so tháng 12-2009. Tính chung bảy tháng, tăng 13,5% so cùng kỳ năm trước và cao hơn so kế hoạch năm (12%).
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tháng 7 đạt gần 14,6 nghìn tỷ đồng, bằng 11,7% mức kế hoạch năm; bảy tháng qua đạt 77,6 nghìn tỷ đồng, bằng 62% mức kế hoạch năm. trong bảy tháng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 6,4 tỷ USD, tăng 1,6% so cùng kỳ năm trước; cả nước có 533 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký mới đạt hơn 8,4 tỷ USD, giảm khoảng 16% về số dự án nhưng tăng 5,4% về vốn cấp mới so cùng kỳ năm 2009.
Tổng kim ngạch xuất khẩu bảy tháng qua ước đạt 38,3 tỷ USD, tăng 17,5% so cùng kỳ năm 2009. Nhiều mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch hơn một tỷ USD như: dệt may, dầu thô, giày dép, thủy sản, gạo, gỗ… Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 ước khoảng 6,95 tỷ USD, giảm nhẹ so tháng trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu bảy tháng đầu năm ước khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 25,5% so cùng kỳ năm trước. Ước nhập siêu tháng 7 là 1,15 tỷ USD, bằng 19,8% kim ngạch xuất khẩu; nhập siêu bảy tháng qua ước khoảng 7,4 tỷ USD, bằng 19,45% tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,06% so tháng trước, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 129,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng 6; bảy tháng qua đạt 877,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,4% so cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, tình hình kinh tế – xã hội bảy tháng đầu năm đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát được thực hiện tốt; nhập siêu có xu hướng giảm; giá cả thị trường được bình ổn, SXCN tiếp tục tăng cao hơn so kế hoạch. An sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe và đời sống nhân dân, an ninh quốc phòng, chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tuy nhiên, nền kinh tế còn một số khó khăn như: nhập siêu có xu hướng giảm nhưng vẫn còn khá cao; giá cả trên thị trường thế giới và giá vật tư đầu vào tăng gây áp lực đến mặt bằng giá cả trong nước; tình trạng thiếu vốn và lãi suất tín dụng cao vẫn là những khó khăn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là SXCN… Bộ Kế hoạch và Ðầu tư dự báo thời gian tới, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức cao hơn những tháng đầu năm và có khả năng hoàn thành, thậm chí vượt mức tăng trưởng 6,5% năm 2010 như mục tiêu đề ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu có thể tăng 17%, nhập siêu giảm xuống dưới 20%, CpI sẽ tăng khoảng 8% là mức tăng phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. trên cơ sở này, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đề xuất bảy nhóm giải pháp cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực triển khai thực hiện trong các tháng tới.
phát biểu ý kiến kết luận phần kinh tế – xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tình hình kinh tế bảy tháng qua chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực: giá cả được kiểm soát tốt; thu ngân sách đạt khá; nhập siêu có xu hướng giảm; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng. Tuy nhiên, chúng ta không thể thỏa mãn, chủ quan mà cần nhận thức rõ nhiệm vụ thời gian tới rất nặng nề, còn nhiều khó khăn, thách thức, do đó các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, kiên trì, nỗ lực đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra cho năm 2010. Ðể đạt được các mục tiêu kể trên, Thủ tướng chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, phấn đấu giữ CpI dưới 8% là thành công, là tiền đề để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội những năm tiếp theo. Do đó, Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành, địa phương nhất là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh không để xảy ra nạn đầu cơ, tăng giá; chú trọng kiểm soát giá thuốc chữa bệnh, giá sữa, trong đó tập trung kiểm soát giá thuốc ở các nhà thuốc bệnh viện. Về giá than, Thủ tướng chỉ đạo không điều chỉnh giá bán than cho các nhà máy nhiệt điện, tuy nhiên, sẽ điều chỉnh giá bán than cho các nhà máy xi-măng, giấy và phân bón phù hợp giá thị trường. Thủ tướng lưu ý Bộ Công thương và các bộ, ngành khác nghiên cứu biện pháp đồng bộ gồm nhập khẩu, cung ứng, bán lẻ để bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên cơ sở tôn trọng các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vấn đề lãi suất và tỷ giá ảnh hưởng trực tiếp giá cả và sản xuất, do đó từ nay đến cuối năm và năm tới, phải có biện pháp điều hành linh hoạt và phù hợp từ nay đến cuối năm. Ðối với SXCN, nông nghiệp và dịch vụ, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các dự án công nghiệp trọng điểm, trong đó ưu tiên ứng vốn năm 2011 gồm vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ cho các công trình sắp hoàn thành trong năm tới; tiếp tục thúc đẩy SXCN thông qua tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy cổ phần hóa, đổi mới, nâng cao hiệu quả và phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trong đó đề phòng thiên tai, dịch bệnh.
Ðối với các vấn đề xã hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần sớm phê chuẩn chuẩn nghèo, Tổng cục Thống kê công bố tỷ lệ hộ nghèo; Bộ Thông tin và truyền thông phải siết chặt quản lý nội dung các trò chơi trực tuyến; Bộ Tư pháp phải rà soát các thủ tục kết hôn với người nước ngoài, nhằm hạn chế tình trạng lộn xộn trong môi giới hôn nhân với người nước ngoài như thời gian vừa qua; công tác cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần được quan tâm và đẩy nhanh hơn nữa. Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, nước ta tổ chức nhiều sự kiện lớn như các hội nghị quốc tế quan trọng, Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Ðại hội đảng các cấp tiến tới Ðại hội lần thứ XI của Ðảng… do đó các bộ, ngành chức năng phải phối hợp tốt để bảo đảm an ninh, an toàn cho các sự kiện trên. Thủ tướng nhắc nhở công tác thông tin tuyên truyền phải bảo đảm khách quan, mang tính xây dựng, chủ động cung cấp thông tin để công luận hiểu rõ tình hình đất nước, tạo đồng thuận trong xã hội.
* Chiều 4-8, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Cùng dự, có các đồng chí Nguyễn Xuân phúc, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Bắc Son, Ủy viên T.Ư Ðảng, phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư và đại diện lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Ðầu tư, Thông tin và truyền thông, Tài chính, Giao thông vận tải, Công thương, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một số tập đoàn kinh tế nhà nước…
Tại buổi họp báo, sau khi thông báo vắn tắt nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, đặc biệt là tình hình kinh tế – xã hội bảy tháng qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc đã tập trung thông báo về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp của Chính phủ ổn định, phát triển Vinashin. Thông báo nêu rõ, việc hình thành, phát triển Vinashin mạnh để làm nòng cốt phát triển ngành công nghiệp tàu thủy của đất nước, đáp ứng nhu cầu kinh tế quốc dân, quốc phòng, an ninh là chủ trương đúng đắn, rất cần thiết, phù hợp các nghị quyết liên quan của Ðảng. Kể từ năm 2006 hình thành tập đoàn đến nay, bước đầu đã tạo dựng cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng của ngành công nghiệp đóng tàu với 28 nhà máy đóng tàu đang hoạt động có trình độ công nghệ tiên tiến, sản phẩm được thế giới công nhận về chất lượng và có thương hiệu, uy tín trong ngành đóng tàu thế giới. Ðội ngũ lao động phát triển hơn 70 nghìn người. Tuy nhiên, bước vào năm 2008, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động mạnh kinh tế nước ta, do đó Vinashin chịu tác động hết sức nặng nề, đặc biệt về thị trường và nguồn vốn. Các chủ tàu đã hủy hợp đồng và các thỏa thuận đóng tàu trị giá hơn tám tỷ USD. Riêng năm 2010, số hợp đồng đóng tàu có nguy cơ bị hủy lên tới 700 triệu USD. Mặt khác, do đầu tư nhiều, dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính, nhiều dự án triển khai dở dang, phát triển nhiều doanh nghiệp, góp vốn ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính quá rộng, cho vay và bảo lãnh cho các công ty liên kết vay, nhiều đơn vị làm ăn không hiệu quả, không trả được nợ. Ðến tháng 6-2010, tổng tài sản của Vinashin là 104 nghìn tỷ đồng nhưng tổng số nợ là 86 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17 nghìn người, mất việc gần năm nghìn người. Chính phủ nhận định nguyên nhân của những khó khăn, yếu kém trên là d về khách quan, thị trường đóng tàu và vận tải biển thế giới sụt giảm đột ngột; những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu; việc quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ đối với DNNN, tập đoàn kinh tế nói chung và Vinashin nói riêng còn nhiều bất cập, kém hiệu quả.
Ngày 18-6 vừa qua, Chính phủ đã quyết định tái cơ cấu Vinashin với các giải pháp khá đồng bộ với nhiều nội dung quan trọng như: Yêu cầu Vinashin rà soát để cắt giảm, đình hoãn, chuyển giao dự án, chỉ giữ lại các dự án đầu tư thật sự cần thiết, có hiệu quả trong lĩnh vực đóng tàu; sắp xếp lại hệ thống tổ chức doanh nghiệp của tập đoàn gắn với việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp, giảm vốn hoặc giải thể các công ty thành viên có các ngành nghề không gắn với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, điều chuyển 12 đơn vị và năm dự án về Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam… Từ đánh giá tình hình, nguyên nhân, sự chỉ đạo của Chính phủ và kết quả bước đầu nêu trên, sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ chủ trương tái cơ cấu toàn diện với sự hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ từ kinh tế nhà nước và của các định chế tài chính tín dụng để duy trì và từng bước ổn định, phát triển Vinashin với hiệu quả ngày càng cao, trả được nợ, thu hồi được vốn và làm được vai trò nòng cốt của ngành đóng tàu biển với mục tiêu ít thiệt hại nhất và có lợi nhất về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. trên cơ sở đó, Chính phủ đề ra năm nhóm giải pháp tập trung vào các vấn đề: kiện toàn tổ chức và bộ máy lãnh đạo, duy trì sản xuất kinh doanh và tiếp tục tái cơ cấu; tài chính; hoàn thiện thể chế, cơ chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện tốt chức năng của chủ sở hữu đối với DNNN, tập đoàn kinh tế; xử lý các cá nhân có sai phạm; thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách, thành phần gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan để tổ chức chỉ đạo có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên.
phát biểu ý kiến tại buổi họp báo, đề cập vấn đề tái cơ cấu Vinashin, phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh ba nội dung chính. Thứ nhất, Chính phủ quyết tâm xây dựng ngành cơ khí đóng tàu và công nghiệp tàu thủy của đất nước. Việt Nam là một quốc gia biển, kinh tế hàng hải và đóng tàu là quan trọng. Vinashin có một số năng lực nhất định về đóng tàu, trên cơ sở đó, Chính phủ nhận định việc cơ cấu này nằm trong tầm kiểm soát và đủ khả năng giải quyết. Thứ hai, các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra như trên là có cơ sở, căn cứ, trong tầm kiểm soát, trong đó sẽ xác định lại chiến lược phát triển của Vinashin. Chính phủ sẽ thu hẹp ngành nghề kinh doanh của tập đoàn mà tập trung vào ngành nghề chính của Vinashin là đóng tàu, sửa chữa tàu, công nghiệp phụ trợ cho tàu (cẩu trục, động cơ, thép tấm… ), phát triển năng lực thiết kế, đội ngũ công nhân lành nghề. Việc cơ cấu lại Vinashin cũ đối với những công ty con, dự án đã góp vốn theo hình thức bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa để thu hồi vốn tập trung cho các ngành chính, tập trung đẩy mạnh sản xuất trên nền tảng vốn có. Chủ trương Chính phủ là tập trung nỗ lực của Nhà nước, doanh nghiệp để giải quyết nợ. Nhà nước sẽ cấp đủ vốn điều lệ cho Vinashin, đồng thời cơ cấu lại các khoản tín dụng trong và ngoài nước để sau đó tập đoàn tiếp tục trả nợ. Ðối với những lĩnh vực sản xuất chính thì Nhà nước tiếp tục đầu tư, cho Vinashin vay vốn phát triển. Ðây là phương án cơ cấu trong tầm kiểm soát có hỗ trợ tích cực của Nhà nước. Thứ ba, quan điểm của Chính phủ là cá nhân nào vi phạm quy định Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, những người đó phải bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật. |
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2010
5